TP HCM nghĩa tình

(PLO) - Những bếp ăn tình nghĩa, cửa hàng từ thiện giá rẻ như cho, phòng khám từ thiện cho người nghèo, tổ xe ôm tự quản… của mặt trận lẫn tự phát của dân từ nhiều năm nay đã làm nên một TP.HCM đầy nghĩa tình, giàu nhân ái.
TP HCM nghĩa tình

Từ một quán cơm từ thiện đầu tiên xuất hiện trong lòng thành phố, giờ đây, Sài Gòn đã có hơn 30 quán cơm từ thiện rải rác khắp các quận, huyện từ trung tâm đến ngoại thành. Với giá từ 1.000 đến 5.000 đồng, những quán cơm từ thiện này đã góp phần giúp rất nhiều người dân lao động, người nghèo có được những bữa cơm đủ đầy. 

Người Sài Gòn ngoài quan tâm đến miếng ăn, còn thương cả cái mặc cho những người nghèo khó. Nhiều tháng nay, một cửa hàng ở đường Nguyễn Trãi luôn thường trực một quầy quần áo cũ với tấm bảng Từ thiện cho và nhận – ai thừa thì cho, ai cần thì nhận. Hàng ngày, nhiều người đến, đem những bộ quần áo cũ đã được giặt sạch tinh tươm và nhiều người lao động đến để lấy số quần áo mình cần. Mô hình này dần dà đã lan rộng, giờ đây đã có vài điểm cho nhận quần áo cũ như thế ở TP. 

Từ thiện tri thức là một hình thức khác của một trong nhiều hoạt động thiện nguyện của người dân TP HCM. Tại đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, một quầy sách 2.000 dành cho người lao động nghèo đã được nhiều người có tấm lòng thành lập ra. Quầy sách nằm ngay quán cơm từ thiện 2.000, khiến người nghèo càng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận. Dần dà, tủ sách từ vài quyển ngày càng được ủng hộ nhiều, nhiều hơn, nhiều đứa trẻ nghèo có sách để đọc, nhiều người nghèo có cơ hội để tiếp cận với văn hóa phẩm.

Mới đây, TP.HCM đã có đợt sơ kết một năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua đánh giá, MTTQ các cấp đã có các mô hình hay, cách làm hiệu quả sáng tạo, phù hợp với tình hình của từng địa phương. Đó là mô hình bếp ăn “Nhân ái – nghĩa tình”ở khu phố 5, phường Bình Trưng Đông; mô hình “Câu lạc bộ bữa cơm từ thiện” phường Bình Thuận, Quận 7… Cạnh đó, hướng đến người nghèo mắc bệnh còn có mô hình “Phòng khám từ thiện”; mô hình “Phòng khám từ thiện đông y”…

Những phòng khám chữa phi lợi nhuận này đã khám, phát thuốc miễn phí cho rất nhiều bệnh nhân nghèo. Các công việc hữu ích cho xã hội được thực hiện bởi MTTQ các cấp còn có những tổ tự quản nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ bình yên cho đời sống nhân dân như: mô hình “Tổ xe ôm tự quản vượt nghèo” ở phường Long Phước, quận 9 và “Tổ dân phố nghĩa tình” của quận Tân Phú… Những tổ, nhóm tự quản này đã góp phần cùng chính quyền địa phương bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, còn phải nói đến Quỹ “Vì người nghèo” thành phố 16 năm qua cũng đã tiếp nhận hơn 1.800 tỷ đồng của các doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, cơ quan, đơn vị, cá nhân để chăm lo cho cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hoạt động song song với Quỹ Vì người nghèo, còn có hàng trăm quỹ từ thiện tự phát do các cá nhân, doanh nghiệp có uy tín phát động, nhằm chung tay giúp đỡ các mảnh đời khốn khó.

Những manh áo lành cho những mảnh đời rách, những bữa cơm ấm lòng miễn phí cho người đang đói khổ hay một ổ bánh mì từ thiện, cốc trà đá lạnh giữa khi nắng nóng đều chan chứa tâm tình của những người dân TP đối với nhau. Dù là tổ chức nhà nước hay xã hội hóa, tất cả đều đang chung tay để xóa nhòa những ranh giới, bớt đi những phận người khốn khổ để thành phố thêm văn minh, nghĩa tình.

Đọc thêm