Đồng nghiệp Thảo Nguyên của Báo Thể Thao & Văn hóa, trong một bài viết ngày 2-3, có cái nhìn khẩn thiết và lời cảnh báo xác đáng dành cho các quan chức đang giữ trọng trách lèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam xung quanh những hiện tượng đáng ngại gần đây.
|
|||
Molina khi còn khoác áo Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu) |
Dẫn ra chuyện thời sự mới nhất liên quan đến cái chết của tiền đạo câu lạc bộ Bình Dương Molina (nhiều khả năng do dùng ma túy quá liều); lối thi đấu hung hăng, thiếu tinh thần thượng võ ở một số cầu thủ; bóng dáng và nguy cơ có bàn tay thế lực xã hội đen thao túng các cuộc tranh tài..., tác giả cho rằng không thể xem nhẹ các dấu hiệu tiêu cực từng làm thui chột sức phát triển của làng bóng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Theo tác giả, sau những thông số hào nhoáng về chất lượng V-League, những người có trách nhiệm cao nhất với nền bóng đá xứ sở phải biết bừng tỉnh cơn mê.
Nhiều quan chức lãnh đạo VFF thời gian qua cứ để cho mình bị ru ngủ bởi một số tiến bộ về chất lượng tranh tài, sức hút đối với khán giả mà V-League và Giải hạng nhất có lúc có nơi thể hiện. Đó là điều có thật. Vì nhiều lý do, trong đó có chuyện sính thành tích và dùng thành tích trước mắt như một phương tiện để tồn tại, người ta không ngớt ca tụng chất lượng và sức hấp dẫn của các giải bóng đá trong nước, xem đó như phần chính diện tán dương công trạng của họ. Mặt trái của nền bóng đá này, đáng tiếc thay, lại bị người ta cố tình che đậy hoặc làm lơ cho... qua quận. Cầu thủ nghiện ngập, dính líu ma túy ư? Đó là trách nhiệm của các câu lạc bộ và bắt nguồn từ ý thức cầu thủ, VFF năm nào mà không tổ chức xét nghiệm chất gây nghiện! Câu trả lời từ phía liên đoàn thường là như vậy, từ năm này sang năm khác. Chính vì dễ nhận trách nhiệm - và tất nhiên cũng dễ... phủi trách nhiệm - như thế nên có lẽ hiếm người giật mình trước công bố của một ngoại binh đang thi đấu ở V-League - tiền đạo Tshamala - rằng không chỉ Molina mà rất nhiều cầu thủ khác cũng dùng ma túy hằng ngày và họ vẫn có mặt trong đội hình các câu lạc bộ.
Ôi, còn điều gì rùng rợn hơn với sân chơi bóng đá Việt Nam khi mỗi tuần, hàng vạn khán giả trẻ già trai gái, trong đó có rất nhiều trẻ em, lại hồn nhiên chứng kiến và say sưa cổ vũ cho những đôi chân... ma túy kia. Chưa ai biết rồi đây sẽ còn thêm bao nhiêu cái chết chấn động như câu chuyện buồn Molina và lúc ấy, người ta sẽ gắn thêm cho V-League biệt danh nào ngoài mỹ từ đang được nhiều người bám víu vào đó để tự hào “một trong những giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh!”.
Điều công chúng cần ở cơ quan lãnh đạo cao nhất nền bóng đá nước nhà là các giải pháp can thiệp mạnh mẽ, sự ra tay kịp thời, quyết liệt trước các vấn nạn đang đe dọa tiền đồ cả làng bóng chứ không phải những lời lẽ bàng quan cho xong trách nhiệm theo kiểu ăn xổi ở thì. Sẽ đáng thất vọng vô cùng với công chúng nếu như trong mắt họ, các nhà lãnh đạo VFF cũng giữ thói cũ của nhiều nhà quản lý đâm đầu chạy theo thành tích trước mắt, buông lỏng các mục tiêu chính đáng lâu dài. Chẳng ai ca ngợi một nền bóng đá chỉ lo các thành tích phiến diện hay các kết quả xếp hạng phù phiếm mà coi thường việc chăm chút các giá trị nhân văn, buông lỏng việc bồi bổ các tố chất giúp con người phát triển về phần hồn. Đừng quên rằng trên thực tế, một nền bóng đá chỉ thực sự mạnh khi nó phát triển lành mạnh, đúng hướng xoay quanh các giá trị bền vững của con người.
TƯỜNG PHƯỚC