Thái Nguyên: Hiệu quả từ chương trình đào tạo nghề cho người yếu thế

(PLVN) - Vì nhiều lý do khác nhau như không đủ vốn đầu tư, không được trang bị khoa học kỹ thuật, thiếu đất sản xuất, bị khuyết tật, người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, họ trở thành người yếu thế trong xã hội. Để giúp người yếu thế có cuộc sống ổn định hơn, Nhà nước đã có nhiều quan tâm hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án. Một trong số đó là dự án đào tạo nghề (ĐTN).
Người dân sản xuất chè an toàn theo những kỹ thuật mới.
Người dân sản xuất chè an toàn theo những kỹ thuật mới.

Trong 10 năm gần đây, dự án ĐTN được triển khai trên toàn tỉnh Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt với người yếu thế, nhờ tham gia các lớp ĐTN họ có nghề mới, hoặc tự tạo được việc làm tăng thu nhập ngay ở nơi mình sinh sống.

Trong 5 năm gần đây, trên toàn tỉnh có gần 20.000 lao động nông thôn được tham gia các lớp ĐTN, trong đó hơn 7.800 người học nghề phi nông nghiệp; hơn 12.000 người học nghề nông nghiệp. Tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên, tạo thuận lợi cho người yếu thế được tiếp cận với các thông tin liên quan về nghề học, về thị trường lao động và về đầu ra cho sản phẩm.

Hiệu quả của dự án có thể thấy rõ khi các học viên tốt nghiệp lớp học nghề, nhiều người yếu thế tự thay đổi được chính mình. Kiến thức, khoa học kỹ thuật tiến tiến và kinh nghiệm sản xuất tạo cho họ có tố chất tích cực mới, giúp họ đủ sức vượt qua rào cản tự ti của bản thân, và tự tin vượt khó, dám đầu tư trong làm kinh tế, vượt khó, xóa nghèo.

Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong thực hiện xóa giảm nghèo, dự án ĐTN cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Giai đoạn 2016-2020, số hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, số hộ nghèo đã giảm từ gần 20.000 hộ năm 2016 xuống còn hơn 8.500 hộ hiện nay. Đặc biệt trong đó có 322 hộ thoát nghèo nhờ trong nhà có người tham gia các lớp ĐTN...

Dự án ĐTN cho người yếu thế đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đồng thời bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Hơn thế, chủ trương ĐTN cho lao động nông thôn không dừng lại ở việc đặt vào tay người nông dân chiếc cần câu, mà trực tiếp góp phần quan trọng trong thực hiện nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động, phù hợp với thị trường lao động trong và ngoài nước. Nếu như đầu năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 58,1%, trong đó 25,4% có văn bằng, chứng chỉ; thì năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó 30,5% có văn bằng, chứng chỉ.

Chị em hào hứng tham gia lớp học cắt, may được Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên tổ chức tại huyện Đại Từ.
 Chị em hào hứng tham gia lớp học cắt, may được Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên tổ chức tại huyện Đại Từ.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh: Sau khi tham gia các lớp ĐTN, có hơn 12.000 lao động nông thôn có việc làm, và khoảng 1/3 trong số đó là người yếu thế.

Mỗi người cần có một nghề để sống - nhiều người yếu thế sau tham gia các lớp ĐTN, đã có nghề mới, hoặc làm nghề cũ nhưng thu nhập tăng cao hơn. Và cùng thời gian, nhiều người được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt có không ít người tàn tật không chỉ tự lo được cuộc sống kinh tế cho bản thân, gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội./.

Đọc thêm