Triển khai y tế thông minh: Bước đột phá chăm sóc sức khỏe người dân tại Phú Thọ

(PLVN) - Ngành Y tế Phú Thọ đã chủ động ứng dụng, từng bước làm chủ công nghệ thông tin vào tổng thể các hoạt động trong toàn ngành, góp phần tạo diện mạo mới, thông minh, hiện đại, ngày càng nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Huy Ngọc nhấn mạnh, triển khai y tế thông minh tạo bước đột phá chăm sóc sức khỏe người dân.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Huy Ngọc nhấn mạnh, triển khai y tế thông minh tạo bước đột phá chăm sóc sức khỏe người dân.

Trong những năm qua, ngành Y tế Phú Thọ có những chuyển đổi căn bản từ tư duy, nhận thức đến hành động; từ thái độ “Ban ơn” sang “Cung ứng dịch vụ” một cách chuyên nghiệp và hiệu quả; nhiều kỹ thuật cao chuyên sâu đã được triển khai thành công ngay tại y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân thông qua triển khai ứng dụng tổng thể và toàn diện công nghệ thông tin.

Để có những sự chuyển đổi tích cực, Sở Y tế đã chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Ban hành Đề án ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin trong ngành Y tế giai đoạn 2019 - 2025. Đề án hướng tới 3 nhóm đối tượng phục vụ chính:

Đối với người dân, mục tiêu để mọi người dân có thể tiếp cận sử dụng các dịch vụ y tế hoặc truy xuất, theo dõi các thông tin sức khỏe của bản thân ở mọi nơi, theo thời gian thực; việc tiếp cận phải dễ dàng, thuận tiện, minh bạch, chất lượng và bảo mật.

Đối với cơ sở y tế, mục tiêu là cải cách hành chính mạnh mẽ, đơn giản và chuẩn hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm về thời gian và nguồn lực, giảm thời gian chờ của người bệnh, giảm quá tải bệnh viện, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh tật, tăng sự hài lòng của người bệnh và người nhà người bệnh.

Thực hiện các báo cáo chuyên ngành trên môi trường mạng, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, triển khai ứng dụng Y tế từ xa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Đối với quản trị Y tế, mục tiêu là thực hiện nền hành chính công vụ minh bạch, quản trị y tế thông minh; nắm bắt thông tin, dữ liệu về tất cả các lĩnh vực hoạt động của đơn vị, của ngành một cách kịp thời, chính xác, liên tục; giúp cho công tác điều phối, giám sát, dự báo và đưa ra các biện pháp lãnh đạo, quản lý, điều hành một cách khẩn trương, đúng đắn, hiệu quả.

Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin và các cơ sở y tế trên địa bàn quyết liệt triển khai đồng bộ để thực hiện các mục tiêu. Đến nay, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực: Về quản lý sức khỏe điện tử, đã khởi tạo Hồ sơ sức khỏe điện tử cho trên 98% người dân trong tỉnh và đang tiếp tục làm giàu dữ liệu trên hồ sơ của từng cá nhân thông qua mỗi lần khám chữa bệnh; người dân có thể đặt lịch khám bệnh, theo dõi thông tin sức khỏe liên tục, kết nối với các thầy thuốc, chuyên gia để được tư vấn sức khỏe, tự bổ xung hoàn thiện thông tin, dữ liệu sức khỏe cá nhân... thông qua App Bill Hồ sơ sức khỏe điện tử trên điện thoại di động SmartFone hoặc qua Thẻ khám chữa bệnh thông minh;

Về hoạt động khám chữa bệnh, 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh/huyện đã triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý thông tin Bệnh viện (HIS), quản lý thông tin xét nghiệm (LIS), truyền tải, xử lý và lưu trữ hình ảnh không in Film (PACS); tích hợp các phần mềm trên với phần mềm Bệnh án điện tử (EMR) để tiến tới mục tiêu Bệnh viện cơ bản không sử dụng bệnh án giấy vào cuối năm 2020.

Triển khai đồng thời thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, thực hiện kết nối liên thông dữ liệu từ các trạm y tế theo thời gian thực, triển khai Hệ thống trí tuệ nhân tạo IBM Watson Oncology trong hỗ trợ điều trị ung thư, Hệ thống trí tuệ nhân tạo RAPID trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị đột quỵ; Hợp tác với Viện nghiên cứu dữ liệu lớn (BigData) thuộc tập đoàn VinGroup triển khai nghiên cứu ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo VinDr trong hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh y tế...

Chủ động xây dựng và triển khai hệ thống tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa, giúp người bệnh được khám, chẩn đoán và điều trị trực tuyến từ các chuyên gia đầu ngành tuyến trên hết sức hiệu quả;

Về hoạt động Y tế dự phòng và quản lý trạm Y tế tuyến xã, 100% các mẫu biểu báo cáo thống kê về phòng chống dịch, bệnh, về các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu theo quy định của Bộ Y tế đã được thực hiện trên phần mềm báo cáo, cơ bản đã bỏ hẳn các loại sổ sách và báo cáo giấy truyền thống;

Về quản trị Y tế, đã triển khai các phân hệ quản lý văn bản điều hành, thực hiện chữ ký số trên trục liên thông văn bản quốc gia; triển khai các phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, quản lý điều dưỡng, quản lý vật tư trang thiết bị y tế, quản lý tài sản; triển khai Trung tâm điều hành Y tế thông minh. Các phần mềm quản lý dược quốc gia, quản lý kê đơn thuốc điện tử liên thông nhằm quản lý chặt chẽ và minh bạch về xuất xứ, nguồn gốc, giá, chất lượng, hạn dùng của thuốc.

Đặc biệt, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, Sở Y tế đã khẩn trương đưa vào vận hành hệ thống giao ban trực tuyến với tất cả các đơn vị trong toàn ngành, giúp chỉ đạo kịp thời và hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc khẳng định, thời gian qua bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, hệ thống trang thiết bị tiên tiến hiện đại; Ngành Y tế Phú Thọ đã chủ động ứng dụng, từng bước làm chủ công nghệ thông tin vào tổng thể các hoạt động trong toàn ngành, góp phần tạo nên một diện mạo, phong cách làm việc mới, thông minh, hiện đại và hiệu quả.

Để đạt những thành tựu này, Sở Y tế đã nắm vững, triển khai đồng bộ hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của cấp trên về ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế; thường xuyên cập nhật thông tin để tham mưu đúng, trúng và kịp thời.

Đặc biệt là việc coi trọng yếu tố con người, có chính sách thu hút và đào cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin; mở rộng quan hệ, hợp tác với các đối tác chuyên sâu về công nghệ thông tin để tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm và tiếp cận công nghệ.

Để giúp ngành Y tế của tỉnh phát huy những kết quả đạt được, tạo tiền đề tiếp tục thực hiện quyết tâm đổi mới toàn diện, tiến tới mục tiêu xây dựng một nền y tế thông minh, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân trong tình hình mới, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sớm cho thực hiện giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ; trong đó có chi phí công nghệ thông tin. Riêng đối với các đơn vị y tế thuộc hệ dự phòng, trung tâm y tế hai chức năng cần bố trí kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cho các đơn vị.

Về phía tỉnh Phú Thọ, ngành Y tế sẽ phối hợp tích cực với các cơ quan truyền thông để tăng cường thời lượng truyền thông về lợi ích của ứng dụng công nghệ thông tin trong Y tế; xem xét có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho cơ quan truyền thông của tỉnh để thực hiện các hoạt động truyền thông liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội.

Đọc thêm