Kỷ nguyên xe “cơ bắp”

(AutoNet) - Liệu lịch sử xe “cơ bắp” có lặp lại với đường xoáy ốc cao hơn? Thời gian sẽ chứng minh. Chúng ta cùng chờ xem.

Dường như cuộc sống trước đây “dễ thở” hơn, nhất là ở Mỹ vào những năm 60 thế kỷ trước. Xăng dầu rất rẻ, lại chẳng có hạn chế gì về môi trường. Vì thế trào lưu xe “cơ bắp”  rất phát triển. Công suất động cơ chỉ giới hạn bởi khả năng chế tạo mà thôi.

Có thể tìm ở đâu ngoài nước Mỹ chiếc coupe với động cơ 7 lít, công suất 657 mã lực với giá phải chăng? Thời đó, nếu nói dung tích động cơ dưới 5 lít (hoặc thậm chí dưới 6 lít) là “không sành điệu”. Mức “chuẩn” đó là động cơ V8, công suất trên 300 mã lực. Ba “ông lớn” trên thị trường ô tô Mỹ thời đó thả sức cung cấp cho tầng lớp trung lưu các model xe mà ngày nay ta dùng từ “cơ bắp” (muscle cars).

PontiacGTO.jpg
Pontiac GTO

Mở đầu cho trào lưu này là model Pontiac, hay đúng ra người khởi xướng là một “sếp” của GM - John DeLorian. Một sáng thức dậy, John bỗng nảy ra ý nghĩ thử lắp cho chiếc coupe hạng trung chiếc động cơ lớn nhất mà hãng có (dung tích 6,4 lít, 8 xi lanh). Vậy là chiếc Pontiac Tempest GTO với một chút thay đổi ở phần gầm so với model Tempest đại trà đã ra đời. Kết quả thu được thật bất ngờ. Kế hoạch tiêu thụ 5.000 xe/năm đã được thực hiện với 32.450 xe ngay năm đầu tiên, thậm chí nhiều hơn nếu GM sản xuất kịp. Điều này đã phá vỡ tiền lệ có từ trước đến thời điểm đó là các động cơ công suất lớn chỉ được lắp trên các model xe lớn và đắt tiền.

Ký hiệu GTO được thêm vào tên xe là “bắt chước” ở xe Ferrari. Tờ báo khi đó còn chưa được ai biết tới là Car and Driver đã công bố kết quả test giữa 2 xe Pontiac GTO và chiếc xe đắt gấp nhiều lần - Ferrari GTO, cho thấy, dường như Pontiac GTO còn có tốc độ nhanh hơn. Sự thật được sáng tỏ sau đó vài năm là động cơ của chiếc Potiac GTO thử nghiệm còn lớn hơn công bố và hệ thống cấu treo của nó cũng gần như dành cho xe đua. Tuy nhiên, khẩu hiểu quảng cáo là “gần như Ferrari, chỉ có điều còn nhanh hơn” đã mang lại hiệu quả rất lớn, khiến Car and Driver từ một tờ báo tầm thường về ôtô trở thành một trong những tạp chí nổi tiếng nhất ở Mỹ.

fordgalaxie.jpg
Ford Galaxie

Các đối thủ của GM tất nhiên cũng không chịu ngồi yên. Các hãng thi nhau cho ra đời các xe công suất lớn trên cơ sở những chiếc xe đại trà rẻ tiền. Muscle Cars - chính là từ để chỉ những chiếc xe đơn giản, thô, với khoang xe rẻ tiền và tiếng nổ ầm ĩ nhưng công suất thì rất lớn. Cuộc chạy đua diễn ra không ngừng và vô địch có lẽ là chiếc Ford Galaxie ra đời năm 1965 với động cơ Cammer 427 dung tích 7 lít, công suất 657 mã lực. (Thật ra chiếc xe này được bán rất ít, nó được thiết kế để đối trọng với đối thủ Hemi của Chrysler trong cuộc đua NASCAR).

Bên cạnh các mác xe “cơ bắp” kích thước lớn, mà đại diện tiêu biểu như Potiac GTO, Dodge Charger R/T và Chevrolet Chevelle còn có các xe kích thước nhỏ hơn nhưng công suất cũng không hề kém cạnh. Điển hình là chiếc Ford Mustang cũng ra đời năm 1964 cùng năm với Pontiac GTO. Ngày 17/4 năm đó chiếc xe ra mắt thì cũng ngay trong ngày hôm đó hãng nhận được tới 22.000 đơn hàng, còn trong 2 năm đầu bán được tới hơn 1 triệu xe. Tiêu chí chính của Ford Mustang được người lãnh đạo dự án - Lee Iacocca - xác định là có giá cả phù hợp. Vì thế ban đầu Mustang chưa được lắp động cơ công suất lớn. Từ khi Carol Shelby- nhà thiết kế đồng thời là tay đua nổi tiếng bắt tay vào việc sản xuất Mustang thì model này trở thành ngựa chiến thật sự. Dưới chiếc vỏ nhỏ gọn nhưng Mustang Shelby GT500 có công suất tới 400 mã lực thì đâu phải chuyện đùa. Mặc dù chính thức, biến thể GT500 sản xuất năm 1967 chỉ có 355 mã lực, nhưng khi người ta test thì thấy công suất tới 400 mã lực. (Không phải như ở Châu Âu đánh thuế theo dung tích động cơ, ở Mỹ đánh thuế theo công suất).

Plymouth1.jpg
Plymouth Superbird

Có rất nhiều giải đua để phô diễn công suất và tốc độ xe, như các giải đua đường vòng NASCAR cho các xe “cơ bắp”, Trans Am cho loại nhỏ hơn hoặc đua trên đoạn đường thẳng... Khi công suất động cơ gần như đạt tới giới hạn thì trên đường đua NASCAR xuất hiện các “chiến binh có cánh”. Đó là các xe như Dodge Charger Daytona và Plymouth Superbird có các cánh đuôi cao tới 80 cm, đạt tốc độ tới 320 km/h và thắng ở 80% các giải đua vào năm 1970.

Cuộc sống cứ “vui vẻ” tiếp diễn cho tới cuối những năm 1970, khi mà “vào một ngày đen tối”, các hãng bảo hiểm chợt nhận ra rằng số vụ tai nạn giao thông của các xe cơ bắp và những người lái xe trẻ tuổi xảy ra quá nhiều làm họ phải bồi thường quá lớn vì vậy đã quyết định tăng giá bảo hiểm. Chính phủ cũng nghĩ tới bảo vệ môi trường và ra các đạo luật về khí thải khắt khe hơn. Các nước OPEC thì từ chối cung cấp dầu mỏ cho Mỹ. Vậy là phần lớn các xe dòng “cơ bắp” chỉ còn động cơ công suất tối đa tới 200 mã lực, thậm chí Mustang chỉ lắp động cơ 90 mã lực, thang đồng hồ tốc độ tối đa chỉ có 100 dặm/h.

fordshelby.jpg
Ford Shelby

Và bây giờ, trào lưu “muscle cars” dường như đang dần trở lại với những model có design hiện đại hơn. Cách đây vài năm, Ford Mustang thế hệ mới nhất với động cơ công suất lớn được trưng bày. GM cũng đưa ra Pontiac GTO thế hệ mới với công suất 400 mã lực. Tại triển lãm Detroit, Chevrolet và Dodge cũng có các model Camaro và Challenger công suất lớn. Chưa một hãng nào khẳng định đã đưa các model trên vào sản xuất đại trà. Liệu lịch sử xe “cơ bắp” có lặp lại với đường xoáy ốc cao hơn? Thời gian sẽ chứng minh. Chúng ta cùng chờ xem.

  • Quốc Bình

Đọc thêm