Tọa đàm “Bản Dạ cổ hoài lang - Góc nhìn của người làm báo”

(PLVN) - Ngày 19/11, tại Bạc Liêu đã diễn ra buổi Tọa đàm “Bản Dạ cổ hoài lang - Góc nhìn của người làm báo” do Sở Văn hóa - Thông tin, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đây là một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2019.
Tiết mục Âm vang Dạ cổ
Tiết mục Âm vang Dạ cổ

Đến dự buổi Tọa đàm có ông Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; ông Nguyễn Duy Hoàng – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu, bà Cao Xuân Thu Vân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cùng đông đảo nhà báo, phóng viên trong và ngoài tỉnh.

Quang cảnh buổi tọa đàm
 Quang cảnh buổi tọa đàm

Bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, buổi tọa đàm nhằm tôn vinh và tri ân công lao của các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nghệ thuật cải lương. 

Trong những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc như: Sưu tầm các bài gốc của bản Dạ cổ hoài lang (DCHL); tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo, các cuộc thi....để truyền lửa cho các thế hệ trẻ. Qua đó tôn vinh, quảng bá bản DCHL đến du khách trong nước và quốc tế.  

Bà Lâm Thị Sang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi Tọa đàm
 Bà Lâm Thị Sang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi Tọa đàm

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh bản DCHL được bay cao, bay xa đó cũng là nhờ công lao của các ngòi bút nhà báo qua từng thế hệ. Vì vậy, bà Sang mong trong thời gian tới tỉnh sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa của Hội Nhà báo và các cơ quan thông tấn báo chí giúp cho Bạc Liêu làm tốt hơn nữa việc quảng bá, tuyên truyền về vùng đất và con người Bạc Liêu nói chung và giá trị của Bản DCHL nói riêng. 

Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm đưa ra những biện pháp để phát huy giá trị và tạo sự lan tỏa đối với bản DCHL đối với bạn bè trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Cao Xuân Thu Vân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết: Bản DCHL ra đời đã nhanh chóng lan tỏa từ Bạc Liêu đến các tỉnh khác. Nội dung của bản DCHL hết sức gần gũi với tâm trạng của con người, với 20 câu đầy chất thơ, ca với nhịp 2. Ca khúc là những u uẩn chứa đựng - dồn nén bấy lâu trong lòng người dân yêu nước được dịp thổ lộ…Từ nhịp đôi đến nhịp 4, nhịp 8 đến nay bản DCHL đã đạt đến nhịp 32.

Bà Cao Xuân Thu Vân – Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch phát biểu tham luận
 Bà Cao Xuân Thu Vân – Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch phát biểu tham luận

Tên tuổi của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và giá trị nghệ thuật của Bản DCHL đã thật sự đi vào lòng người trong suốt 100 năm qua. Có thể nói, chính Bản DCHL đã góp phần cho nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, nhiều tác giả, soạn giả là người Bạc Liêu nổi danh trên sân khấu cải lương.


Ngoài ra, các nhà báo tham dự buổi tọa đàm đã bày tỏ cách nhìn, cảm nhận của mình về Bản DCHL. Điển hình như nhà báo Cẩm Thúy - Báo Bạc Liêu với chủ đề 'DCHL, khúc ân tình nối hành trình du lịch'; Tổng biên tập Báo Cà Mau - Nguyễn Chiến với tham luận 'DCHL khơi nguồn cảm xúc bất tận'; ông Dương Thành Truyền - Chủ tịch Hội đồng thành viên nhà xuất bản trẻ TP Hồ Chí Minh với tham luận 'DCHL lên sóng Youtube tại sao không?'... 

Đọc thêm