Trang nghiêm tái hiện lễ tế đàn Xã Tắc

(PLO) - 3h hôm nay, 27/3 (tức ngày 11/2 Âm lịch), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ tế Xã Tắc tại đàn Xã Tắc nằm ở phía tây nam Hoàng Thành, phường Thuận Hòa, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung chủ trì lễ tế
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung chủ trì lễ tế

Lễ tế Xã Tắc năm nay được tái hiện phần lễ tế chính tại đàn tế, được phục dựng theo quy cách xưa. Nghi thức lễ tế có đầy đủ long đình, ngự liễn, ngự kỷ, các đội nhạc lễ cung đình, các loại cờ truyền thống.

Lễ tế bao gồm các nghi lễ: Lễ Quán tẩy (Lễ rửa tay tẩy trần), Lễ Thượng hương (Lễ dâng hương), Lễ Nghinh thần (Lễ rước thần đến tham dự), Lễ Điện ngọc bạch (Lễ dâng ngọc trắng), Lễ Truyền chúc (Lễ đọc chúc văn), Lễ Hiến tước (Lễ dâng rượu), Lễ Tứ phúc tộ (Lễ hưởng lộc), triệt soạn (Lễ hạ cỗ), tống thần (Lễ đưa tiễn thần), tư chúc bạch soạn (Lễ đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị).

Vật phẩm lễ tế có đủ tam sanh: trâu, dê, lợn và gạo, hoa quả.

Vật phẩm lễ tế có đủ tam sanh: trâu, dê, lợn và gạo, hoa quả.

Đàn Xã Tắc là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của cố đô Huế. Dưới thời Nguyễn, cùng hàng với đàn Nam Giao và Ngũ miếu trong Hoàng thành (Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và Phụng Tiên Miếu), công trình này là một trong những “Miếu Đàn” trọng yếu của triều đình và hoàng gia, lễ tế ở đàn Xã Tắc cũng được xếp vào hàng cao nhất (Đại tự).

Đàn Xã Tắc là nơi tế thần đất (xã) và thần lúa (tắc) của triều Nguyễn, được xây dựng vào tháng 3 năm Gia Long thứ 5 (1806), do các thành dinh trấn trên cả nước đóng góp đất sạch về Huế để xây đắp nên. Đàn được tổ chức tế lễ mỗi năm hai lần, vào mùa xuân và mùa thu. Lễ tế đàn Xã Tắc được xếp vào hàng "đại tự", cách ba năm (vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu) đích thân nhà vua đến làm lễ. Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng nên khi xây dựng đàn, triều đình Nhà Nguyễn đã buộc 28 dinh trấn trong cả nước nộp đất sạch về để đắp nên công trình này.

Bắt đầu từ năm 2008, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khôi phục lại đàn Xã Tắc cũng như nghiên cứu phục dựng lại lễ tế quan trọng này. Lễ tế Xã Tắc lần hai tổ chức vào năm 2009, tiến đến bước chuẩn xác hơn bằng việc tổ chức đúng vào tháng hai âm lịch, gồm lễ xuất cung và lễ tế với đầy đủ các nghi tiết.

Và từ năm 2010, đàn Xã Tắc được khôi phục lại với diện mạo cơ bản như xưa thì lễ tế Xã Tắc mới được phục dựng gần với nguyên bản và chuẩn xác với lộ trình đoàn Ngự đạo xuất quân vào đàn bằng cổng chính ở hướng Nam để làm lễ tế, các trang phục, lễ phục cũng thực hiện chuẩn xác hơn, đặc biệt là trang phục của đội nhã nhạc và vũ công Bát dật được phục dựng nguyên bản.

Rất đông người dân đến dân hương cầu an từ rất sớm

Rất đông người dân đến dân hương cầu an từ rất sớm

Lễ tế Xã Tắc mang đậm tính nhân văn với những đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc Việt Nam. Nghi lễ tế Xã tắc có từ thời tiền Lê và được duy trì qua các đời Lý, Trần, Nguyễn, được tổ chức vào tháng hai âm lịch hàng năm nhằm để tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ duy nhất tại Huế còn bảo tồn được Đàn Xã Tắc cùng những tư liệu liên quan đến Lễ tế Xã Tắc. Đàn Xã Tắc là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của Huế, cùng hàng với đàn Nam Giao và Ngũ miếu trong Hoàng thành. Lễ tế Xã Tắc, tế Thần Đất và Thần Lúa, cũng được xếp vào hàng cao nhất (Đại tự).

Đọc thêm