Đưa thực hiện giáo dục ATGT vào tiêu chí đánh giá thi đua

Hôm nay, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm cuộc vận động “HSSV gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông”

Hôm nay (3/11), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm cuộc vận động “HSSV gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Đến dự hội nghị có ông Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TƯ Đoàn TNCS.HCM và ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt.

Nguy cơ TNGT và ùn tắc giao thông tại những cổng trường giờ tan học. Ảnh: antd
Nguy cơ TNGT và ùn tắc giao thông tại những cổng trường giờ tan học. Ảnh: antd

Hội nghị mong muốn sẽ từ những thảo luận và đóng góp ý kiến tích cực của các đại biểu, qua sự chia sẻ những mô hình, kinh nghiệm đã đạt được hiệu quả sẽ cùng tìm ra giải pháp, đưa ra những kiến nghị phù hợp, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “HSSV gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông” trong năm học 2009 – 2010 và những năm tiếp theo – những chỉ đạo trên của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng chính là mục đích của Hội nghị lần này.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV (Bộ GD&ĐT) cho biết, qua 2 năm thực hiện, cuộc vận động “Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông” đã đạt được kết quả đáng kể. Các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong trường và cán bộ, giáo viên, HSSV đã có chuyển biến tốt trong việc nhận thức đúng về công tác này. Quan niệm: Giáo dục ATGT cho HSSV không chỉ là việc đảm bảo an toàn tính mạng và hình thành ý thức văn hóa khi đi đường đối với HSSV mà còn gắn với thương hiệu của trường đã hình thành ở nhiều trường học. Biểu hiện cụ thể nhất là ở số lượng học sinh sử dụng mô tô, xe gắn máy đến trường đã giảm đáng kể. Ở các thành phố, thị xã lớn, nhiều HSSV đã sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đến trường, tích cực trong việc tham gia tình nguyện giữ gìn trật tự ATGT khu vực cổng trường và trên địa bàn nơi trường đóng… Các chủ đề ATGT đã được HSSV chủ động đưa vào các hoạt động phong trào của lớp, chi đoàn. Hoạt động tuyên truyền ATGT trong buổi lễ chào cờ được nhiều trường duy trì. Việc thực hiện đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông được thực hiện tương đối nghiêm túc. Hiểu biết quy tắc giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong HSSV được nâng cao hơn. Khu vực cổng trường vào giờ tan học đã giảm việc ùn tắc…

Tuy nhiên, một thực tế vẫn tồn tại là tình trạng học sinh chưa đủ tuổi quy định điều khiển mô tô, xe gắn máy thường tăng lên vào đầu năm học và còn hàng nghìn HSSV bị tai nạn giao thông mỗi năm. Một số trường học chưa thật quan tâm đúng mức đến công tác này. Việc phối hợp với phụ huynh học sinh nhiền nơi còn mang tính hình thức. Tổ chức giao thông để tránh ùn tắc vào giờ tan học ở nhiều trường chưa hiệu quả…

Phân tích nguyên nhân cũng như những khó khăn của công tác giáo dục ATGT trong trường học, ông Phùng Khắc Bình cho rằng, thời lượng giảng dạy trật tự ATGT trong chương trình chính khóa còn hạn hẹp; giáo viên giảng dạy về ATGT đều là giáo viên kiêm nhiệm. Tài liệu, SGK và phương tiện phục vụ cho việc học tập và dạy ATGT còn thiếu nhiều, thậm chí có nơi giáo viên phải dạy chay hoặc tự sưu tập tài liệu. Đối với khu vực đô thị, nhiều trường học nằm trong các khu dân cư, đường ngõ nhỏ hẹp, không có sân hoặc khu vực dành cho phụ huynh đưa đón học sinh. Các khu vực ngoài đô thị, nhiều trường học nằm ngay cạnh các tuyến quốc lộ, các điểm nút giao thông. Tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn đối với học sinh thuộc các trường cạnh các tuyến quốc lộ này. Ngoài ra, việc chưa có nguồn kinh phí ổn định, tự chủ cho việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT; phụ huynh chưa thực sự hợp tác với nhà trường trong công tác này; phương tiện giao thông công cộng chưa thuận tiện cho HSSV sử dụng… cũng là những khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến giáo dục ATGT trong nhà trường.

Chương trình " Phòng chống ùn tắc giao thông trước cổng trường" được tổ chức vào sáng thứ 2 đầu tuần tại Trường TH Cát Linh (Hà Nội)
Chương trình " Phòng chống ùn tắc giao thông trước cổng trường" được tổ chức vào sáng thứ 2 đầu tuần tại Trường TH Cát Linh (Hà Nội)

Cũng theo ông Phùng Khắc Bình, một trong nhiều giải pháp của Bộ GD&ĐT nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục ATGT trong nhà trường là nghiên cứu lại chương trình, nội dung tài liệu, phương pháp giảng dạy ATGT hiện nay để sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; cung cấp tài liệu, trang thiết bị giảng dạy cho các nhà trường; tăng cường tuyên truyền, giáo dục ATGT trong các trường SP để đào tạo đội ngũ giáo viên trong tương lai có thể lồng ghép giảng dạy về ATGT trong các môn học. Đặc biệt, đưa nội dung này vào tiêu chí đánh giá thi đua cơ sở giáo dục…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân, phổ biến kinh nghiệm cũng như đề ra các giải pháp, kiến nghị nhằm hạn chế sự vi phạm của HSSV khi tham gia giao thông. Nhiều giải pháp, kiến nghị được đề xuất như: Bộ GD&ĐT cần có khung quy định xử lý kỷ luật cụ thể đối với từng học sinh vi phạm luật giao thông và có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện; tăng cường tài liệu, công tác thi đua khen thưởng; bổ sung kinh phí, tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ ngành…

Ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt: Tình hình tai nạn giao thông ở nước ta những năm gần đây có những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng,có chiều hướng gia tăng. Năm 1998 có gần 4.500 vụ TNGT thì 15 năm sau số TNGT tăng 6,22 lần, số người chết tăng 5,57 lần.

Hiện nay, bình quân 1 ngày xảy ra 31,3 vụ TNGT, làm chết 30,1 người, bị thương 20,2 người.

Trong tháng ATGT 2009, Phòng CSGT Hà Nội đã xử lý hơn 600 trường hợp vi phạm là học sinh các trường phổ thông. Tại Đà Nẵng, trong năm 5 (2003-2008) có 2000 trường hợp HSSV vi phạm với 1.300 trường hợp bị xử phạt hành chính và 7 trường hợp bị khởi tố.

Thống kê cho thấy, trong tổng số 10.140 vụ TNGT, có 3.720 vụ TNGT liên quan đến đối tượng dưới 24 tuổi, trong đó có đến 5.526 nạn nhân dưới 24 tuổi bị chết trong  các vụ TNGT...

Theo GD&TĐ

Đọc thêm