Thừa Thiên – Huế: Muốn học sinh được đi học nhưng lo “phạm quy” giãn cách

(PLVN) - Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học vào ngày 27/4 đối với học sinh THCS, THPT và GDTX, học sinh mầm non và tiểu học vào ngày 4/5. Tuy nhiên, địa phương này đang lo  “vi phạm” quy định về giãn cách của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Bộ Y tế.
Các trường ở Huế đã sẵn sàng đón học sinh
Các trường ở Huế đã sẵn sàng đón học sinh

An toàn cho học sinh là trên hết

Theo công văn gửi các đơn vị trực thuộc, Sở GDĐT Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các các trường học nếu đáp ứng đủ 6 điều kiện mới được phép đón học sinh trở lại Trường.

Sáu điều kiện đó là: Đã được cơ quan y tế phun thuốc sát khuẩn (thời điểm thực hiện tiêu trùng khử độc phải đảm bảo số ngày quy định trước ngày học sinh trở lại Trường; cử lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của đơn vị trực để phối hợp với lực lượng y tế trong việc phun thuốc để đảm bảo án toàn); Có đủ điều kiện vệ sinh hàng ngày cho học sinh (nước hợp vệ sinh, xà phòng, hệ thống bồn rửa tay, nước sát khuẩn...).

Các điều kiện tiếp theo là: Có một phòng y tế theo quy định phòng cách ly, trong đó đảm bảo đủ các điều kiện về chăm sóc sức khỏe ban đầu, dụng cụ theo dõi thân nhiệt...;  Đảm bảo 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được trang bị đủ khẩu trang; Trường học được vệ sinh sạch sẽ (các thiết bị học tập, bàn ghế...được vệ sinh tẩy trùng); Bố trí cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn vị trí đỗ xe giữ khoảng cách cho phụ huynh khi đưa đón con tại cổng trường.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GDĐT TT-Huế - cho biết, an toàn cho học sinh khi trở lại trường học là vấn đề được lãnh đạo Sở đặt lên hàng đầu. Việc học là quan trọng  nhưng sức khỏe của các em và phòng chống dịch cho cộng đồng còn cấp thiết hơn nhiều.

Đơn vị này cũng khuyến nghị với các trường Mầm non và Tiểu học trên địa bàn không nên tổ chức ăn bán trú trong thời gian này.

“Chúng tôi đã được UBND tỉnh giao chuẩn bị 300.000 khẩu trang vải sát khuẩn để cấp miễn phí cho toàn thể giáo viên và học sinh trên địa bàn. Loại khẩu trang này giặt được 20 lần, khi sử dụng hết chúng tôi sẽ cấp tiếp. Tôi cũng chỉ đạo Hiệu trưởng các trường tìm hiểu và kịp thời báo cáo về Sở những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh để chúng tôi có phương án hỗ trợ, bảo đảm rằng không có học sinh nào không được đến trường vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn” - ông Tân chia sẻ.

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GDĐT TT-Huế: "Chúng tôi có phương án hỗ trợ, bảo đảm rằng không có học sinh nào không được đến trường"
Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GDĐT TT-Huế:  "Chúng tôi có phương án hỗ trợ, bảo đảm rằng không có học sinh nào không được đến trường"

"Việc học 2 buổi/ngày trong thời gian này là chưa nên. Vừa qua, hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện dạy học trực tuyến rất tốt. Nay đi học lại thì đề nghị các thầy cô một buổi dạy ở lớp, buổi còn lại tiếp tục ôn bài trực tuyến thì tôi nghĩ sẽ đạt hiệu quả cao, nhẹ nhàng mà góp phần phòng chống dịch bệnh tốt" - ông Tân nói thêm. 

Sợ “phạm quy” giãn cách

Nhiều giáo viên cho rằng, bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường học là việc làm xuyên suốt và ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở vật chất và số lượng giáo viên hiện tại, việc Bộ GDĐT và Bộ Y tế hướng dẫn học sinh phải  ngồi cách nhau 1,5m và mỗi lớp không quá 20 em là việc khó. 

Với mỗi lớp học thường có 45-50 học sinh, việc giãn cách theo quy định thì mỗi lớp phải chia 2, thậm chí chia 3. Khi đó, lấy đâu ra phòng học và giáo viên để dạy? Kinh phí để trả lương cho giáo viên đứng lớp vượt số tiết ai sẽ trả? Và khi giáo viên làm việc quá thời gian so với quy định của Bộ luật lao động thì ai phải chịu trách nhiệm?

Theo cô Hoàng Thị Thủy (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, TP. Huế), để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, hiện tại trường chúng tôi đã hoàn thành việc vệ sinh,  chuẩn bị đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn, sẵn sàng đón các em trở lại. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc giãn cách học sinh tối thiểu 1,5m và quy định mỗi phòng học không quá 20 em. Bởi khi chia lớp ra thì giáo viên đâu để dạy, mỗi giáo viên không thể dạy một tiết thành 3 tiết được và phòng học đâu để mà chia. Khi chia ra thì phân ca học như thế nào?

“Nói chung là khó để thực hiện, lúng túng. Bây giờ, để đảm bảo kế hoạch kết thúc năm học cho học sinh lớp 9 thi vào cấp 3 và đón học sinh lớp 6 nhập học thì chúng tôi phải cho các em học tại lớp (ngồi học theo lớp như cũ-PV) nhưng bắt buộc các em phải mang khẩu trang. Tất cả các cửa cầu thang và cửa lớp chúng tôi bố trí nước sát khuẩn cho các em rửa tay” - Hiệu trưởng Thủy chia sẻ.

Đọc thêm