Tiền Giang phấn đấu ít nhất 80% cơ sở dịch vụ kinh doanh thực phẩm được cấp chứng nhận ATTP

(PLVN) - Năm 2021, Tiền Giang cố gắng đạt trên 85% yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP) trong công tác kiểm tra; có ít nhất 80% cơ sở dịch vụ ăn uống và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP.

Trong thời gian qua, các sở, ban, ngành tỉnh Tiền Giang đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATTP. Đồng thời, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về chất lượng ATTP trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh Tiền Giang, năm 2020 vừa qua, 100% các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được kiểm tra với tỷ lệ 98,9% đạt vệ sinh; thực hiện kiểm nghiệm 175 mẫu, trong đó có 145 mẫu đạt vệ sinh; trên 89% mẫu test nhanh đạt vệ sinh.

Về điều kiện ATTP thức ăn đường phố, qua kiểm tra có trên 80% điểm kinh doanh đạt 09 tiêu chí, trong đó, tiêu chí về ghi chép nguồn gốc thực phẩm tăng trên 20% so với năm 2019, nhưng vẫn là tiêu chí đạt thấp nhất với tỷ lệ 73,9% cơ sở đạt. Năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm, với 35 ca mắc, không có trường hợp tử vong.

Mô hình chợ đảm bảo ATTP tại chợ Thành Công, huyện Gò Công Tây. Ảnh: Lý Oanh
Mô hình chợ đảm bảo ATTP tại chợ Thành Công, huyện Gò Công Tây. Ảnh: Lý Oanh

Ông Trần Thanh Thảo - Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Tiền Giang trong lĩnh vực ATTP đã đạt được trong năm qua. Đồng thời, ông yêu cầu trong năm 2021, Chi cục cần tập trung thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao năng lực hệ thống quản lý Nhà nước về ATTP từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn;

Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đạt trên 85% yêu cầu về ATTP; có ít nhất 80% cơ sở dịch vụ ăn uống do tỉnh quản lý và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP; giảm số vụ ngộ độc thực phẩm và số người mắc; giám sát, kiểm soát các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đối với các thực phẩm bày bán trên thị trường...

Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, trong đó chú trọng công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc lựa chọn và tiêu dùng sản phẩm an toàn cho bản thân và gia đình; các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Đọc thêm