Tập trung xử lý dứt điểm ngập lụt trên địa bàn Hạ Long

(PLO) - Bằng mọi biện pháp xác định rõ nguyên nhân, tập trung mọi nguồn lực xử lý ngay các điểm đã bị úng ngập trong trận mưa đầu tháng 7 vừa qua, không hành chính hóa các thủ tục lập dự án đầu tư gây chậm trễ đối với vấn đề này.
Sạt lở từ bãi thải khai trường khai thác than
Sạt lở từ bãi thải khai trường khai thác than

Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh trước tình tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp và thực trạng ngập lụt, sạt lở trên địa bàn TP Hạ Long hiện nay.

Sau đợt mưa kéo dài vào đầu tháng 7 vừa qua, TP Hạ Long đã xác định được 205 điểm ngập ngụt, sạt lở trên địa bàn, bên cạnh việc khắc phục một số điểm ngập sâu trong trận mưa lịch sử tháng 8/2015 cũng xuất hiện nhiều điểm ngập lụt mới phát sinh trên diện rộng, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân và du khách, tạo lên hình ảnh rất phản cảm về một thành phố du lịch biển bậc nhất Việt Nam.

Để xử lý dứt điểm vấn đề này, các cơ quan chức năng cần phải xác định rõ các nguyên nhân gây ra tình trạng ngập lụt. Theo đó, nguyên nhân chính của việc ngập lụt diễn ra trong 2 năm gần đây trên địa bàn thành phố là do khu dân cư xây dựng trước đây có cốt nền thấp hơn sự hình thành của các tuyến đường và các dự án đô thị ven biển được xây dựng gần đây. Trong khi đó, hệ thống cống, rãnh thoát nước mặt của các khu dân cư phía trong chưa được quan tâm, đầu tư, do vậy khi mưa to, kéo dài nước mưa thoát không kịp gây lên lụt lội nhiều nơi. 

Bên cạnh đó, trên địa bàn TP Hạ Long hiện đang triển khai đồng loạt nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật, nhiều dự án du lịch xây dựng trên đồi và lấn biển, trước khi xây dựng chưa có phương án thoát nước mặt an toàn, khi mưa xuống nước bề mặt không giữ được dẫn đến rửa trôi đất đá xuống hệ thống cống thoát, hoặc chảy tràn từ trên đồi xuống làm sạt lở đất và tắc hệ thống cống, nước bề mặt tràn vào các khu dân cư, các tuyến đường gây ngập lụt.

Song, nguy hiểm nhất vẫn là các khu dân cư nằm sát các khai trường mỏ khai thác than, hiện tượng bùn đất từ những bãi thải khổng lồ cuốn trôi nhà cửa khi gặp trời mưa to, kéo dài đã xảy ra vào tháng 8/2015. Mặc dù chính quyền đã sơ tán một điểm dân cư, nhưng đến nay vẫn còn một số địa điểm luôn tiềm ẩn nguy cơ bị lũ bùn. Đây là hậu quả cho việc quy hoạch đổ thải của khai trường khai thác than, trước kia khu vực dân cư nằm cách xa khai trường nhưng do quá trình đổ thải đã tiến đến gần khu dân cư.

Vừa qua, bước đầu tỉnh Quảng Ninh đã dành 47 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp cấp bách nạo vét, sửa chữa hệ thống tiêu thoát nước. Vì vậy nhiều khu vực dân cư đã từng bị ngập lụt trong năm 2015 năm nay không còn bị ngập.

Nhận định tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, bằng mọi biện pháp và huy động mọi nguồn lực tiến hành xử lý ngay các điểm đã bị úng ngập trong trận mưa ngày 5/7, không hành chính hóa các thủ tục đầu tư dự án gây chậm trễ. Đặc biệt lưu ý các điểm ngập lụt, sạt lở liên quan đến an toàn tính mạng, tài sản khu dân cư, an toàn giao thông.

Cụ thể từng điểm ngập, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long chỉ rõ, đối với khu vực ngập lụt ở Bãi Cháy và Hòn Gai triển khai ngay phương án thoát nước ra biển, yêu cầu các tập đoàn Vingrroup, Sungroup bổ sung, đầu tư ngay hệ thống thoát nước ra phía biển qua khu vực dự án; mở rộng mặt cắt thoát nước trên các tuyến giao thông nội thành. Riêng khu vực phường Hà Trung, yêu cầu các đơn vị thi công trên khu vực đồi cột 3 có phương án xử lý ngay không được để thoát nước xuống khu vực dân cư phía dưới.

Trước thực trạng mưa lũ như hiện nay, tại một hội nghị gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh, mùa mưa bão mới chỉ bắt đầu, bài học từ trận mưa lụt lịch sử năm 2015, cơn mưa đầu tháng 7/2016 cho thấy không thể chậm trễ trong thực hiện các phương án xử lý; tập trung mọi nguồn lực xử lý dứt điểm vấn đề này; tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân nắm rõ thực trạng, chủ động biện pháp phòng chống. Khi thiên tai lũ lụt xảy ra, theo quy định yêu cầu tất cả cán bộ thành phố, phường, tổ trưởng xuống các khu dân cư đi kiểm tra, nắm bắt và dự báo tình hình để phát hiện kịp thời các điểm ngập lụt, sạt lở và nhanh chóng đưa ra các biện pháp xử lý nhanh, hiệu quả.

Đọc thêm