Ngày dài ám ảnh
Gợi lại chuyện cũ, phạm nhân Tú (đang thụ án tại Trại giam Kim Sơn, Bộ Công an, đóng tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định im lặng khá lâu mới mở lòng: “Tôi đã rất cố gắng để quên, mỗi khi chợt nhớ đến nó, tôi phải nghĩ ngay sang chuyện khác, nếu không nó làm tôi điên mất”.
Tú sinh ra trong một gia đình nghèo. Cha mẹ Tú sống chung nhà với bà Nguyễn Thị Tể (SN 1930, bà ngoại Tú). Từ nhỏ, Tú đã được bà ngoại chăm sóc, dạy dỗ. Sống chung với bà ngoại được một thời gian thì cha mẹ Tú dọn ra ở riêng. Nhưng vì quá nghèo, họ đành để con lại cho bà ngoại nuôi.
Thời gian trôi qua, Tú lớn lên trong sự bao bọc của bà ngoại. Vì thương cháu nên bà Tể yêu chiều Tú hết mực như để bù đắp cho cháu, những mong Tú lớn lên có lòng hiếu thuận với bà. Vậy mà, chỉ vì một câu mắng, Tú đã ra tay sát hại ngoại.
Theo đó, ngày 27/1/2013, Tú đi ăn giỗ ở nhà người quen và uống rất nhiều rượu. Tàn cuộc, Tú về nhà nghỉ. Tỉnh dậy, thấy bà không ở nhà, Tú lục tủ sắt của bà tìm tiền, vàng nhưng không thấy nên tiếp tục lấy bia ra uống một mình và chơi điện tử.
Đến 16h30 cùng ngày, bà Tể bảo Tú thay bóng đèn bị hư. Tú nghe lời bà, trèo lên sửa nhưng mãi mà bóng đèn không cháy nên liền tháo bóng đèn vứt ra ngoài sân.
Thấy bà ngoại la rầy, Tú tỏ ra bực tức cúi xuống gầm giường lấy cây rựa đánh vào vai, đầu của bà. Khi Tú sử dụng xe mô tô chạy vào TP.Quy Nhơn thì bị lực lượng CSGT công an TP.Quy Nhơn giữ xe vì không đội mũ bảo hiểm.
Tiếp đến, Tú bỏ chạy lên núi trốn. Lần theo dấu vết, hàng chục trinh sát hình sự đã bao vây ngọn núi. Rạng sáng ngày 29/1, Tú vừa đói vừa khát tìm đường xuống nhà dân xin ăn thì bị bắt.
Ngày 2/7/2013, TAND tỉnh Bình Định đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trần Tuấn Tú mức án tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản.
Theo tìm hiểu, Tú từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ, được rèn luyện bởi kỷ luật quân đội. Năm 2011, Tú xuất ngũ rồi tiếp tục về ở chung với bà ngoại cho đến ngày lên TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) làm gỗ thuê với tiền lương hơn 3 triệu đồng/tháng.
Tưởng Tú sẽ tu chí làm ăn để phụ giúp gia đình và đền ơn bà ngoại đã có công nuôi mình từ nhỏ nhưng chỉ được một thời gian, Tú nghỉ việc về quê, suốt ngày ăn chơi lêu lổng, chơi game, tụ tập cùng đám bạn xấu. Vì lười lao động nên Tú không có tiền, những lúc như thế Tú không dám xin bà ngoại mà âm thầm lên kế hoạch trộm cắp tài sản của chính người nuôi mình suốt bao nhiêu năm.
Những giấc mơ
Tôi còn nhớ, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, khi bị tuyên với mức án tử hình, được chủ tọa phiên tòa cho nói lời sau cùng, Tú vẫn xin HĐXX được nhận mức án cao nhất để tạ tội với bà ngoại.
Giờ gặp Tú, tôi hỏi: “Sao lúc đó Tú không xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt?”. Tú trả lời: “Tôi thấy tội lỗi mình tày đình quá, nhất là với người đã dành hết tình thương nuôi dưỡng mình trưởng thành. Tôi muốn được chết để sám hối với bà ngoại”.
Gương mặt ngăm đen của phạm nhân thường cúi gầm, tránh ánh mắt của người đối diện.
“Cho đến bây giờ, tôi không hiểu sao tôi lại làm thế. Lúc đó tôi đã nổi giận, như một con thú hóa điên. Tôi đã giết chết người bà yêu thương tôi nhất. Nhiều lần, khi mới bị bắt, tôi vẫn còn ý định tự tử”, Tú nói.
Phạm nhân Tú kể lại, những ngày mới vào tù, đêm nào cũng có những giấc mơ ám ảnh tâm trí. Tú ta hay mơ về bà, người đã nuôi nấng mình trưởng thành và chết thảm thương dưới bàn tay của chính mình.
“Tôi toàn mơ về những ngày tháng sống bên bà ngoại. Nhưng mơ là một chuyện. Còn khi tỉnh ra, tôi đang ở trong tù. Cái giá mà tôi phải trả cho cơn tức giận của mình là án tử. Nhưng nó chẳng là gì so với cái chết của bà ngoại tôi. Tôi ân hận vô cùng”, Tú tâm sự.
Nhớ lại trước đây, nhiều cán bộ trại giam cho biết, anh em quản giáo cũng “nhức mình” với Tú. Mọi phạm nhân sau khi bị tuyên mức án tử hình đều viết thư gửi Chủ tịch nước ân giảm hình phạt. Riêng với Tú, ít nhất Tú đã tự mình viết không dưới hai bức thư đề nghị sớm thi hành nhanh bản án để lương tâm được thanh thản.
Cán bộ quản giáo kể, lúc ấy, tâm trạng Tú diễn biến phức tạp. Một thời gian dài, cứ màn đêm buông xuống là Tú kêu gào đòi được chết, rồi lại nhớ đoạn nhạc nào hát đoạn ấy, làm náo loạn không gian của trại. Cán bộ quản giáo vừa rắn, vừa mềm mỏng phân tích, Tú mới chịu nghe, nhưng rồi lại tật cũ.
Gợi lại chuyện ấy, Tú nói: “Mục đích của tôi quậy là để trại cho kỷ luật, để bản án được thi hành càng sớm cho lương tâm đỡ dày vò mà thôi. Bây giờ nghĩ lại tôi thương cán bộ trại lắm. Mình đã làm cán bộ khổ nhưng cán bộ vẫn thương, vẫn động viên và đôi khi thực hiện những đòi hỏi quá đáng để vỗ về cho tôi khỏi quậy”.
Nói rồi, Tú nghẹn giọng: “Tôi nhớ có lần, trong ngày Tết, giám thị Sơn xuống chúc Tết, cho tôi 200 nghìn đồng và hỏi muốn ăn gì chú mua. Cứ tưởng chú ấy nói đùa nên tôi nói muốn ăn vịt tiềm. Sau đó, tôi được ăn vịt tiềm thật”.
Theo tìm hiểu, sau một thời gian bị tự giày vò mình, Tú viết đơn xin Chủ tịch nước tha tội chết. Ngày 12/11/2015, TAND tỉnh Bình Định công bố quyết định của Chủ tịch nước ân giảm từ án tử hình xuống chung thân cho phạm nhân Tú.
Trước khi tôi ra về, Tú nói lời như muốn nhắn nhủ: “Chỉ vì một phút nóng giận mà tôi đã gây nên tội ác tày đình. Tôi đã gây ra quá nhiều khổ lụy cho gia đình. Gia đình mình bị ly tán, hàng xóm ngó lơ, kinh tế suy sụp. Cái giá quá đắt. Vậy nên tôi có lời khuyên những thanh niên ngoài kia, đừng làm gì dại dột, chỉ một phút nông nổi mà đánh mất tất cả”. Hẳn bây giờ, Tú đã có động lực để sống và cải tạo. Đó cũng là cách để sám hối cho tội lỗi của mình.