TP HCM bàn giải pháp phát triển sau dịch

(PLVN) - Cuối tuần qua, UBND TP HCM đã tổ chức tọa đàm với doanh nghiệp về “Khôi phục và phát triển kinh tế TP HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay”.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: TTBC)
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: TTBC)

Hơn 80% doanh nghiệp còn khó khăn

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, dịch Covid 19 đã tác động nặng nề đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội thành phố. Hiện thành phố đã trải qua hơn 60 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, về cơ bản, thành phố đã trở lại nhịp sống bình thường mới.

Do đó, nhiệm vụ quan trọng của thành phố hiện nay là phải phục hồi hoạt động của doanh nghiệp, khôi phục sản xuất, tạo việc làm; đồng thời, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công…

Đại diện các doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho biết, kết quả khảo sát nhanh của HUBA vào giữa tháng 8 với phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chế biến lương thực thực phẩm, xây dựng và vật liệu xây dựng, cơ khí, nhựa, hóa chất cho thấy, chỉ có 5% số doanh nghiệp đã chuyển về trạng thái hoạt động bình thường, 9% số doanh nghiệp bắt đầu vượt qua khó khăn và có đến 84% doanh nghiệp còn khó khăn và rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, có tới 40% số doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh, 14% số doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu, trong khi 88% số doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường. Bên cạnh đó, khoảng 76% số doanh nghiệp cho biết, chưa tiếp cận được các gói chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong đợt dịch vừa qua.

Do vậy, HUBA kiến nghị thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, xem xét điều chỉnh các điều kiện để các gói chính sách hỗ trợ được áp dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng ngành nghề, loại hình sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các chương trình kích cầu, mua sắm, du lịch, đẩy mạnh đầu tư công; gia hạn nộp tiền thuê đất kéo dài  lên 12 tháng. Đối với doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động, áp dụng hình thức hậu kiểm, ngân hàng cho vay, Nhà nước cấp bù lãi suất sau, đẩy mạnh cho vay theo chuỗi sản xuất...

Các ngân hàng cần cải thiện các điều kiện cho vay theo hướng đơn giản, thuận lợi cho doanh nghiệp; mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua thẩm định phương án kinh doanh, quản lý nguồn thu và dòng tiền. Đây là điều kiện quan trọng nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh khuyến nghị thành phố phải giữ cho được lực lượng doanh nghiệp để tạo nội lực, nền tảng phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế; bảo vệ phúc lợi của doanh nghiệp và người dân; chính quyền thành phố cùng đồng hành với doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, có các chính sách nhắm đúng mục tiêu, đối tượng. Mặt khác, thành phố thực hiện mục tiêu “kép”, đó là duy trì các hoạt động kinh tế bình thường; cũng như có tầm nhìn về trung và dài hạn. 

Chuyên gia Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, thành phố nên thành lập một tổ công tác bao gồm có đại diện Nhà nước, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu (viện trường), đưa ra khuôn khổ hỗ trợ cho từng nhóm, ngành để có chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến: về dài hạn, thành phố cần đẩy nhanh các chương trình, đề án trọng điểm, các chương trình số hóa; có chính sách, giải pháp cụ thể để thu hút FDI, ưu tiên FDI có khả năng liên kết với doanh nghiệp trong nước để chia sẻ cơ hội cùng phát triển. Tận dụng một cách hiệu quả nhất cơ chế tự chủ mà Nghị quyết 54 của Quốc hội dành cho thành phố.

Hai vấn đề cần gỡ vướng

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: thành phố sẽ có bộ phận nghiên cứu xem việc doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ như thế nào để báo cáo Chính phủ. Bởi vì, thành phố là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, số lượng doanh nghiệp chiếm gần 50% doanh nghiệp cả nước.

Đồng thời, nhìn nhận thực tế thời gian qua, vai trò của các hiệp hội, hội ngành nghề rất quan trọng nên trong thời gian tới những vấn đề liên quan chính sách kinh tế của thành phố mà liên quan đến ngành nào thì thành phố sẽ mời các hội ngành nghề đó có ý kiến. Bởi vì, các doanh nghiệp là người thụ hưởng chính sách nên việc thành phố nắm tâm tư, vấn đề khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để thành phố đề ra các chính sách đúng với tình hình và hoạt động của các ngành.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, hiện nay vướng mắc của doanh nghiệp có hai vấn đề. Đó là những vướng mắc do sự phối hợp giữa các ngành, thành phố có chỉ đạo cải thiện cho tốt hơn. Còn những vướng mắc do quy định pháp luật phải xin ý kiến của các cơ quan Trung ương thì thành phố đề nghị doanh nghiệp phối hợp để cùng tháo gỡ từ phía các Bộ, ngành.

Về đón làn sóng đầu tư dịch chuyển, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, đây là một xu thế và thành phố đã nhìn thấy vấn đề này. Do đó, thành phố đang nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi hơn.

Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài, thành phố cũng không quên đội ngũ doanh nghiệp trong nước hiện nay bằng việc tạo điều kiện xây dựng thành tập đoàn lớn đủ sức cạnh tranh. Về gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố sẽ mời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào làm việc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn...

Đọc thêm