Thừa Thiên Huế: Cảnh báo tình trạng sạt lở xâm thực đường bờ biển

(PLO) - Bờ biển bị xâm thực và bồi lấp khiến nhà của các hộ dân sống ven bờ biển lâm vào cảnh bị đe dọa, hàng trăm hộ dân buộc phải rời nhà cửa sang nơi khác sinh sống để đảm bảo an toàn.
Sạt lở đường bờ biển tại xã Vinh Hải.
Sạt lở đường bờ biển tại xã Vinh Hải.

Rời nhà để tránh khỏi vùng sạt lở

Xã Phong Hải – huyện Phong Điền-tỉnh Thừa Thiên Huế có 3km đường bờ biển, hiện đường bờ biển của xã này đang bị sạt lở nghiêm trọng vì biển xâm thực. Tình trạng này đang xảy ra tại 5 thôn của xã: Hải Phú, Hải Nhuận, Hải Thế, Hải Thành và Hải Đông.

Có mặt tại bờ biển của xã Phong Hải vào những ngày cuối tháng 11, theo quan sát của PV, trải theo chiều dài của bờ biển có nhiều điểm sạt lở ăn gần xát vào đường bê tông, nhiều điểm sạt lở gây ra hàm ếch theo những hàng thông chạy dọc bờ biển khiến những khu vực trồng thông bị đổ ngã vì bị sạt lở. Ngư dân sống tại thôn Hải Phú cho biết, tình trạng sạt lở bờ biển bắt đầu xảy ra sau trận lụt lịch sử năm 1999, ban đầu sạt lở chỉ diễn ra trên phạm vi hẹp nên người dân không để ý, về sau do mưa bảo nên dân cư ở đây mới hốt hoảng vì biển xâm thực ngày càng nhanh.

Theo ngư dân địa phương, vì biển xâm thực nhanh nên cuộc sống của các hộ dân sống dọc theo bờ biển bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều hộ dân phải rời bỏ nhà của mình để lên khu tái định cư ở  hai thôn Hải Nhuận và Hải Thành để sống, mặc dù các khu tái định cư này cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nhưng để đảm bảo an toàn nên các hộ này phải chấp nhận di dời sang nơi khác. Ông Hoàng Trọng Xuyến (Trưởng thôn Hải Phú, xã Phong Hải) cho biết, nhà của ông trước đây cách bờ biển đến hơn 200m, nhưng  vì biển bị xâm thực hàng năm nên hiện tại nhà của ông chỉ cách bờ biển từ 80 đến 100m.

Ông Phan Khánh -  Chủ tịch UBND xã  Phong Hải cho biết, việc sạt lở bờ biển ở xã  này trở nên phức tạp từ năm 2007, trung bình mỗi năm bờ biển của xã lại bị xâm thực từ 5 đến 7m. Dọc theo bờ biển của xã này có 150 hộ dân sinh sống, nhưng vì bờ biển bị xâm thực nên xã đã di dời 141 hộ lên khu tái định cư để đảm bảo an toàn, 9 hộ khác vì không có điều kiện nên đành phải “bám trụ” lại.

Tại bờ biển thuộc thị trấn Lăng Cô-  huyện Phú Lộc, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa bão nên vùng cửa biển Lăng Cô cũngđang bị xâm thực nặng nề, cửa biển ăn sâu vào đất liền khoảng 200 mét và đang có chiều hướng tiếp tục xâm thực sâu thêm. Khu vực bờ biển của xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự với 2,5km đường bờ biển bị xâm thực và sạt lở, “uy hiếp” gần 260ha đất, vùng sản xuất nông nghiệp, vùng nuôi trồng thủy sản của người dân.

 Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Vinh Hải cho biết, từ năm 2013, tỉnh đã đầu tư 2,5 tỷ đồng để gia cố bờ biển bằng những rọ đá tại đoạn xung yếu với chiều dài gần 500m. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa bão, sóng lớn kết hợp với triều cường đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, xâm thực mới.

Từng bước khắc phục, đầu tư chống sạt lở

Tại bờ biển thuộc thị trấn Lăng Cô  - huyện Phú Lộc hiện có khoảng 160m đường bờ biển bị sạt lở, để đối phó với tình hình hiện tại phía thị trấn đã huy động nhân lực dùng rọ đá và bao cát để chống sạt. Ngoài ra còn phối hộ với Bộ đội Biên phòng thị trấn Lăng Cô thường xuyên tuần tra tại khu vực sạt để nắm bắt tình hình. Đến thời điểm hiện tại tình hình sạt lở đã dần được khắc phục.

Trong thời gian bờ biển ở đây bị sạt đã có hơn 100 cán bộ chiến sĩ Đồn BP Lăng Cô, Đại đội Cơ động BĐBP tỉnh đã cùng dân quân, người dân địa phương trên địa bàn thị trấn Lăng Cô, tiến hành sử dụng hàng trăm khối đất đá, rọ thép, vải bạt xây dựng kè đá ngăn chặn tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển ở khu vực này.

Theo ông Phan Thanh Hùng -  Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện phía Sở NN&PTNT tỉnh đã có chuyến kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở xảy ra tại khu vực cửa biển Lăng Cô. Đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh có những giải pháp khắc phục kịp thời, hạn chế tình trạng xâm thực, giúp ổn định sản xuất và đời sống của người dân vùng biển Lăng Cô. Tại vùng biển xã Vinh Hải, Chi cục Thủy lợi tỉnh cùng UBND huyện Phú Lộc, đã huy động nhân lực, lên phương án, sử dụng vải bạt mềm, rọ đá, gia cố những vùng xung yếu, xâm thực nặng tại đây nhằm bảo vệ đất sản xuất, công trình giao thông trong khu dân cư. Về lâu dài, UBND tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí xây kè chống sạt lở.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay khu vực bờ biển tỉnh, các tuyến sông có hàng chục điểm sạt lở với chiều dài gần 70km. Trong đó, liên quan đến sạt lở ven biển có khoảng 10km có mức độ sạt lở nghiêm trọng, thuộc địa bàn các xã Phong Hải (Phong Điền), Quảng Công (Quảng Điền), thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận (Phú Vang), xã Vinh Hải, Vinh Hiền và thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc). 

Đọc thêm