Tỉnh cơn say, Trần Văn Lạng thấy xung quanh mình là những người mặc cảnh phục. Dưới đất, chị Huế (vợ Lạng) nằm sõng xoài.
Chưa kịp hiểu chuyện gì vừa xảy đến, Lạng đã phải tra tay vào còng số 8 và bị dẫn giải ra xe. "Tôi đã giết vợ ư, sao lại thế được?" - người đàn ông này hét toáng khi bị buộc tội gây ra cái chết của vợ.
Gia đình "tan đàn xẻ nghé"
10 năm đã trôi qua nhưng thời gian không xóa mờ được ký ức đau buồn trong Trần Văn Lạng, SN 1968, quê Thái Bình. Cho đến tận bây giờ, Lạng vẫn bị ám ảnh bởi cái chết của vợ (chị Phạm Thị Huế, SN 1971). Lạng nói, các cơ quan tố tụng buộc anh tội "Giết người" vì đã dùng vật tày nện vào đầu vợ gây chấn thương sọ não.
Điều khiến người đàn ông này dằn vặt là hắn không thể nhớ đã xuống tay với vợ thế nào. Cơn say khiến Lạng u mê, không kiểm soát được bản thân. Đứng trước vành móng ngựa của TAND tỉnh Quảng Ninh, Lạng đã xin tòa phạt mình mức án nghiêm khắc nhất; bởi, chính Lạng cũng không thể tha thứ cho mình.
Như lời Lạng, chị Huế là người chịu thương, chịu khó, hết lòng vì gia đình. Tòa tuyên 18 năm tù về tội "Giết người", Lạng thấy vậy còn nhẹ. Hắn hận bản thân vì mình không phải là kẻ nát rượu. Chỉ một đêm “hết mình” với bạn bè, Lạng đã phải đánh đổi tổ ấm và tương lai của hai đứa con thơ.
Trong lúc tòa nghị án, người nhà nói nhỏ với Lạng rằng, có thể phải gửi hai đứa trẻ (đứa lớn 10 tuổi, nhỏ lên 5) vào trại trẻ mồ côi. Hay tin này, Lạng rất hoang mang. Lạng đã đau đáu nhìn về phía người anh trai với ánh mắt van lơn.
Hiểu nỗi lòng em, người anh trai đã hứa sẽ săn sóc hai đứa nhỏ để anh Lạng yên tâm cải tạo. Lạng biết, thế là làm khó cho anh trai mình. Chỉ vận lộn với cuộc sống, cưu mang cả gia đình 5 miệng ăn, anh trai của hắn đã phải rất vất vả.
Lạng kể, vừa rời phòng xử án, đứa lớn nhào về phía bố, nó lạc giọng: "Bố ơi, bố mau về với chúng con. Hai chị em con nhớ bố, nhớ mẹ". Lời của con như cứa sâu vào lòng. Lạng đã cố ngoái lại nhìn con, với tay lại mà không thốt lên lời. Thiếu bàn tay săn sóc của mẹ, nó gầy đi nhiều. "Chị xem, còn cảnh đời nào éo le hơn" - mắt Lạng đỏ hoe.
Mất con gái, bố mẹ chị Huế tỏ ra bất bình. Họ cho rằng, 18 năm tù là quá nhẹ so với tội lỗi của con rể. Đại diện bị hại đã kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt nhưng tòa cấp phúc thẩm vẫn y án sơ thẩm. May thay, thời gian đã làm vơi bớt sự thù hận.
Gia đình bên ngoại hiểu rằng, Lạng không cố tình giết vợ. Nghĩ đến hai đứa cháu ngoại, bố mẹ chị Huế đã tha thứ cho Lạng và nhắn: "Khi nào mãn hạn tù thì con về quê mà sinh sống". Sự rộng lượng ấy khiến Lạng nhẹ lòng.
Bữa nhậu định mệnh
Lạng có nước da đen sạm. Hắn tâm sự, đời mình sương gió chẳng khác gì cái vẻ bề ngoài. Nhắc lại bữa nhậu định mệnh ấy, giọng Lạng trầm, buồn. Đó là đêm 23/11/2002, cái đêm Lạng vô tình tước đi mạng sống của người vợ mà hắn yêu thương. Cơn say đã làm hắn mất hết lý trí, nhưng Lạng không thể đổ lỗi cho "ma men".
"Tôi vốn là công nhân của nhà máy giấy. Ngày hôm ấy, anh em trong xưởng tổ chức liên hoan tại nhà tôi. Vừa muốn đẹp mặt chồng, phần hồ hởi, vợ tôi đã tất bật đi chợ rồi nấu nướng. Bữa ăn ngon, vui vẻ, tôi mát mặt vì ai cũng khen vợ đảm đang, khéo léo.
Có nhiều lý do chạm cốc, tôi say từ lúc nào không hay. Tỉnh giấc, tôi thấy cổ họng mình đắng chát, người mềm nhũn và kinh sợ hơn, vợ tôi sõng xoài dưới nền nhà. Tôi chưa kịp định thần thì thấy xung quanh mình đâu cũng thấy công an.
Tra tay vào còng, tôi thất thần bước lên chiếc xe chở nghi phạm. Ngồi bó gối tại trụ sở cơ quan công an, tôi không biết phải bắt đầu khai thế nào vì đầu óc trống rỗng, không còn chút ký ức nào của đêm hôm trước còn sót lại", Lạng chia sẻ.
Rồi người ta cho biết, hắn bị tình nghi đã hại vợ. Đau đớn hơn khi Lạng hay tin, vợ mình đã chết trong bệnh viện, vết thương quá nặng không thể cứu chữa. Lúc ấy, Lạng đã bưng mặt khóc rưng rức như một đứa trẻ. Hắn vò đầu, bứt tóc, tự xỉ vả mình. Lạng nói, nhìn bộ dạng Lạng như vậy, các điều tra viên cũng phải ái ngại.
Câu chuyện anh thợ giấy hiền lành sát hại vợ lan truyền khắp khu tập thể. Ai cũng ngạc nhiên vì vợ chồng họ hôm trước còn sánh bước đến nhà máy, tươi cười. Cặp vợ chồng này vốn tình cảm là thế…
Mơ về quá khứ…
Lạng và chị Huế là người cùng làng. Thời còn để chỏm, suốt ngày chơi với nhau, Lạng chẳng để ý đến cô bé gầy nhẳng, đen đúa. Khi đi bộ đội về, Lạng ngạc nhiên trước sự thay đổi của cô bé hàng xóm. Tuổi 20, chị Huế như bông hoa đồng nội, đẹp giản dị.
Nét duyên thầm của chị đã thu hút Lạng. Hắn ngỏ lời yêu và đôi uyên ương đã nên vợ chồng. Cưới xong, Lạng đi làm thuê, còn chị ở nhà cày cuốc, cuộc sống êm đềm trôi. Nhưng từ khi con gái chào đời, hạnh phúc đi kèm với nhọc nhằn.
Mang gánh nặng cơm áo, Lạng tha hương mưu sinh. Hắn đã rong ruổi khắp đất Hải Phòng, Quảng Ninh bươn trải đủ thứ nghề. Cuối cùng, hắn dừng chân tại nhà máy giấy này và kéo cả vợ con về Quảng Ninh lập nghiệp.
Họ tá túc ở khu tập thể của nhà máy và Lạng xin cho chị cùng làm việc. Gia đình thêm ấp ám khi chị sinh cậu con trai kháu khỉnh. Lạng từng hài lòng về những gì mình đang có.
Đã 9 năm kể từ ngày Lạng nhập trại. Sóng gió dần lùi vào quá khứ nhưng vết thương lòng như vết sẹo chẳng bao giờ lành. Mới qua nửa chặng đường thụ án (tại Trại giam Hoàng Tiến, Hải Dương) mà hắn thấy thời gian còn dài đằng đẵng.
Ân hận, day dứt và nỗ lực cải tạo - đó là những cảm xúc mà Lạng nếm trải suốt những năm tháng qua. Hại chết vợ, hắn càng yêu và nhớ chị hơn. Chị Huế đã đi xa nhưng phạm nhân này vẫn ấp ủ hình bóng vợ.
"Vì chồng, vì con, cô ấy chưa bao giờ dám mua một cái áo đẹp, ăn uống thì dè xẻn. Nhân kỷ niệm ngày cưới sắp tới, tôi định sẽ đưa cả nhà đi ra hàng ăn một bữa để chúc mừng. Vậy mà, mơ ước giản dị ấy chưa kịp thực hiện" - giọng Lạng chua chát.
Vô tình hại vợ, Lạng cũng chôn chặt tình yêu của mình. Hắn đã nhủ rằng, cả đời này, hắn chỉ có mình chị. Sau này có gây dựng lại, hắn sẽ không bao giờ đi bước nữa.
Lạng tâm sự, bao năm qua có thể lạc quan cải tạo vì trông vào hai đứa con. Từ Thái Bình đến Hải Dương là một chặng đường xa nhưng người bác trai vẫn thu xếp để đưa hai đứa cháu được gặp bố. Lần gặp nào, chúng cũng tỏ ra cứng cỏi, động viên bố.
Nhìn thấy con ngày một trưởng thành là điều an ủi với ông bố này. Bác chúng đã nuôi dạy chúng khôn lớn và không trượt dài vì cú sốc gia đình. Nhắc đến con, Lạng tự hào khoe, con gái lớn hiện đang học đại học, còn con thứ hai cũng đã học đến cấp III. Lạng không ngờ, chúng lại vững vàng hơn mình tưởng.
Lật giở những trang thư con viết, Lạng hồ hởi khoe, các con luôn ở bên và cổ vũ hắn phải sống tốt để làm chỗ dựa cho chúng. Từng chữ trong bức thư được viết nắn nót thể hiện tình cảm sâu sắc của lũ trẻ dành cho bố. Lạng biết, chúng cố tỏ ra người lớn chứ trong lòng thì trống trải. Mất mẹ, thiếu sự săn sóc, yêu thương của mẹ, chúng chẳng mấy khi cười.
Mỗi lần nhận được thư của con, Lạng càng quyết tâm cải tạo để sớm trở về. Lạng cũng không quên dặn các con phải kiên cường, chịu khó và phải nghe lời bác, nhẫn nhịn chờ ngày bố con đoàn tụ.
"Càng nghĩ tôi càng giận bản thân mình, đau đớn lắm! Ban ngày đi làm thì còn nguôi ngoai, nhưng khi đêm về, nỗi ân hận lại ùa về làm tôi không thể nào chợp mắt được. Nhưng có lẽ, điều mà tôi thấy đỡ dằn vặt nhất là các con không phán xét tôi, chúng vẫn tôn trọng và yêu bố. Động lực ấy đã giúp tôi rất nhiều..." - Lạng tâm sự.
Theo VTC