Từ xa xưa chúng ta đã có quy hoạch đô thị

Trong ba ngày 6, 7 và 8-11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức “Hội nghị đô thị toàn quốc - 10 năm xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam”, thảo luận về các vấn đề đô thị ở nước ta.

Trong ba ngày 6, 7 và 8-11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức “Hội nghị đô thị toàn quốc - 10 năm xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam”, thảo luận về các vấn đề đô thị ở nước ta. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu hai bài viết của KTS Nguyễn Trọng Huấn, một người có nhiều trăn trở về vấn đề quy hoạch đô thị. Bài thứ nhất giới thiệu vài nét về vốn liếng đô thị của người Việt Nam qua lịch sử và bài thứ hai, chúng ta cần hiểu quy hoạch đô thị như thế nào.

Trước khi người Pháp thôn tính nước ta, người Việt dường như đã từng xây dựng trên đất nước mình, cho nhân dân mình một hệ thống đô thị không kém phần đàng hoàng, to đẹp.

Những dấu tích còn sót lại của hệ thống đô thị nguyên bản như Huế, như Hội An, sau ngày nước nhà độc lập, thống nhất - trong thực trạng còn ngổn ngang dấu tích đổ nát của chiến tranh - đã nhanh chóng được Tổ chức Văn hóa - Giáo dục và Khoa học của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận và ghi tên vào “Danh mục Di sản văn hóa thế giới để được bảo vệ vì lợi ích của toàn nhân loại”.

“…Có sóng sông Hương ru vỗ du dương, bao bọc bởi những vườn cây xanh tốt, được trang trí thêm bởi vườn tược xum xuê, có những dòng kênh như thêu ren, chạm khắc, thành phố Huế là một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị…”. Những nhận xét trên của Amadou Mahta M’Bow, nguyên Tổng giám đốc UNESCO, rất có thể không chỉ nói riêng về Huế mà cách thức ấy đã là nguyên lý trong xây dựng đô thị Việt Nam.

Tri thức khoa học cơ bản của người Việt khi tiến hành xây dựng một công trình, một đô thị dựa vào thuật phong thủy, dựa vào bố cục sẵn có từ núi sông, căn cứ nơi âm dương, ngũ hành mà thêm bớt, dựng đặt.

Vì vậy người Việt chúng ta rất coi trọng thiên nhiên, tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra sông, cùng với núi sông tồn tại và phát triển. Trên toàn cõi Việt Nam, những đô thị giàu chất thơ, “…có những dòng kênh như thêu ren, chạm khắc…” chắc chắn không chỉ có Huế. Tiếc rằng khi Tiến sĩ Amadou Mahta M’Bow đến Việt Nam, những thành phố ấy đã không còn!

Chiếu dời đô của vị vua khởi đầu nhà Lý khi chọn đất để định đô Thăng Long một ngàn năm trước chẳng đã chỉ rõ: “…Ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”. (Đại Việt sử ký toàn thư - Chiếu dời đô - Bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - NXB KHXH, Hà Nội - 1993).

Khi nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm nơi định đô cũng dựa vào hình sông thế núi: “…Kinh sư là nơi miền biển miền núi đều họp về, đứng giữa miền Nam miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng; đường thủy thì có cửa Thuận An cửa Tư Hiền sâu hiểm, đường bộ thì có Hoành Sơn, Hải Vân ngăn chặn; sông lớn giăng phía trước, núi cao giữ phía sau, rồng cuốn, hổ ngồi, hình thế vững chãi…”. (Đại Nam Nhất thống chí - Quốc sử quán - Bản dịch Viện Sử học - Hà Nội 1969).

Từ xa xưa chúng ta đã có quy hoạch đô thị
 

                          Hội An (ảnh trên) và Huế (ảnh dưới) đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa thế giới” - Ảnh: TTXVN.

Hội An (ảnh trên) và Huế (ảnh dưới) đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa thế giới” - Ảnh: TTXVN.

Trên khắp đất nước, từ Bắc vào Nam, những công trình thuần Việt một thời xưa cũ - không bị người Pháp triệt hạ, còn sót lại đến nay - trong hệ thống đền chùa như chùa Keo ở Thái Bình với tháp chuông ba tầng bằng gỗ được chế tác tinh xảo; như Đình Bảng ở Từ Sơn, Bắc Ninh, chùa Thầy, chùa Tây Phương ở Hà Tây (nay là Hà Nội), chùa Thiên Mụ ở Huế, chùa Yên Tử ở Quảng Ninh, hội tụ triết lý tư duy Việt chắt lọc trải qua nhiều đời… Và nhiều công trình khác nữa, cũng đã trở thành danh thắng, đều cùng với cảnh quan thiên nhiên tạo nên một tiểu vũ trụ quyến rũ lòng người.

Thử hình dung, nếu những kiệt tác kiến trúc ấy cùng tồn tại trong một không gian đô thị hoàn chỉnh vốn có của kinh thành Thăng Long xưa, với hệ thống những công trình đã bị chiến tranh và thời gian hủy hoại như chùa và tháp Báo Thiên, chùa Chân Giáo, Chân Tiên, chùa Châu Lâm, Châu Long… cùng các phủ đệ thời Lê - Trịnh bên bờ hồ Thủy quân kéo dài từ hồ Tây qua hồ Gươm đến Đồn Thủy, và các đô thị cổ của người Việt từng xây dựng trong nhiều thế kỷ, chắc chắn rằng bộ mặt hệ thống đô thị Việt Nam không thua kém bất cứ một hệ thống đô thị nào cùng thời trên thế giới, ít nhất vì tính đặc sắc và vẻ quyến rũ của nó.

Cảnh quan hồ giữa trung tâm, nhà xinh, phố xinh soi mình bóng nước, những hàng lộc vừng cổ thụ trải thảm, thêu hoa trên từng bước chân chính là nét đẹp còn giữ được của Hà Nội nghìn năm làm say đắm lòng người.

Rõ ràng cảnh vật Thăng Long xưa đã gợi thi hứng cho không ít thế hệ thi nhân, để lại cho đời sau nhiều tác phẩm thi ca bất hủ.

Thăng Long xưa, nếu không bị chiến tranh thực dân xâm lược, thời gian và sự vô tâm, kể cả chủ nghĩa thực dụng của con người tàn phá, chắc chắn cũng sẽ trở thành “Một - Thành - phố - Thơ” không khác gì Huế và Hội An trong cặp mắt tinh tường của các chuyên gia UNESCO.

Chỉ nói riêng về chùa Một Cột, yếu tố còn sót lại của tổng thể kiến trúc chùa Diên Hựu thời mới dựng đặt. Với kích thước cực kỳ khiêm tốn, chùa Một Cột là một kiệt tác kiến trúc khi thể hiện hình tượng đóa sen vàng từng xuất hiện trong một giấc mơ vương giả. Ở đây có một vấn đề cần nhắc lại, kích thước nghệ thuật không hoàn toàn lệ thuộc vào kích thước vật lý, mà lệ thuộc vào kích thước tư duy và độ rung cảm của tài năng sáng tạo. Diễn đạt thành công một giấc mơ bằng ngôn ngữ kiến trúc là trường hợp hiếm hoi, ít gặp trong lịch sử kiến trúc nhân loại.

Cũng trong mạch lạc này, nhiều người thường so sánh Ngọ môn của kinh thành Huế với Thiên An môn ở Bắc Kinh và có ý chê rằng Ngọ môn quá nhỏ (!?). Xin nhớ cho sự chênh lệch về dân số và đất đai, Thiên An môn là công trình nghi lễ của một quốc gia thời đó với ít nhất từ 300 đến 500 triệu dân, trong khi cùng thời điểm ấy, từ Bắc đến Nam, dân số Việt chỉ khoảng trên năm triệu người, khoảng cách ít nhất là 60 đến 100 lần.

Tuy nhiên, xét về phương diện nghệ thuật, một Ngọ môn với lầu Ngũ Phụng ở kinh thành Huế giá trị nghệ thuật không thua kém gì, nếu không nói là hơn hẳn Thiên An môn của Bắc Kinh về tính nhân văn. Cùng một công năng, nhưng Ngọ môn thân gần hơn, hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn.

Thiên An môn là một khối kiến trúc chắc nịch, khô khốc, hoàn toàn không có cây xanh, kích thước “khủng bố”, ngay từ màu sắc, tạo ấn tượng khống chế của quyền lực thiên tử đối với thần dân, bằng một tỷ lệ phi nhân tính. Trong khi Ngọ môn với ngói lưu ly, lầu Ngũ Phụng, vút bay như một cánh chim, thơ thới, nhẹ nhàng, hòa vào thiên nhiên, đẫm ngát hương sứ, hương sen, đầy nhân ái và đặc biệt… đẫm ướt chất thơ trong nắng sớm, trăng chiều.

Nhiều nhà chuyên môn trên thế giới đã phải thừa nhận tổng thể lăng mộ triều Nguyễn là một giá trị thi ca như một sáng tạo song hành bên những giá trị cảnh quan kiến trúc.

Nếu không bị hủy hoại, những đô thành của hệ thống đô thị thuần Việt mà cha ông ta đã xây dựng trên đất nước này chắc chắn đã đóng góp cho diện mạo văn hóa - nghệ thuật nhân loại nhiều kiệt tác tầm cỡ không thua kém bất kỳ ai.

Chỉ riêng việc năm 2003, các nhà khảo cổ Việt Nam phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long, nơi quảng trường Ba Đình, đã khẳng định hùng hồn bằng mắt thấy, tay sờ, người Việt Nam từng làm chủ khoa học và nghệ thuật xây dựng đô thị.

Trên một diện tích khiêm tốn 19.000m2, một góc cung điện của kinh đô xưa cũ, hé lộ một không gian đô thị tầm cỡ, một trình độ nghệ thuật chế tác vật liệu bậc thầy, công trình xây cất chồng lên nhau trong hơn mười ba thế kỷ, làm sửng sốt không chỉ chúng ta, mà còn làm ngạc nhiên cả với nhiều nhà chuyên môn thế giới.

Những phát lộ vừa qua cho thấy, với cảm xúc thi ca lai láng, năng lực sáng tạo tràn trề, nhiều thế hệ người Việt cần lao, đã từng xây dựng trên dải giang sơn gấm vóc của mình một hệ thống đô thị quy mô, hoành tráng, đầy trí tuệ và giàu chất thi ca, ở trình độ nghệ thuật cao, tồn tại qua nhiều thời đại.

Tiếc thay, mà cũng đau đớn thay, gần như toàn bộ khối gia sản khổng lồ và quý giá đó đã bị người Pháp triệt hạ. Trong khoảng năm mươi lăm năm tính từ 1884 đến trước Chiến tranh thế giới lần thứ II - 1939 - trừ kinh đô Phú Xuân - các thành cổ Hà Nội, Gia Định và hầu như toàn bộ hệ thống đô thị của người Việt đều bị san bằng không còn dấu tích, nhường chỗ cho một hệ thống thành phố kiểu thuộc địa, phục vụ cho nhóm quan lại của chế độ thực dân và bộ máy cai trị thuộc địa.

Như vậy là cả một hệ thống đô thị truyền thống của người Việt không những biến mất khỏi mặt đất mà còn biến luôn khỏi ký ức cộng đồng! Những phường thợ khéo theo bác thợ cả, thước tầm trong tay, từng xây chùa Dâu, chùa Trăm Gian, đình Thổ Tang, đình Chu Quyến, đình Hương Canh, tháp Bình Sơn… phải chuyển nghề, phá thành Hà Nội để xây phố Tây.

Cùng với họ, nhiều làng nghề truyền thống cũng biến mất! Đấy là lý do tại sao chúng ta và cả thế giới, năm 2003 đều sửng sốt, ngạc nhiên khi ngành khảo cổ hé lộ cho chúng ta một góc kho báu nghìn năm của tổ tiên ngay dưới chân ta và hài hước thay, ngay giữa trung tâm Hà Nội nghìn năm văn vật!

Rất có thể là quá sớm khi nhận định, truyền thống Việt không xây nhà quá cao, không xây thành phố quá lớn (cũng rất có thể vì kinh tế chưa phát triển đủ tầm và vật liệu cũng như kỹ thuật không cho phép), nhưng quy mô công trình và kích cỡ đô thị của người Việt bao giờ cũng hòa trong thiên nhiên, tồn tại cùng thiên nhiên, “Thiên - Địa - Nhân” hòa hợp trong cùng một tổng thể. Đấy là đặc điểm thấy rõ khi so sánh văn minh phương Đông với văn minh phương Tây, đặc điểm đô thị châu Âu và đô thị Việt.

Những thế kỷ gần đây, người châu Âu nhận thức ra chính sự kiêu ngạo của mình dẫn đến tình trạng đánh mất thiên nhiên, nhưng để tạo ra một thiên nhiên trong lòng thành phố là không đơn giản, trước hết vì rất tốn kém.

Thực đơn hàng ngày của người Việt lấy rau làm đầu vị, khai thác ngay thế giới thực vật quanh nhà, thịt cá chỉ thưởng thức vào những ngày lễ tết, đã sáng tạo ra một nền nghệ thuật ẩm thực giàu giá trị khoa học. Cách sống đó ngẫu nhiên đang trở thành thời thượng khi người phương Tây lấy thịt, trứng, sữa làm đầu, dẫn đến béo phì và trăm ngàn chứng nan y do chế độ ẩm thực.

Châm ngôn của người Ả Rập nói: “Khi đoàn lạc đà lạc trong sa mạc, lúc phải quay lại, con đi cuối sẽ dẫn đầu”. Triết lý ấy không những đúng khi soi chiếu vào tình hình ẩm thực mà có khi còn đúng cả trong xây dựng đô thị, nếu chúng ta biết dừng lại đúng lúc.

Tóm lại, nếu coi 1990 là năm thực sự khởi đầu cho công cuộc đô thị hóa đúng nghĩa, thì tính ngược về quá khứ, năm 1884, ký hòa ước Patenôtre, người Việt Nam mất quyền xây cất đô thị trong 106 năm, còn tính tới 1859, năm người Pháp san bằng thành Gia Định để xây Sài Gòn là 131 năm.

Hơn một thế kỷ, ở nhờ người ta, ăn cơm người ta, học chữ người ta, như con chim bị nhốt trong lồng, mất thói quen vỗ cánh và cảm hứng bay lượn trong trời xanh là điều không khó giải thích. Chẳng thế, khi trình bày trước Thường vụ Quốc hội, xin thông qua Luật Quy hoạch, được hỏi: “Bản sắc đô thị Việt Nam là gì?”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã rất thành thật trả lời: “Cái này thì chịu!”.

Theo DNSG Cuối tuần

Đọc thêm