Thương mại điện tử tại TP HCM phát triển nhưng quản lý còn hạn chế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng kết bước đầu về kết quả thực hiện Quy hoạch Phát triển ngành thương mại Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công thương TP HCM vừa cho biết, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu có cơ sở đo lường (tổng mức bán lẻ hàng hóa, thương mại - dịch vụ, xuất khẩu) thời gian qua đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.
Tại TP HCM, hoạt động thương mại điện tử đã phát triển nhanh chóng. Ảnh minh họa
Tại TP HCM, hoạt động thương mại điện tử đã phát triển nhanh chóng. Ảnh minh họa

Trong đó, Sở Công thương nhấn mạnh, hoạt động thương mại điện tử đã phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng, chiều sâu và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh khi lượng người sử dụng thiết bị di động kết nối internet ngày càng nhiều.

Các kênh phân phối thương mại điện tử được triển khai đa dạng theo mô hình website bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trên cả nền tảng web và nền tảng di động. Các ứng dụng thanh toán điện tử được triển khai rộng khắp, hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử, gồm thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM,...), thanh toán trên internet (thông qua tài khoản ngân hàng), thanh toán qua điện thoại di động...

Cũng theo Sở này, thị trường trong nước duy trì ổn định nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mại, giảm giá của doanh nghiệp, các đợt tổ chức hội chợ, triển làm. Thành phố đã thực hiện tốt vai trò kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường tại các địa phương.

Việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu đã tạo hiệu ứng lan tỏa, chất lượng hàng hóa đảm bảo và giá cả ổn định, góp phần bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, Sở Công thương cũng nhìn nhận, quản lý nhà nước về thương mại điện tử còn hạn chế, nhất là trong quản lý thuế, quản lý nguồn gốc, luồng hàng dẫn đến tình trạng hàng nhái, hàng không đảm bảo như cam kết của người bán, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Hệ thống bán lẻ trong nước đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh với nước ngoài. Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn nhiều mặt hạn chế, cụ thể: Chiến lược đầu tư phát triển chưa được nhấn mạnh, tính chuyên nghiệp không cao, hạn chế về năng lực tài chính, các dịch vụ hậu mãi chưa tốt… 

Sở này cho hay, trong giai đoạn 2021-2025, cần thiết phải có một kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP HCM.

Tại Việt Nam, hiện có nhiều sàn thương mại điện tử lớn, nhỏ đang hoạt động, có những sàn chuyên mua bán đầy đủ các sản phẩm, nhưng cũng có những sàn lựa chọn “ngách” như chuyên về mỹ phẩm, chuyên nhu yếu phẩm hay chuyên trao đổi, mua bán sản phẩm cũ. Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… được coi là 4 sàn mạnh nhất trong nước, tính về uy tín thương hiệu, mức độ hoạt động rầm rộ và các thương vụ gọi vốn “khủng”.

Đọc thêm