TP Hồ Chí Minh: Lo ngại khi đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa

(PLVN) - Ngày 25/12, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới (Chỉ thị 48) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 24 quận, huyện.
Lực lượng Công an TPHCM tuần tra trấn áp tội phạm.
Lực lượng Công an TPHCM tuần tra trấn áp tội phạm.

Theo số liệu được công bố tại Hội nghị, trong 10 năm qua (2010 - 2020), trên địa bàn TP HCM xảy ra trên 51.000 vụ phạm pháp hình sự, giảm hơn 16.000 vụ so cùng kỳ trước đó. Lực lượng công an điều tra khám phá hơn 35.600 vụ, bắt hơn 44.000 đối tượng, triệt phá 9.525 băng, nhóm hoạt động tội phạm… 

Sau khi nghe báo cáo, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích cao trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48, qua đó góp phần kéo giảm phạm pháp hình sự trên mọi mặt, giữ vững sự bình yên của thành phố.

Đảng ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng chính trị nòng cốt và lực lượng chức năng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Thành phố đã phát huy, nhân rộng các cách làm hay, các mô hình tự quản về an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm hiệu quả, nổi bật là mô hình “5+1” (Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi, Công an khu vực giúp đỡ một người lầm lỡ) đã quản lý, giáo dục hơn 19.000 người…

Bên cạnh đó, ông Nên cũng lưu ý về một số hạn chế trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo. Theo đó, công tác phòng, chống tội phạm có nơi, có lúc còn thiếu chủ động, thiếu quyết liệt, còn hình thức, chưa thường xuyên liên tục. Công tác cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện sau khi hoàn thành cai nghiện nhìn chung còn hạn chế.

Bí thư Thành ủy TP HCM bày tỏ sự lo ngại khi tình hình phạm pháp hình sự tuy được kiềm chế, kéo giảm nhưng số vụ phạm pháp vẫn còn cao. Đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa do thiếu sự giáo dục, kèm cặp, uốn nắn từ phía gia đình và xã hội.

Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo, các cấp chính quyền phải tích cực điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phát huy hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa…

Cùng với đó, các lực lượng chức năng kết hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng, chống tội phạm, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa mang tính nhân văn. Quá trình xử lý phải nghiêm khắc trừng trị nhưng cũng cần gắn với giáo dục, cảm hóa đối tượng. Các ban, ngành liên quan cần phối hợp giải quyết cơ bản các tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc…; tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, hướng vào lứa tuổi thanh thiếu niên.

Bí thư Thành ủy TP HCM cũng đề nghị bố trí hệ thống camera giám sát tại khu vực Trung tâm thành phố, các khu vực công cộng, các tuyến, địa bàn nhằm phát huy hiệu quả, hỗ trợ lực lượng chức năng trong giám sát, phát hiện tội phạm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ, xây dựng lực lượng công an TP nói chung và lực lượng làm công tác phòng chống tội phạm để phòng chống hạn chế sai phạm, xây dựng được lực lượng thật sự trong sạch, liêm khiết, nghiêm minh.

Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phó Giám đốc Công an TP HCM cho biết, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội có xu hướng ngày càng trẻ và khuynh hướng sử dụng bạo lực, liều lĩnh; xuất hiện các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động núp bóng dưới vỏ bọc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện để hoạt động “tín dụng đen”. Tội phạm về ma túy ngày càng phức tạp, biến tướng…

Trong khi tội phạm liên quan đến hình sự, trật tự xã hội và ma tuý có chiều hướng giảm thì tội phạm về kinh tế lại có dấu hiệu gia tăng mạnh. Tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ, mua bán hóa đơn trái phép, trốn thuế, gian lận thuế gia tăng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.

Tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra chủ yếu ở các lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước… Cơ quan Công an đã phát hiện, xử lý 16.995 vụ vi phạm về kinh tế (tăng 1.492 vụ), 235 vụ về tội phạm tham nhũng, chức vụ (tăng 17 vụ). Tổng số tài sản tham nhũng bị thất thoát, chiếm đoạt đã phát hiện phải thu hồi là gần 1.500 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi trong giai đoạn điều tra là hơn 734 tỷ đồng, đạt 48,95%...

Đọc thêm