Thư của Tổng thống Mỹ xuất hiện trong đề thi văn

Từ lá thư của Tổng thống Mỹ A. Lin-côn gửi cho thầy giáo của con trai, đề thi khối C yêu cầu thí sinh viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình...

Trong phần chung của đề thi tuyển sinh ĐH môn Ngữ văn ở cả hai khối C và D năm 2009 có câu hỏi  SỐ 2, với 3 điểm, được ra theo hình thức đề thi mở. Từ lá thư của Tổng thống Mỹ A. Lin-côn gửi cho thầy giáo của con trai, đề thi khối C yêu cầu thí sinh viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.

[links()]

Tương tự, ở đề thi khối Dcũng yêu cầu thí sinh viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ  về ý kiến "Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa" (Theo sách Dám thành công của NXB Trẻ).

Thí sinh sau buổi thi sáng nay. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thí sinh sau buổi thi sáng nay. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo thầy Nguyễn Thanh Liêm - giáo viên Trường Hà Nội - Amsterdam, với dạng đề mở này, học sinh có thể viết thoải mái. Tuy nhiên, để "ăn trọn" điểm ở câu này còn phụ thuộc vào barem đáp án của Bộ GD-ĐT.

"Vì là đề mở nên sẽ có rất nhiều tranh cãi. Quan trọng , chỉ cần học sinh trình bày được các ý và đưa ra những lập luận sắc sảo, có cơ sở là có thể chấp nhận được", thầy Liêm nói.

"Tôi thấy 2 câu nghị luận của hai đề đều hay.  Với đề thi thế này, sẽ rất ít điểm liệt. Phổ điểm thi từ 5 trở lên sẽ rất nhiều” - PGS.TS Lê Quang Hưng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ) cho biết trên Dân Trí.

Nhận xét chung về đề thi môn Ngữ văn khối C năm nay, thầy Liêm dự tính, học sinh sẽ dễ dàng đạt được từ 4 đến 5 điểm. Tuy nhiên, để có được một đáp án thống nhất, không có tranh cãi là điều rất khó. Về nội dung, đề thi không có gì mới so với sách giáo khoa vừa soạn lại".

Thầy Liêm cũng cho hay, cấu trúc đề thi này bám sát theo sách cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT.

9h40, một số thí sinh thi tại điểm thi Học viện Hành chính Quốc gia ra sớm. Thí sinh Nguyễn Chiến C., thi phòng số 10, cho hay, dù làm được tất cả các câu nhưng C. ước tính chỉ đạt 70% yêu cầu.

Lý do thí sinh C. không tự tin với bài làm của mình vì đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12 nhưng có cả câu ở lớp 10 và 11.

Trong thời gian ôn cấp tốc, C. chỉ được "lò" luyện các kiến thức lớp 12, có một số nội dung lớp 11, lớp 10 thì không đề cập.

Tại đểm thi Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, em Đoàn Thị Trang (Quảng Xương - Thanh Hóa) cho biết chỉ làm được khoảng 40% vì đề thi khó hơn năm ngoái nhiều. Ở câu 2 (câu hỏi mở) đòi hỏi tính sáng tạo và giải quyết tình huống cao.

Hoàng Thị Kiều Mai, ở điểm thi Trường Hà Nội - Amsterdam nhận thấy đề thi chủ yếu trong kiến thức ở lớp 10 và 11 mà "nếu không học thì khó kiếm điểm 5".

Với thí sinh Tạ Thị Tâm (THPT Lương Ngọc Quyến - Thái Nguyên) thì đề thi năm nay khó, nằm trong chương trình nâng cao nhiều, đòi hỏi sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo đúng ý của phương pháp dạy cũ.

Nhiều  thí sinh tại hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho hay, các em không gặp nhiều khó khăn trong việc làm bài và dự đoán mức điểm sẽ là 6 hoặc 7 điểm.

NHẬN XÉT ĐỀ THI

KHỐI C

Câu I là câu dành cho thí sinh "ăn điểm" nhưng thực chất lại khó "nhằn" bởi nếu học sinh viết quá ngắn thì không đạt mà viết quá dài thì không đủ thời gian.

Riêng với phần riêng, ở câu IIIa, sự nối kết hai hình tượng người phụ nữ đây là sự sáng tạo của người ra đề. Nội dung không mới nhưng định hướng đề thì mới nên buộc học sinh phải có tư duy sáng tạo.

Câu IIIb có điểm đặc biệt trong cách bố trí hai đoạn thơ.

Về hình thức, hai đoạn thơ đều nói đến nỗi nhớ. Nhưng, trong đoạn thơ của Nguyễn Bính là nỗi nhớ cá nhân với cá nhân. Còn đoạn thơ của Tố Hữu là nỗi nhớ của cả tập thể, của những người đi với người ở lại, nỗi nhớ "công dân".

Tuy đều là nỗi nhớ, nhưng nỗi nhớ ở hai đoạn thơ là không ăn khớp nhau.

(Nguyễn Thanh Liêm - giáo viên Trường THPT Hà Nội - Amsterdam)

KHỐI D

Đề thi đảm bảo kiến thức cơ bản, mang tính chất truyền thống vừa kế thừa vừa kết hợp chương trình mới. Kết cấu đề hợp lý, cách ra đề rõ ràng, không đánh đố HS. Kiến thức hài hòa lớp 11 và 12.

Đề này đáp ứng cho HS làm trong thời gian vừa đủ, HS khá giỏi có thể viết rất hay. Và HS ra ngoài có thể trả lời là làm được hết. Phần phân hóa chính là phần riêng của đề.

câu I (2 điểm) chỉ có tính chất thuộc bài, tái hiện kiến thức theo trí nhớ, không có sự sáng tạo. Kiến thức cơ bản, yêu cầu học sinh học thuộc lòng, không phải suy luận.

Câu II (3 điểm) là câu nghị luận xã hội, động chạm đến vấn đề niềm tin, nói đến thái độ sống, nhận thức về cuộc sống. Qua bài viết, HS xác định được thái độ sống đúng đắn nhất là trong cuộc sống hiện nay khi xã hội đang phát triển. Quan trọng nhất là niềm tin của thanh niên trong cuộc sống hiện tại.

Đề thi mang tính chất phổ cập, thiết thức, không cao và xa lạ với HS. HS có thể viết được thông qua những trải nghiệm, những suy nghĩ của chính bản thân mình.

Về phần riêng, cấu trúc hợp lý, 1 câu là thơ, 1 câu là văn, về định lượng, định tính cân đối. Câu theo chương trình chuẩn ra về một bài thơ tiêu biểu của một tác giả tiêu biểu (lớp 11) đòi hỏi HS thể hiện được kỹ năng làm bài, kỹ năng phân tích thơ.

Trong khi phân tích thơ phải gắn với phong cách tác giả Xuân Diệu về nghệ thuật, về thơ ca... Nếu chỉ căn cứ vào mặt chữ nghĩa thì không nêu bật được cái hay của đoạn thơ.

Hơn nữa, khi phân tích phải hài hòa được giữa hình ảnh thiên nhiên và cái tôi trữ tình. Nếu chỉ phân tích hết hình ảnh thiên nhiên mới nói đến cái tôi trữ tình thì bài viết sẽ đạt hiệu quả không cao.

Đối với phần câu III.b., HS rất dễ hời hợt nếu chỉ nêu tình huống truyện như thế nào hay dừng lại ở việc kể lại câu chuyện. Do đó, phải tìm hiểu những tình tiết, chi tiết để phân tích và lý giải để nêu nổi bật được tư tưởng, tình cảm của tác giả.

Đỗ Văn Thái (giáo viên Trường THPT Hà Nội - Amsterdam)

Theo Vietnamnet

Đọc thêm