Xây dựng Nghệ An là trung tâm kết nối phát triển của vùng Bắc Trung Bộ

(PLVN) - Hôm qua (7/8), Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 -2020 đã khai mạc với sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung…
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho tỉnh Nghệ An.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho tỉnh Nghệ An.

Theo Báo cáo, giai đoạn 2015 – 2020, các phong trào thi đua yêu nước đã được tỉnh phát động và triển khai một cách toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã tham gia tích cực phong trào thi đua “Nghệ An làm theo lời Bác dặn”; “Nghệ An chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Nghệ An hội nhập và phát triển”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”… tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Biểu dương, ghi nhận những thành tích trong phong trào thi đua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Nghệ An tận dụng tốt điều kiện, thời cơ đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm kết nối phát triển vùng Bắc Trung Bộ. Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể cần đẩy mạnh các phong thi đua yêu nước; thực sự coi đây là phương pháp hữu hiệu, là đòn bẩy để động viên tinh thần trách nhiệm của quần chúng; cổ vũ, phát huy tài năng, sáng tạo, trí tuệ, sức mạnh của quần chúng; khơi dậy, nuôi dưỡng, lan tỏa khát vọng.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi người. Các phong trào thi đua phải được triển khai đồng đều, rộng khắp, có sức lan tỏa lớn, trở thành ý chí, quyết tâm, tình cảm và thu hút đông đảo mọi người tham gia.

Mỗi phong trào thi đua phải có mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể với từng đối tượng, từng ngành, từng giới, thể hiện sinh động, hài hòa lợi ích của người lao động, của tập thể, địa phương và lợi ích của xã hội. Khi phát động, tổ chức thực hiện phải có sơ kết, tổng kết đánh giá, tìm ra cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng. 

Đọc thêm