Thừa Thiên Huế tiết kiệm thêm 10% dự toán phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và thiên tai

(PLVN) - UBND tỉnh TT- Huế vừa ban hành Chỉ thị số 9/CT-UBND về việc tăng cường các giải pháp điều hành chi chặt chẽ, phù hợp với khả năng thu ngân sách địa phương nhằm đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước tỉnh nói chung và các huyện, thị xã, TP Huế nói riêng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra tại một chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh
Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra tại một chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh

Theo đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Hoạt động du lịch gặp khó khăn; sức mua tại các siêu thị và chợ trung tâm cũng bị ảnh hưởng… dẫn đến khả năng ngân sách địa phương sẽ hụt thu lớn, nguy cơ mất cân đối ngân sách nhà nước tỉnh nói chung và các huyện, thị xã và TP Huế nói riêng.

Do đó, để tăng cường các biện pháp điều hành chi chặt chẽ, phù hợp với khả năng thu ngân sách địa phương, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện chủ động rà soát nguồn thu ngân sách, xây dựng phương án điều hành chi ngân sách theo phương châm “Thu giảm, chi giảm”.

UBND các cấp thực hiện quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao, chủ động sử dụng dự phòng ngân sách để chi phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai; không bổ sung ngoài dự toán đầu năm, trừ một số trường hợp đặc biệt cấp bách. 

Trước mắt, Sở Tài chính chỉ tham mưu UBND tỉnh điều hành, sử dụng dự phòng ngân sách trong phạm vi 50%, tạm giữ lại 50%; UBND cấp huyện điều hành, sử dụng 40% dự phòng ngân sách và tạm giữ lại 60% để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách giảm lớn hoặc chi phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trên cơ sở ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh tại Công văn số 43/HĐND-KTNS ngày 09/4/2020, thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2020 của các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ ngành y tế) cấp tỉnh và các huyện, không bao gồm các khoản: Chi tiền lương, phụ cấp theo lương, chi cho con người theo chế độ; chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các khoản chi đặc thù khác.

Các đơn vị thực hiện tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, chi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo. Thực hiện lồng ghép các nội dung, công việc cần xử lý; chuẩn bị kỹ, đầy đủ đúng yêu cầu, nội dung cuộc họp, tùy theo tính chất, nội dung, mục đích, yêu cầu của cuộc họp, người triệu tập cuộc họp phải cân nhắc kỹ và quyết định thành phần, số lượng đại biểu tham dự cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả…

Đọc thêm