Chu trình thứ hai tập trung đánh giá việc thực hiện Chương II về các biện pháp phòng ngừa và Chương V về thu hồi tài sản tham nhũng. Tại hội nghị, các chuyên gia đánh giá, thời gian qua, Việt Nam đã có những tiển triển đáng kể trong công tác phòng Chống tham nhũng (PCTN), nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, giai đoạn 2006 -2016, 918 người đứng đầu đã bị xử lý về việc thiếu trách nhiệm dẫn đến tham nhũng, trong đó có 800 người bị xử lý kỷ luật, 118 người bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý, vẫn còn tình trạng bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh, cũng như xuất hiện tình huống xung đột lợi ích của người đứng đầu.
Đáng chú ý, các cơ quan chức năng dù đã phối hợp, tương trợ để thu hồi tài sản tham nhũng, nhưng tỷ lệ mới dưới 10%. “Tỷ lệ thu được thấp; chậm phát hiện; chậm xử lý tài sản; tương trợ tư pháp khó khăn; nỗ lực chậm được thi hành” - ông Hùng liệt kê một loạt những hạn chế trong công tác thu hồi tài sản.
Ông này cũng thông tin, khi sửa đổi Luật PCTN tới đây sẽ quy định rõ nguyên tắc, hình thức, trách nhiệm công khai, minh bạch gắn với việc thực hiện trách nhiệm giải trình; bổ sung quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; thanh toán qua tài khoản các khoản chi lớn… “Dự luật PCTN sửa đổi đã quy định bổ sung quyền hạn cho các cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tài sản, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán, che giấu hoặc chuyển dịch tài sản tham nhũng” - ông nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm thế giới, ông Shervin Majlessi, Cố vấn pháp luật cao cấp của Ngân hàng Thế giới/Sáng kiến về Thu hồi Tài sản bị đánh cắp của UNODC cho biết, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng tịch thu tài sản theo thủ tục dân sự mà “không cần tuyên án” (NCB). Và tùy thuộc vào tình hình thực tế, từng quốc gia có thể lựa chọn áp dụng thủ tục dân sự hay thủ tục hình sự để thu hồi tài sản tham nhũng.