TP HCM sẽ có gói tín dụng 4.000 tỷ lãi suất 0%

(PLVN) - Gói tín dụng hơn 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0% dự kiến được TP HCM dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19.
Ông Nguyễn Thành Phong phát biểu tại kỳ họp.
Ông Nguyễn Thành Phong phát biểu tại kỳ họp.

Thông tin trên được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói tại Kỳ họp 23 HĐND TP HCM Khoá IX sáng qua (8/12), khi trả lời đại biểu về những giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo đó, gói tín dụng dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng này sẽ được thành phố hỗ trợ với lãi suất 0% dành cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong các nhóm ngành: dịch vụ như lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; ngành công nghiệp như dệt may, giày da, trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực thực phẩm, xây dựng và doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm lớn.

Ông Phong cho biết, phát huy hiệu quả từ gói hỗ trợ thứ nhất, thành phố đang nghiên cứu gói hỗ trợ thứ hai. Vừa qua, UBND thành phố đã mời các doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu phát triển cùng các chuyên gia kinh tế ngồi lại để có định hướng các giải pháp cho gói hỗ trợ này. Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi, phí... giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.

Theo ông Phong, thời gian qua TP HCM đã thực hiện gói hỗ trợ lần một cho các doanh nghiệp khó khăn. Trong đó, đã xử lý gia hạn 8.800 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp; 218 tỷ đồng gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất cho các hộ kinh doanh.

Thành phố sẽ tiếp tục rà soát các doanh nghiệp gặp khó khăn để tháo gỡ tất cả vướng mắc từ khâu sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 90% tổng số các doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là những doanh nghiệp bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh.

Để phục hồi kinh tế, ông Phong cho biết TP HCM cũng sẽ phát huy hiệu quả các hội đồng ngành kinh tế (cơ khí, công nghệ thông tin, chế biến lương thực, thực phẩm...). Giải pháp này nhằm tập trung phát triển các ngành sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn trong cơ cấu GRDP của thành phố.

Ngoài ra, thành phố sẽ tổ chức diễn đàn kinh tế năm 2021 phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đây là sự kiện thường niên để thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế TP HCM nhưng năm nay chưa tổ chức được vì Covid-19...

Với ngành Du lịch, ông Phong cho biết thành phố xác định tập trung xây dựng sản phẩm đặc trưng, phát triển du lịch nội địa khi chưa thể đón khách quốc tế trở lại.

Vừa qua, TP HCM đã ký kết với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc và miền Trung với mục tiêu đẩy mạnh du lịch nội địa. "Tiềm năng du lịch nội địa còn rất lớn", ông Phong nói.

Trong năm 2020, thành phố phát huy tốt sự năng động, sáng tạo, đi đầu trong các chủ trương lớn được Trung ương chấp thuận như Đề án tổ chức chính quyền đô thị; Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có Đề án thành lập thành phố Thủ Đức, Đề án thành lập trung tâm tài chính được Chính phủ ủng hộ đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 tầm nhìn năm 2045.

Thành phố xác định chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư,” thể hiện quyết tâm của Thành phố nhằm hạn chế các yếu kém, đảm bảo hiệu quả hoạt động mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu của xu thế kinh tế sau ảnh hưởng dịch Covid-19. 

Trả lời về những quan tâm của cử tri và đại biểu, ông Phong cho biết, thành phố ước thu ngân sách đạt 352.000 tỷ đồng (86,7% dự toán) so với dự toán cả năm Trung ương giao là 405.000 tỷ đồng. Số tiền này đóng góp khoảng 25% thu ngân sách quốc gia. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhưng kinh tế thành phố đạt mức tăng trưởng 1,39% so với cùng kỳ, trong đó các khu vực trọng điểm như dịch vụ, công nghiệp xây dựng đều tăng; 7/9 ngành dịch vụ chủ yếu có giá trị gia tăng cao hơn so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 44,2 tỷ USD, tăng 4%.  

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, đây là mức tăng trưởng đáng ghi nhận vì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có tăng trưởng thấp, thậm chí là âm vì quy mô kinh tế càng lớn thì tác động càng nặng nề.

"Mức tăng trưởng 1,39% là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay. Dự báo của tôi với tình hình này, kinh tế thành phố nhiều khả năng sẽ tăng trưởng theo mô hình chữ V, sẽ bật lên mạnh mẽ trong thời gian tới như chiếc lò xo bị nén", ông Phong nói.

Thành phố có 40.000 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 1 triệu tỷ đồng; thu hút 4 tỷ USD đầu tư nước ngoài; 1.300 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có tổng vốn đăng ký 700 triệu USD...

Đọc thêm