Bị ung thư vẫn miệt mài ôn thi, đỗ đại học

Trong 5 tháng kể từ khi mang trong mình căn bệnh ung thư xương, Duy Tùng đã trải qua 1 lần mổ và 3 lần hóa trị...

 Trong 5 tháng kể từ khi mang trong mình căn bệnh ung thư xương, Duy Tùng đã trải qua 1 lần mổ và 3 lần hóa trị. Trong thời gian ấy, dù phải chịu nhiều đau đớn, em vẫn nỗ lực miệt mài ôn thi tốt nghiệp và đại học.

Tháng 8/2009, trong lúc bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn, Tùng nhận được giấy báo trúng tuyển Khoa Kiểm toán, ĐH Kinh tế TP.HCM.  

Vừa chữa ung thư vừa ôn thi đại học

"Nó là hi vọng, là sự sống, là cả cuộc đời của vợ chồng tôi. Vậy mà...", cô Lê Thị Tâm, 45 tuổi (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) bắt đầu câu chuyện về con trai Phạm Duy Tùng trong nước mắt.

Tháng 5/2009, trong những ngày Tùng đang ôn luyện nước rút cho kì thi tốt nghiệp và đại học thì tin sét đánh đến với gia đình cô và lớp chuyên Hóa, trường chuyên tỉnh Tiền Giang.

"Nghe tin con bị ung thư xương, vợ chồng tôi quỵ hẳn. Tôi đã mang cháu đi khám lại nhiều lần với hi vọng có sự nhầm lẫn. Nhưng kết quả nơi nào cũng giống nhau...", cô Tâm kể. 

 a1.jpg
Ban đầu biết tin, em tuyệt vọng đến tột đỉnh...(Ảnh: P.Tú)

Trong 5 tháng kể từ khi mang trong mình căn bệnh ác tính, Duy Tùng đã trải qua 1 lần mổ và 3 lần hóa trị. Cũng trong thời gian đó, em phải liên tục đi về giữa TP.HCM và Tiền Giang, vừa chữa bệnh vừa ôn thi.

Đáp lại nghị lực phi thường của em là kết quả xuất sắc của kỳ thi tốt nghiệp với số điểm 52; trúng tuyển khối A vào ĐH Kinh tế với 21 điểm. Khối  B: 21,5 điểm.

Tùng nhớ lại : "Lần đầu tiên, em thấy một cục hạch bằng bàn tay ở đùi phải. Sau khi khám ở tỉnh, em được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Biết tin, em tuyệt vọng đến tột đỉnh. Nhưng điều khiến em buồn không kém là nếu nhập viện và theo đúng phác đồ điều trị thì phải bỏ hai kỳ thi quan trọng nhất. Suy nghĩ mãi, cuối cùng em tính: sẽ vừa chữa bệnh vừa ôn luyện".

Bởi vậy, khi được sắp xếp lịch mổ lần thứ nhất trước thời điểm thi tốt nghiệp 1 tuần, Tùng đã nằng nặc xin các bác sĩ được lùi lại.

Tùng kể: "Thời gian đó, cục hạch còn nhỏ, em vẫn chạy nhảy bình thường nên thức khuya dậy sớm ôn luyện không phải là vấn đề khó khăn. Hơn nữa, càng học em càng thấy khỏe ra nên em tin có ngày mình sẽ khỏi bệnh. Chính lúc ấy, em đã lấy lại được thăng bằng". 

 a2.jpg
Thời gian ôn thi tốt nghiệp, càng học càng thấy khỏe ra nên em đã nhanh chóng lấy lại được thăng bằng. (Ảnh: P.Tú)

Theo đúng lịch điều trị, ngay trong buổi chiều của môn thi tốt nghiệp cuối cùng, mẹ con Tùng lại khăn gói lên TP.HCM. Lần này, Tùng được chỉ định mổ ngay.

"Lên bàn mổ, em đinh ninh một niềm tin: sau mổ, em sẽ hết bệnh ngay. Em còn bao nhiêu dự định...", mắt sáng long lanh, Tùng nhớ lại.

Sau mổ được dăm ba hôm, đùi đã bớt đau nhưng dường như thuốc không có tác dụng nhiều. Ngược lại, khối u phát triển càng nhanh hơn, Tùng giảm đi 10kg, sức khỏe yếu hẳn, tóc rụng hết. Lúc này, Tùng được chuyển sang phương pháp hóa trị.

"Nhưng nếu theo hóa trị thì phải bỏ thi. Các bác sĩ và bố mẹ khuyên để năm sau thi, riêng mẹ lúc nào cũng khóc, nhưng với em, bỏ thi đại học thật khó khăn", Tùng chia sẻ.

Thêm một lần nữa, mọi người đành đầu hàng trước quyết tâm của em.

Thời gian ôn luyện đại học là những ngày thật sự khó khăn của Tùng. Luôn sốt cao, đau nhức khắp người, có lúc không nuốt nổi cơm, vậy mà hàng đêm em vẫn chong đèn học tới khuya.

 "Nhìn con xanh xao vừa ôm sách vừa đau đớn, tôi như cắt lòng. Nuôi con 12 năm, tôi cũng mong đến ngày cháu đỗ đạt. Nhưng lúc ấy, tôi chỉ cần cháu, không thiết gì đại học nữa", cô Tâm nói trong nhạt nhòa nước mắt.

Những ngày thi đại học, mỗi lần vào phòng thi, Tùng uống liền 6 lần thuốc gồm thuốc giảm đau, hạ sốt, tiêu chảy. 

 a3.jpg
Vừa chữa bệnh vừa ôn luyện, giờ Tùng đã là SV của ĐH Kinh tế TP.HCM (Ảnh: P.Tú) 

Tùng kể, buổi thi nào cũng vậy, trong 30 phút đầu chờ bóc đề, em đau dữ dội. Nhưng khi bắt đầu làm bài thì thật lạ. Lúc đó, em bị cuốn vào đề thi, hình ảnh bố mẹ lại cứ hiện ra trong suy nghĩ nên cảm giác đau đớn như tan biến hết.

Hoàn thành xong đợt thi khối A, lúc này, sức khỏe của Tùng đã rất yếu nhưng khi nghe con năn nỉ, vợ chồng cô Tâm dù xé ruột vẫn cho con tiếp tục thi đợt II. Và cũng như đợt thứ nhất, trong phòng thi, Tùng phải gồng mình chiến đấu với những cơn đau tột cùng.

"Em không sợ đau, chỉ sợ mẹ khóc"

Sau khi thi đại học xong, theo đúng phác đồ điều trị, Duy Tùng được chuyển sang phương pháp hóa trị.

Nhưng ba đợt hóa trị dường như không thể kìm hãm được sự phát triển của khối u. Hiện chân phải của Tùng không còn cử động được. Mọi việc đi lại đều nhờ vào chiếc xe lăn, nếu đi xa, em chỉ có thể đi bằng taxi. 

a4.jpg
Em sợ nhất là thấy mẹ nằm khóc mỗi đêm (Ảnh: P.Tú)

"Tác dụng phụ của mỗi đợt vô hóa trị khiến em ăn uống gì cũng nôn ra hết, mệt rã rời. Nhưng em vẫn tin mình sẽ khỏe hơn, em còn phải đi học, ra trường, đi làm. Em mơ ước trở thành nhân viên kiểm toán...", Tùng bộc bạch.

Các bác sĩ kết luận, khối u ác tính đầu dưới xương đùi phải lan ra mô mềm xung quanh và có nhiều vùng hoại tử bên trong; phải tháo khớp, bỏ chân phải để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

 "Lần đầu tiên, khi nghe tin cháu mang khối u ác tính, tôi đau đớn như chết nửa người nhưng vẫn còn hi vọng. Nghe tin này nữa, tôi mất hết cả sinh lực...", cô Tâm kể trong tiếng nấc.

Cô Tâm cho hay, vợ chồng cô đều làm nghề xe ôm, cuộc sống vốn khó khăn. Kể từ khi Tùng ngã bệnh, gia đình chia làm hai nửa. Mẹ lên Sài Gòn cùng Tùng, bố và em trai ở nhà. Mọi chi tiêu chỉ trông vào thu nhập ít ỏi của bố. Để có tiền chữa trị cho Tùng, bao nhiêu thứ có giá trị nhất trong nhà đã bán đi. Những món nợ ngày càng chồng chất...

Hiện hai mẹ con đang ở trong KTX ĐH Kinh tế. Buổi sáng, mẹ thuê taxi chở Tùng đi học, trưa lại chở về; buổi chiều tối, em lại phải đánh vật với trăm loại thuốc men.

"Em không sợ thuốc, không sợ đau đớn bằng việc thấy mẹ em khóc mỗi đêm. Giờ em chỉ có ước muốn lớn nhất là khỏi bệnh để bố mẹ không phải đau lòng", Tùng thổ lộ.

Mẹ Tùng kể, từng nằm ở nhiều khoa trong nhiều bệnh viện, ở nơi nào, Tùng cũng là người trẻ nhất.

Sinh năm 1991, năm nay Duy Tùng 18 tuổi...

Theo GDTĐ

Đọc thêm