Vườn Quốc gia Xuân Thủy - Nơi đất lành chim đậu!

(PLVN) - Cách trung tâm thành phố Nam Định chừng 40 cây số, Vườn quốc gia Xuân Thủy là rừng ngập mặn đầu tiên của Việt Nam được quốc tế công nhận theo Công ước Ramar, là rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới. 
Vườn Quốc gia Xuân Thủy - Nam Định (ảnh: Trần Hưng)
Vườn Quốc gia Xuân Thủy - Nam Định (ảnh: Trần Hưng)

Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Xuân Thủy được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng với hơn 200 loài...

Khoảng thời gian từ tháng 11, đến tháng 3,4 của năm sau, tại vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, Nam Định) có hàng chục ngàn cá thể chim di cư tránh rét từ phương Bắc trở về.

Đây được coi là vùng đất lý tưởng, là “điểm hẹn” của rất nhiều loài chim di cư trong đó có cả những loài chim nước quý hiếm nằm trong sách đỏ quốc tế. Hàng ngàn cá thể chim về đây, kiếm ăn, tránh rét tạo nên một khung cảnh độc đáo hiếm có cho vườn quốc gia khi mùa chim di cư đến.

Nơi đất lành chim đậu

Cách trung tâm thành phố Nam Định chừng 40 cây số, vườn quốc gia Xuân Thủy là một khu rừng ngập mặn thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Đây là rừng ngập mặn đầu tiên của Việt Nam được quốc tế công nhận theo Công ước Ramar, là rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới.

Ngoài ra, vườn Quốc gia Xuân Thủy được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng với hơn 200 loài, trong đó gần hơn 50 loài chim nước và 100 loài chim di cư. Hiện tại, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi chọn lựa du lịch Nam Định.

Nơi đây nổi tiếng bởi điều kiện tự nhiên và nơi sinh sống của hàng trăm loài thực vật, động vật quý. Cấu trúc địa lý đặc biệt đã hình thành một khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước với nhiều động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm.

Vườn Quốc gia Xuân Thủy có đặc trưng nhất là vườn quốc gia đất ngập nước cửa sông ven biển, có hệ sinh thái đặc thù là hệ sinh thái miền Bắc Việt Nam ven biển. Vườn  bao gồm cánh rừng ngập mặn, bãi giang triều, các lạch, phá, các cồn cát….

Vườn Quốc gia Xuân Thủy hiện có hơn 200 loài, trong đó có trên 50 loài chim nước và 100 loài chim di cư
Vườn Quốc gia Xuân Thủy hiện có hơn 200 loài, trong đó có trên 50 loài chim nước và 100 loài chim di cư

Thời điểm thích hợp đi du lịch vườn quốc gia Xuân Thủy là từ tháng 10 – 11 đến tháng 3 – 4 năm sau, bởi vào lúc này lượng chim tăng đột biến tạo nên một không khí vô cùng náo nhiệt của hàng ngàn cá thể chim di cư tránh rét từ phương Bắc.

Đây cũng được xem là “điểm hẹn” của những đoàn chim di cư quốc tế.Trong đó, điển hình phải kể đến là loài Choắt lớn mỏ vàng, Rẽ mỏ thìa, Te vàng, bồ nông chân xám, Mòng biển mỏ ngắn, cò quắm đầu đen, cò thìa, cò lạo Ấn Độ, cò trắng Trung Quốc...

Trong số hơn 200 loài chim có mặt tại vườn quốc gia, có nhiều loài chim có tên trong sách đỏ quốc tế. Có nhiều thời điểm, Vườn quốc gia Xuân Thủy là nơi trú ngụ của hơn 40 ngàn loài chim. Ngoài ra khu rừng sú vẹt Xuân Thủy là nơi cư ngụ của nhiều loài chim, mèo biển, cáo biển, rái cá...

Dưới nước là các loại tôm, cá, cua, rắn, ngao, sò... Đây có lẽ là lý do vì sao các loài chim tụ tập về đây bởi có nguồn thức ăn phong phú dồi dào. Ghi nhận đáng chú ý nhất ở vườn quốc gia Xuân Thuỷ là tồn tại một quần thể loài Cò thìa lớn nhất tại Việt Nam.

Mỗi mùa ở vườn quốc gia Xuân Thủy đem lại cho du khách những trải nghiệm khác nhau. Mùa hè và mùa thu đến vườn quốc gia Xuân Thủy du khách có thể tận hưởng những cơn gió mát từ biển và vẫn có thể xem những loài chim di trú tránh nóng đến từ Nam Bộ và Campuchia như Giang Sen, Bồ nông.

Đến Xuân Thủy mùa đông thì sẽ tận mắt chứng kiến rợp trời các loài chim, những đôi cánh trắng chao nghiêng trên nền trời xanh biếc. Đặc biệt, nếu thức giấc và được ngắm bình minh trên những cánh đồng nuôi ngao ở đây thì quả là một điều tuyệt vời. Đó cũng là những trải nghiệm khiến ai cũng xao xuyến và lưu luyến nơi đây nhất. 

Cửa Ba Lạt - Vườn Quốc gia Xuân Thủy
Cửa Ba Lạt - Vườn Quốc gia Xuân Thủy  

Một chuyến du lịch Vườn quốc gia Xuân Thủy thì không thể bỏ qua việc thưởng thức các món đặc sản Nam Định nức tiếng như: Nem nắm Giao Thủy, nem chạo Giao Xuân, nước mắm Sa Châu (Giao Châu), mắm cáy Hoành Nha, nộm sứa, mật ong rừng ngập mặn… và các loại hải sản tươi ngon vùng cửa biển. Hiện nay, vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước khi về thăm Nam Định.

Sau khi dạo quanh một vòng vườn quốc gia bạn có thể liên hệ với người dân nơi đây để có một bữa ăn dân dã ngay trên những chiếc chòi hướng ra sông cực hiền hòa. Vừa ăn tối vừa ngắm cảnh trong không gian trời mây thanh bình, đây chắc chắn là một trải nghiệm đáng để thử.

Văn hóa cộng đồng nhân văn trường tồn cùng thiên nhiên

Cộng đồng dân cư vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy tiêu biểu cho nền văn hóa mở đất của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng. Do lịch sử phát triển tôn giáo ở ven biển Miền Bắc nên nơi đây có khá đông đồng bào theo đạo Thiên chúa nhưng cộng đồng lương giáo sống hòa hợp với nhau cùng chung lưng đấu cật để xây dựng quê hương Giao Thủy giàu đẹp.

Trải qua gần 300 năm với truyền thống quai đê, lấn biển, cần cù dũng cảm trong đấu tranh chinh phục thiên nhiên, cộng đồng dân cư địa phương đã tạo lập nên những làng quê trù phú. Nơi đây rừng biển giao hòa tạo cho du khách ấn tượng mạnh mẽ và khoáng đạt. Chim trời, cá nước hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh lâm thủy hữu tình.

Tuy sống ở nơi thiên nhiên ưu đãi, con người nơi đây chân chất, mộc mạc, hồn hậu nhưng cũng rất phóng khoáng và lãng mạn. Những sinh hoạt văn hóa mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước đồng bằng sông Hồng như: hát chèo, hát chầu văn, bơi chải, múa lân, chọi gà, đấu vật...trong các dịp lễ hội cũng như trong sinh hoạt thường nhật của cộng đồng đã gắn kết mọi người với nhau trong mối quan hệ "tình làng, nghĩa xóm" rất bền chặt.

Bất kì ai đến đây đều được sống trong không gian bao la của đất trời, mây nước, hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn giang sơn của những đàn chim trời: sếu, cò, giang, bồ nông, ngỗng, vịt trời và nhiều loài chim khác đang cần mẫn kiếm mồi hoặc bay lượn tung tăng. Ngoài ra, động vật nổi và động vật đáy có trên 500 loài với nhiều loài có giá trị kinh tế cao: tôm, cá, cua biển, ngao...Hàng năm cho thu nhập tới hàng trăm tỷ đồng đã góp phần tạo nên sự khởi sắc về kinh tế- xã hội cho người dân địa phương.

Rời Vườn Quốc gia Xuân Thủy sau những trải nghiệm lý thú, du khách vẫn lâng lâng với cảm giác được đắm chìm trong không gian biển trời mênh mông với sự huyên náo đặc sắc của hàng ngàn loại chim. 

Đọc thêm