Tổng kết thị trường từ ngày 11.9 đến ngày 17.9.2009: Nhà cho người thu nhập thấp vẫn khó

Gần đây, các doanh nghiệp địa ốc đã chú ý nhiều đến phân khúc căn hộ giá trung bình, giá thấp. Tuy nhiên, việc mua những căn hộ có giá trung bình trên thị trường hiện nay vẫn là thách thức đối với nhiều người.

Gần đây, các doanh nghiệp địa ốc đã chú ý nhiều đến phân khúc căn hộ giá trung bình, giá thấp. Tuy nhiên, việc mua những căn hộ có giá trung bình trên thị trường hiện nay vẫn là thách thức đối với nhiều người.

Tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, một số dự án căn hộ được khởi công kể từ đầu năm đến nay tập trung khá nhiều vào thị trường căn hộ có giá từ 12 – 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên với diện tích căn hộ từ 60-90 m2 thì giá cũng từ trên 700 đến trên 1 tỷ đồng/căn.

Trong hầu hết các dự án khởi công từ đầu năm đến nay, các chủ đầu tư đều giới thiệu ngân hàng tham gia dự án, xem đó như một cách thu hút người mua căn hộ trong bối cảnh thị trường còn khá trầm lắng như hiện nay. Mỗi ngân hàng có chính sách cho vay khác nhau. Thường thì các ngân hàng cho vay 70% giá trị căn hộ trong thời gian 15 năm, nhưng cũng có ngân hàng cho vay đến 90% giá trị căn hộ với thời hạn là 20 năm. Tuy nhiên, ngoại trừ được hỗ trợ tài chính từ người thân, không phải ai cũng có thể mua một căn hộ giá trung bình như nói ở trên, ngay cả khi được hỗ trợ từ ngân hàng.

Cũng có công ty thiết kế lại diện tích căn hộ để cho giá trị căn hộ rẻ hơn nhằm tiếp cận thị trường tốt hơn, nhưng số lượng này không nhiều. Chẳng hạn như công ty Đất Lành đang xúc tiến dự án căn hộ có diện tích từ 30-40 m2 ở quận 12, TPHCM. Nhưng dự án này hiện vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục.

Liên quan đến nhà giá thấp, chương trình nhà ở xã hội được nói đến từ lâu và khá nhiều trong thời gian vừa qua nhưng đến nay dự án được triển khai chưa được bao nhiêu. Mặc dù đã có cơ chế chính sách nhưng chưa thật sự hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia nhằm tạo quỹ nhà giá thấp.

Lo lắng xin-cho

Cả nước hiện có khoảng 200 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được đăng ký nhưng vẫn chưa thể nói gì nhiều về chương trình này khi mà giá bán, thủ tục bán nhà vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Riêng tại Hà Nội, chỉ trong vòng 2 tháng có tới 25 chủ đầu tư đăng ký làm nhà ở cho người thu nhập thấp với tổng diện tích 832.597m2 sàn xây dựng, kinh phí 5.400 tỉ đồng. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong đó có 13 chủ đầu tư đã có đất và 12 chủ đầu tư chưa có đất. Hiện tại, có 9 dự án đã được UBND TP Hà Nội chấp nhận đầu tư với tổng diện tích sàn 652.597m2; 4 dự án khác đang trình bổ sung với diện tích sàn là 180.000m2.

Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội, ông Vũ Ngọc Đạm cho biết, theo tính toán, với những ưu đãi mà chủ đầu tư được hưởng, giá nhà trong các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội chỉ khoảng 6 - 10 triệu đồng/m2, tùy thuộc vị trí dự án và suất đầu tư.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, hiện tại còn 2 vướng mắc lớn mà các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp phải vượt qua. Thứ nhất, xác định và kiểm soát giá bán nhà trong các dự án nhà xã hội sẽ rất phức tạp. Theo Thông tư 15/2009/TT-BXD ngày 30.6.2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá bán, giá thuê nhà ở cho người thu nhập thấp thì giá bán do chủ đầu tư tự xây dựng trên nguyên tắc: Tính đúng, tính đủ chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng, kể cả lãi vay; chi phí bảo trì nhà ở; không được tính các chi phí được Nhà nước ưu đãi vào giá bán nhà ở (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; các ưu đãi về thuế...). Lợi nhuận định mức cũng được quy định tối đa là 10% giá trị đầu tư xây dựng công trình. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia, việc kiểm soát giá bán trong trường hợp này cực kỳ khó khăn.

Thứ hai, phức tạp nhất là đối tượng mua nhà trong các dự án nhà xã hội. 5 trong số 6 thông tư hướng dẫn thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng nhà xã hội đã được Bộ Xây dựng ban hành rất nhanh chóng, thông tư duy nhất hiện còn nợ chính là quy định về trình tự, thủ tục bán nhà. Và khả năng sẽ còn rất lâu nữa mới có thể ban hành đưojwc, bởi vì hiện ngay cả quan điểm đối tượng đứng đơn xin mua nhà là hộ gia đình hay cá nhân hoặc mỗi người được nộp 1 đơn vào 1 dự án hay nhiều đơn vào cùng lúc nhiều dự án cũng còn chưa được thống nhất.

Ngoài ra, cũng nhiều ý kiến lo ngại cơ chế xin-cho sẽ làm hỏng tính ưu việt của chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp. Trả lời báo chí, Tiến sĩ Hoàng Xuân Nghĩa, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phân tích: “Tôi vẫn lo khi thực hiện tạo quỹ nhà cho người thu nhập thấp, đặc biệt là cơ chế phân phối, nếu chúng ta không thực hiện mạnh theo hướng thị trường hóa và xã hội hóa thì e rằng nó lại vấp phải nhược điểm trước đây mà chúng ta đã từng vướng, đó là bao cấp nhà ở và Nhà nước nếu không cẩn thận, vô hình trung, sẽ lại làm thay thị trường, không giải quyết được căn bản vấn đề”.

Tiến sĩ Nghĩa đề nghị: Thay vì dành ưu đãi cho doanh nghiệp để xây dựng nhà, để rồi phải đối mặt với vấn đề bán không đúng đối tượng, chúng ta có thể ưu đãi cho người có nhu cầu mua nhà, bằng cách cho họ vay vốn với lãi suất rất thấp hoặc không có lãi suất trong thời gian trung hạn và dài hạn để họ cầm số tiền đó, ra thị trường tìm mua căn nhà phù hợp với mình. Ông Nghĩa cũng kiến nghị, VN nên làm giống nhiều nước đó là thành lập Quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp và áp dụng cơ chế phân phối do cộng đồng.

Theo DiaOcOnline.vn

Đọc thêm