Vĩnh Phúc: Quyết liệt cải cách hành chính, tạo đà phát triển kinh tế

(PLO) - Theo báo cáo công tác năm 2017 của Tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh này đã tăng 29 bậc lên vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến bức tranh kinh tế, xã hội của Vĩnh Phúc khá toàn diện. 
Vĩnh Phúc: Quyết liệt cải cách hành chính, tạo đà phát triển kinh tế

Tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung của cả nước

Năm 2017,  với khối lượng công việc rất lớn, song kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn trên đà tăng trưởng. Cùng sự nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức của nhân dân, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Theo báo của tỉnh ủy Vĩnh Phúc, kinh tế của tỉnh trong năm 2017 tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng, kinh tế ước tăng 7,68% so với năm 2016 (cao hơn bình quân chung của cả nước, kế hoạch đề ra), trong đó: Ngành công nghiệp – xây dựng tăng 10,14%; dịch vụ tăng 8,28%; nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,48%; thuế sản phẩm tăng 3,47%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Công nghiệp – xây dựng chiếm 59,62%, dịch vụ chiếm 31,86%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,52%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 79,4 triệu đồng.

Sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển. Tăng trưởng của ngành đạt 3,48%, là kết quả đáng ghi nhận, tuy giá thịt lợn hơi giảm sâu so với giá thành sản xuất.

 Trồng trọt có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều loại giống cây trồng có năng suất cao, giá trị kinh tế lớn được tiếp tục mở rộng. Chăn nuôi được duy trì,  không có biến động lớn. Công tác trồng mới, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng được tích cực triển khai thực hiện. Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển. 

Sản xuất công nghiệp cơ bản phát triển ở cả 3 khu vực. Ước giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 10% so với năm 2016, giá trị sản phẩm linh kiện điện tử đã bù đắp được sự sụt giảm của sản phẩm ô tô. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp bình quân 10 tháng tăng 10,9% so cùng kỳ. 

Hầu hết sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng, trừ sản xuất ô tô và thức ăn gia súc.

90% nguồn vốn tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển

Các ngành dịch vụ của tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã đáp ứng nhu cầu của sản xuất, tiêu dùng và đời sống nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và ước tăng 13,6%. Số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến tỉnh tăng khá (khách quốc tế tăng 13,5%, khách nội địa tăng 9,8%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13.6% so với năm 2016, vượt mốc 2 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu tăng 4,2% so với năm 2016.

Các ngành dịch vụ khác cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tăng trưởng ngành tín dụng đạt 26,5% so với cuối năm 2016, trong đó 90% nguồn vốn tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, đây là tín hiệu đáng mừng.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp thu trên tất cả các lĩnh vực; tuy nhiên, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh, nên tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thấp.

Ước năm 2017 đạt 25,37 nghìn tỷ đồng, bằng  75% dự toán, trong đó thu nội địa 22 nghìn tỷ đồng, bằng 71,6% dự toán.  Chi ngân sách cơ bản đáp ứng nhiệm vụ chi của năm. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao về số lượng và vốn đăng ký so với năm 2016.

Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được triển khai tích cực. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 – 2021; tháo gỡ khó khăn sản xuất, cải cách thủ tục hành chính…; tuy nhiên, kết quả đạt được được như kỳ vọng. 

Nhiều dự án đang được ưu tiên phát triển

Về công tác xây dựng hạ tầng trong các khu công nghiệp của tỉnh đã nhận được quan tâm chỉ đạo rất sát sao của lãnh đạo các ban ngành trong địa phương. Công tác giải phóng mặt bằng có nhiều cố gắng, đặc biệt là giải phóng mặt bằng và bàn giao 213ha phục vụ khởi công xây dựng Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc.

Phương châm đề ra của Vĩnh phúc là thực hiện đầu tư công và xây dựng cơ bản theo hướng có trọng điểm và hiệu quả hơn. Trên cơ sở đó, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo đẩy mạnh xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, tiếp tục rà soát cắt giảm, dừng, giãn đối với các dự án không hiệu quả, chưa thực sự cần thiết; khởi công bệnh viện Đa khoa tỉnh và bệnh viện Sản Nhi tỉnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao của tỉnh, cấp huyện, xây dựng thành phố thông minh; thực hiện và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2017, nên cơ bản hoàn thành kế hoạch vốn được giao

Vĩnh Phúc cũng đã  quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị có nhiều đổi mới theo đúng quy hoạch, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Xây dựng nông thôn mới, tiếp tục được quan tâm thực hiện và thực chất hơn; đến nay, toàn tỉnh có 2 huyện đạt huyện Nông thôn mới và 91 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 11/112 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Quyết liệt cải cách hành chính

Đối với vấn đề cải cách hành chính, tỉnh Vĩnh Phúc đã  thực hiện quyết liệt, chất lượng từng bước được cải thiện. Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 tăng 29 bậc lên vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành; thời gian thực hiện quy trình, thủ tục dự án đầu tư công được rút gọn 30- 40%so với quy định, Trung tâm hành chính công được thành lập; việc sắp xếp, tổ chức bộ máy được thực hiện quyết liệt, đạt kết quả tốt.

Quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm. Các hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản được quản lý chặt chẽ, tình trạng lấn chiếm đất, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, tự ý chuyển mục đích  sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, hành lang giao thông và công trình chuyên dùng được chấn chỉnh, chỉ đạo, quyết liệt, giải quyết đất dịch vụ trên địa bàn; cơ bản hoàn thành việc thí điểm dồn thửa, đổi ruộng tại các xã thực hiện thí điểm. Các đề tài khoa học và ứng dụng công nghệ tiếp tục được triển khai thực hiện từng bước có hiệu quả.

Được biết, để có những kết quả này, ngay từ đầu năm, Tỉnh Ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Cùng với  cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Vĩnh Phúc vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế khá. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa- xã hội tiếp tục được quan tâm, có nhiều tiến bộ, an ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng được chú trọng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, tăng cường./.

Đọc thêm