Sau khi Ngân hàng Nhà nước nới tỷ giá, các ngân hàng kỳ vọng sẽ xóa được nạn giá chui. Tuy nhiên, giá bán USD thực tế tại một số nhà băng hôm nay vẫn tiếp tục vượt trần cho phép, lên 21.150 đồng.
Giá đôla Mỹ tại các ngân hàng thương mại chiều 14/2 được niêm yết bán chạm kịch trần 20.920 đồng, nhưng một số doanh nghiệp vẫn phải mua với giá thực tế cao hơn. Giám đốc một công ty sản xuất nhựa tại khu công nghiệp Tân Tạo, TP HCM cho biết, hôm đầu tiên điều chỉnh tỷ giá, công ty ông phải mua USD của nhà băng với giá 21.030 đồng (trần là 20.900 đồng).
Đến sáng hôm nay, mỗi USD đã lên 21.150 đồng. Khoản chênh lệch phát sinh, doanh nghiệp lại tiếp tục bị tính vào các loại phí.
|
Phó tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu tại Tân Bình (TP HCM) than thở, sau khi điều chỉnh, doanh nghiệp tưởng tránh được tình trạng hai tỷ giá trong ngân hàng, nhưng thực tế vẫn phải chịu chênh lệch 1-3%, không biết đưa vào sổ sách như thế nào.
Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho biết, trong sáng 14/2, một số nhà băng đã đẩy giá bán đôla lên 21.150 đồng. Ở các ngân hàng lớn, mức giá vẫn quanh 20.920 đồng. "Với những trường hợp có nhu cầu cá biệt và không có quan hệ thân thiết với ngân hàng thì cũng khó để mua được tỷ giá với mức quy định", ông này nói.
Vị chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về ngoại hối này cho rằng, yếu tố tích cực là khoản chênh lệch giữa 2 tỷ giá đã thấp hơn rất nhiều trước đây và không phổ biến ở mọi ngân hàng. Tuy nhiên, ông này nhận định, nếu cơ quan quản lý không sớm cho áp dụng các công cụ giao dịch linh hoạt hơn thì thị trường có thể phát sinh những biến tướng không thuận lợi.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá với tỷ lệ cao đột ngột 9,3% lần này, nếu muốn đạt hiệu quả cao trong việc điều tiết thị trường và xóa tình trạng hai tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước phải có trong tay một nguồn USD đủ lớn, kèm theo nhiều biện pháp đồng bộ khác. Nếu không, rất khó khăn để đạt được hiệu quả như mong muốn. Ông này nhấn mạnh, tình trạng hai tỷ giá trong ngân hàng là một thực trạng rất phản cảm và cần dẹp bỏ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Mở TP HCM chia sẻ, việc điều chỉnh tỷ giá lần này là điều cần thiết để ổn định tâm lý và kỳ vọng của người dân. Nhưng để đạt được hiệu quả cao, cần phải có biện pháp mạnh trong việc xóa bỏ thị trường chợ đen, hạn chế tối đa tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế... thì mới hy vọng giữ tỷ giá ổn định và không tiếp tục leo thang.
Đầu giờ chiều nay, giá bán USD ngoài thị trường tự do TP HCM tiếp tục nhảy vọt 20 đồng so với sáng, leo lên mức 21.730 đồng. Chiều thu gom cũng lên 21.620 đồng.
Tại các điểm thu đổi USD ở TP HCM, lượng khách hàng đến mua đã nhiều hơn trước. Chủ một tiệm vàng trên đường Lê Lợi cho biết, buổi sáng sức mua hơi yếu, nhưng vào đầu giờ chiều, khi giá USD tăng thêm vài chục đồng thì lượng người mua USD có dấu hiệu gia tăng.
Trái ngược với TP HCM, giá USD thị trường chợ đen Hà Nội đã quay đầu hạ nhiệt trong chiều nay. Lúc 13h, các điểm thu đổi cho biết, giá bán ra chỉ còn 21.680 đồng, giảm 30 đồng so với sáng. Giá thu gom cũng xuống dưới 21.600 đồng ăn một USD, lượng khách đến giao dịch thưa thớt. "Khách đến mua bán USD cũng không nhiều như ngày đầu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá", chủ một điểm thu đổi ngoại tệ tại Hà Nội cho biết.