Thu hút nguồn lực phát triển Cao Bằng bền vững

(PLVN) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đến nay Cao Bằng đã cơ bản hoàn thành 100% các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Nhân dịp này, ông Lại Xuân Môn -Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng - đã có những chia sẻ về kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay và những định hướng lớn của tỉnh trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn thăm dây chuyền sản xuất phôi thép – Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn thăm dây chuyền sản xuất phôi thép – Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng.

Ông có thể khái quát những kết quả nổi bật mà tỉnh ta đã đạt được trong nhiệm kỳ qua?

- Những năm qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đan xen; song với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ  của của Đảng, Nhà nước, các Ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong cả nước; Tỉnh Cao Bằng đã đạt được thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Nổi bật là kinh tế của tỉnh liên tục phát triển năm sau cao hơn năm trước; 17/17 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó 4 năm liên tiếp (từ năm 2017 - 2020) đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra, bình quân hàng năm có 11 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt bình quân trên 7,0%/năm; cơ  cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,2 triệu đồng/người/năm, vượt 11% mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2015 - 2020 đạt trên 9.200 tỷ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. 

Các hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, nổi bật quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh vùng đất và con người Cao Bằng, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược đăng ký đầu tư nhiều dự án lớn với tổng mức đầu tư trên 33.000 tỷ đồng. Du lịch có bước phát triển vượt bậc.

Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt; Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Lượng khách du lịch đến Cao Bằng tăng cao, đạt trên 5 triệu lượt người, tăng 98%, doanh thu du lịch đạt trên 1.200 tỉ đồng, tăng 192% so với giai đoạn 2011 - 2015. 

Kết cấu hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu tiếp tục được quan tâm đầu tư và hoàn thiện, cửa khẩu Trà Lĩnh trở thành cửa khẩu quốc tế, tỉnh Cao Bằng hiện có 02 cửa khẩu quốc tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn hàng năm bình quân tăng 13%/năm.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có sự phục hồi và tăng trưởng khá. Toàn tỉnh có trên 1.700 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm 30,77%.

Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố, ngày càng vững mạnh; bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia. Hoàn thành việc bố trí công an chính quy tại 100% xã, thị trấn. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại được quan tâm thực hiện, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Cao Bằng với các tổ chức, địa phương trong và ngoài nước tiếp tục được mở rộng.

Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng để Đảng bộ tỉnh đạt được nhiều thành tựu trên?

- Yếu tố chính là các nhiệm vụ theo chức năng của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải được đưa ra bàn bạc, thảo luận dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, từ đó có sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo  và tổ chức thực hiện xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh; luôn khơi dậy lòng tự hào, tự trọng trong cán bộ và nhân dân các dân tộc về truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng để tạo động lực, niềm tin, khát vọng cũng như trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo để xây dựng và phát triển quê hương Cao Bằng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời đối với các tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu các cấp. 

Tỉnh luôn nhận được sự đồng lòng ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, là tỉnh miền núi, biên giới với điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng còn rất khó khăn, nhưng luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, các Ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong cả nước, đó là nguồn động viên rất lớn đối với Cao Bằng.

Trong công tác xây dựng Đảng, Cao Bằng đã đạt được những kết quả nổi bật gì trong giai đoạn vừa qua, thưa ông?

- Cùng với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Cao Bằng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Cao Bằng đã thu được nhiều kết quả khá ấn tượng trên lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, trong đó điểm nổi bật là tập trung vào việc củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và xóm, tổ dân phố.

Theo đó Cao Bằng là địa phương được ghi nhận, đánh giá cao trong thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đã sắp xếp, sáp nhập 6 cặp huyện, từ 13 đơn vị hành chính cấp huyện còn 10 huyện, thành phố, giảm 3 huyện bằng 23,07%, bằng 50% của cả nước; sáp nhập 76 xã, từ 199 xã, phường, thị trấn nay giảm 38 xã, còn 161 xã bằng 19,1%, đứng thứ 2 của cả nước về tỉ lệ %.

Một góc TP Cao Bằng.
 Một góc TP Cao Bằng.

Cùng với đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng qua việc ban hành Đề án về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên quê hương Cao Bằng, qua đó đã và đang tạo ra bước chuyển biến trong tư duy, nhận thức, khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, trông chờ ỷ lại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, khơi dậy lòng tự hào, niềm tin và ý chí khát vọng, bản lĩnh, quyết tâm, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, đưa Cao Bằng bứt phá vươn lên, xứng đáng với truyền thống của quê hương cội nguồn cách mạng.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần này sẽ đề ra phương hướng, mục tiêu gì để đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà tiếp tục phát triển trong nhiệm kỳ tới, thưa ông?

- Nhiệm kỳ tới tỉnh sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược về: phát triển du lịch, dịch vụ bền vững; phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc sản gắn với chế biến; phát triển kinh tế cửa khẩu; Tập trung tháo gỡ 3 điểm nghẽn, nút thắt về:  kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch – dịch vụ, hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư, khai thác tối đa 05 lợi thế sẵn có của tỉnh. 

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ và sinh kế bền vững cho người dân. Trong đó, tập trung triển khai dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao do Tập đoàn TH True Milk làm chủ đầu tư với số vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng; dự án nông nghiệp thông minh do Công ty High-Tech Farm Hàn Quốc làm chủ đầu tư với tổng số đầu tư hơn 25 triệu USD. 

Tỉnh cũng tập trung đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới. Một nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ tới là cả hệ thống chính trị tỉnh Cao Bằng, nhà đầu tư triển khai đồng bộ, quyết liệt dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đảm bảo an toàn, chất lượng, vượt tiến độ, giúp Cao Bằng kết nối vươn lên, thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế cho phát triển. 

Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Đọc thêm