Thừa Thiên Huế: Dự án đường hơn 170 tỷ đồng tan nát sau mưa bão

(PLVN) - Dự án đường phía Đông đầm Lập An dài 3,4 km (ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) có tổng mức đầu tư 172 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ tô điểm và đưa khu đầm trở thành điểm thu hút khách tham quan. Thế nhưng, sau bão số 13, công trình này bị hư hỏng nặng, nhiều người dân cho rằng để xảy ra tình trạng này có phần do chất lượng thiết kế, thi công.
Nhiều hạng mục của tuyến đường tan nát, hư hỏng sau bão số 13
Nhiều hạng mục của tuyến đường tan nát, hư hỏng sau bão số 13

Nhiều đoạn của tuyến đường bị vỡ nát hoàn toàn

Dự án đường phía Đông đầm Lập An được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất chủ trương đầu tư tại văn bản số 199/HĐND-TH ngày 29/10/2015, điều chỉnh tại băn bản số 140/HĐND-TH ngày 26/10/2016 và văn bản số 46/HĐND-THKT ngày 29/3/2018. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư.

Dự án được thực hiện theo: Quy hoạch chi tiết xây dựng thị trấn Lăng Cô và làng chài đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt; Thiết kế phố đi bộ Lập An được Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt và phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 1171/QĐ-TTg ngày 8/12/2008.

Theo tìm hiểu, công tình tuyến phố đi bộ đầm Lập An, còn gọi là đường Nguyễn Văn, có chiều dài 3km. Công trình thuộc dự án đường phía đông đầm Lập An có tổng chiều dài 3,4km; bao gồm các hạng mục như đường đi bộ, lan can và tuyến đường bê tông nhựa với tổng mức đầu tư 172 tỷ đồng được trích từ ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu.

Trong đó, phần xây dựng gần 110 tỷ đồng do 5 nhà thầu: Công ty cổ phần 1.5, Công ty TNHH xây dựng Đồng Tâm, Công ty cổ phần Thành An (đều đóng tại Thừa Thiên Huế), Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Minh Đạt (đóng tại Quảng Bình) và Công ty TNHH TM và XD Long Đại Thịnh (đóng tại Đà Nẵng) thi công.

Phần mái kè tan hoang, hở hàm ếch đặt nhiều nghi vấn về chất lượng nền đắp

Phần mái kè tan hoang, hở hàm ếch đặt nhiều nghi vấn về chất lượng nền đắp

Dự án được thi công từ năm 2019 và hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Trong đó, nhiều hạng mục phần xây dựng đã được nghiệm thu. Tuy nhiên, cơn bão số 13 vừa qua, mặc dù bão không đổ bộ vào Thừa Thiên Huế nhưng công trình này bị hư hỏng ngoài sức tưởng tượng, người dân nơi đây đặt nghi vấn do công trình không bảo đảm chất lượng thiết kế, thi công.

Ghi nhận tại hiện trường, nhiều đoạn bờ kè bị sóng đánh làm sụt lún, hàng loạt mảng bê tông bị sóng đánh dạt mạnh, cuốn lên trên mặt đường, hệ thống lan can bị sóng gió quật đổ ngổn ngang, trơ cả sắt thép bên trong…

Một người dân tổ dân phố An Cư Tân, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) bức xúc cho biết, đây là công trình ven đầm phá, thị trấn Lăng Cô là thị trấn ven biển nên rõ ràng việc thiết kế, thi công trình phải bảo đảm chịu đựng được sự tác động của gió và sóng lớn. Cơn bão số 13 vừa qua, dù không đổ bộ trực tiếp vào Thừa Thiên Huế nhưng công trình có nhiều đoạn đã vỡ nát, hư hỏng nhiều nên cần xem lại chất lượng.

Chủ đầu tư nói công trình hư hỏng do thiên tai?

Theo đại diện một nhà thầu tham gia xây dựng công trình cho biết, ngay sau bão số 13, phía chủ đầu tư đã có cuộc họp với các nhà thầu về việc công trình phố đi bộ đầm Đông Lập An bị hư hỏng. Qua đó, đã xác định, giá trị thiệt hại đối với từng gói thầu, trong đó gói bị hư hỏng nhiều nhất trên 2 tỷ đồng, gói thấp nhất là hơn 300 triệu đồng.

“Trước khi công trình thi công, phía chủ đầu tư có mua bảo hiểm. Vì vậy, nếu những phần nào nhà thầu sai thì nhà thầu phải khắc phục, sửa chữa; những chỗ bị hư hỏng do thiên tai thì bảo hiểm sẽ định giá, bồi thường” - đại diện nhà thầu thông tin.

Ông Dương Đăng Trung- Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, hiện dự án này chưa được nghiệm thu và sau cơn bão số 13 công trình này “chỗ nào cũng có hư cả”. Ông Trung nói công trình đã được “làm quá tốt” và bị hư hỏng nghiêm trọng là do sóng đánh chứ không phải do vấn đề chất lượng. Về việc người dân cho rằng việc thiết kế, thi công công trình không bảo đảm, ông Trung nói rằng người dân nói là quyền của người dân, còn bản thân ông thấy công trình đã làm đúng như tư vấn thiết kế… 

Hệ thống gạch lát, lan can bị vỡ vụn
 Hệ thống gạch lát, lan can bị vỡ vụn

Trao đổi về vấn đề hạng mục xây dựng bị hư hỏng nặng nề sau bão, Ban quản lý khu kinh tế công nghiệp Thừa Thiên-Huế cho biết, sau cơn bão số 13, công trình đã thiệt hại các hạng mục như: Lan can loại 1, lề đường Terazzo, mái ta luy bằng đá hộc xây… ước tính thiệt hại 5 tỷ đồng. Theo Ban này thì nguyên nhân thiệt hại do thiên tai chứ không phải do chất lượng công trình.

Đại diện Ban quản lý khu kinh tế công nghiệp Thừa Thiên-Huế giải thích, trong đợt mưa bão vừa qua, do nước đầm dâng cao so với mặt đường kết hợp sóng vỗ mạnh trong nhiều giờ cuốn theo các vật nổi như thuyền, bè gỗ, phao… nên làm hư hỏng lan can loại 1, đánh vỡ mái ta luy đá hộc (được xây dựng từ năm 2000). Ngoài ra, xói trôi đất cát dưới lề đường tạo thành các hố sụp, xói lở làm hư hỏng lề đường bằng Terazzo.

Cũng theo Ban quản lý khu kinh tế công nghiệp Thừa Thiên-Huế, phần lan can công trình được thiết kế dựa trên các tiêu chí như an toàn cho người đi bộ, thẩm mỹ, mỹ quan công trình; chứ lan can không phải là hạng mục chịu được lực sóng kèm theo va đập của các vật trôi nổi do bão hoặc sóng.

Tuy nhiên, trước những hư hỏng đó, người dân nghi vấn về chất lượng thiết kế, thi công công trình phố đi bộ phía Đông đầm Lập An. Nếu sau khi khắc phục và cường độ bão mạnh hơn, liệu công trình có đảm bảo không? Thiết nghĩ tỉnh Thừa Thiên Huế sớm cử lực lượng chuyên môn vào cuộc kiểm tra để có kết luận chính xác.

Đọc thêm