Vì sao xói lở chân đê xuất hiện ở đê biển Tây Cà Mau?

(PLVN) -

Phương án kè bảo vệ đê biển Tây Cà Mau bằng công nghệ kè bê tông cốt phi kim đúc sẵn của Công ty CP Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) đã được UBND tỉnh Cà Mau đánh giá có hiệu quả trong việc giảm sóng gây bồi. Nhưng thời gian qua lại xuất hiện hiện tượng xói lở chân đê. Vì sao có hiện tượng này? 

Hiện tượng xói lở chân đê xảy ra ở nhiều đoạn
Hiện tượng xói lở chân đê xảy ra ở nhiều đoạn

Hiện tượng xói lở không chỉ xảy ra với kè của Busadco

Thông tin từ Busaco cho biết, trong quá trình kiểm tra quan trắc toàn tuyến kè sau thời gian biển động vừa qua, tại khu vực xây dựng tuyến kè phá sóng Busadco đoạn 700m bờ Bắc Kênh mới và đoạn 500m bờ Nam Kênh mới, Busadco nhận thấy phía sau kè (khoảng 1-3m) xuất hiện sóng cuộn. Sóng cuộn sau kè trong khoảng 1-3m, trong phạm vi này khi gặp biển động dài ngày khiến phù sa khó bồi lắng và có khả năng bị bào mòn, giảm độ sâu chôn kè.

Nguyên nhân được đưa ra lý giải cho hiện tượng này là do ở một số đoạn đê biển Tây Cà Mau không có dải rừng cây bảo vệ trước mặt nên sóng mới vào đến chân đê và có khả năng gây ra xói lở trong thời gian biển động dài ngày. Các đoạn còn lại sóng xuất hiện sau kè không đáng kể do có dải cây rừng bảo vệ trước đê hoặc đã có kè đá hộc hộ chân đê lắp đặt trước đây.

Ngoài ra, do kè phá sóng mới lắp đặt chưa đủ thời gian gây bồi, riêng đoạn 300m phía sau kè có độ sâu nước lớn (mực nước từ 1-2m), kết hợp với đà gió lớn khi biển động nên dễ dàng tạo lại sóng lớn hơn các đoạn còn lại. Mặt khác, ở các vị trí xử lý sạt lở trong mùa biển động trước đây mới được xử lý đắp lại mái đê năm 2018 nên chưa đủ thời gian cố kết, ổn định, cây cỏ cũng chưa mọc phủ mái đê.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia thì chuyện xói lở chân đê không chỉ xảy ra với kè của Busadco mà các loại kè khác như kè đê trụ rỗng hay kè cọc ly tâm đều có và nó chỉ xảy ra ở những đoạn kè không có dải cây bảo vệ phía trước.

Theo báo cáo của Busadco, hiện Busadco đã thực hiện xong phần bảo vệ mái đê. Riêng phần bảo vệ chân đê sẽ được xử lý xong trong tháng 7 bằng cách ghim chặn bằng các bao xi măng đã ngấm nước, ninh kết (xi măng chết) chống sóng và cấu kết bạt cuộn vào bao xi măng chết.

Ngoài ra, Busadco sẽ sử dụng các tấm phai cũ (tận dụng từ tuyến kè phá sóng) để dựng thành tường che chắn, tăng cường hộ đê đề phòng khi xảy ra mưa bão (nếu có) sắp tới.

Để có hiệu quả cao hơn...

Qua chuyến đi thực địa kiểm tra chất lượng công trình vào cuối tháng 6/2019, GS.TS Vũ Đình Phụng, chuyên gia đầu ngành về nền đất yếu trường Đại học Thủy lợi cho rằng, sau nhiều đợt biển động, đã có thể đánh giá bước đầu hiệu quả công nghệ kè của Busadco.

Theo đó, GS Phụng đánh giá, kè Busadco có nhiều ưu điểm như kè đảm bảo ổn định (không bị lật, trượt, lún, xói chân); Hiệu quả giảm sóng được khoảng 70%; Tác động gây bồi lắng nhanh do phù sa theo đà gió được vận chuyển qua lỗ kè bồi lắng lại.

Tuy nhiên vẫn còn cần phải xem xét để đạt hiệu quả tốt nhất. Như việc cần phải có biện pháp để không xuất hiện sóng phục hồi sau kè. Theo GS Phụng, nếu đặt tim tuyến kè ở cách bờ khoảng 70-80 m thì lại khiến hiệu quả tạo bãi giảm đi. Vị trí tim tuyến kè hiện tại đang đặt cách bờ 200m có thể có hiệu quả hơn trong việc gây bồi tạo bãi nhưng lại gây ra sóng phục hồi sau kè, tuy không lớn. Do đó, để tăng thêm hiệu quả giảm sóng của kè cần điều chỉnh giảm đường kính lỗ phai từ D250 xuống còn D120.

Trước đó, đánh giá hiệu quả công nghệ kè bê tông cốt phi kim đúc sẵn do Busadco thi công, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có 1.200m kè bằng công nghệ này. So với một số công nghệ đang áp dụng cùng thời điểm thì công nghệ kè bê tông cốt phi kim đúc sẵn có nhiều ưu điểm vượt trội như thời gian thi công nhanh, đảm bảo được chất lượng do cấu kiện kè được đúc tại nhà máy, khả năng giảm sóng gây bồi bước đầu đạtkết quả tốt (đã có bùn cát lắng đọng sau kè từ 3-5cm).

Đọc thêm