Những tháng gần đây, vào giờ cao điểm, một số tuyến đường nội thành có lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông đông như Cầu Đất, Tô Hiệu, Lạch Tray, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Văn Linh...liên tục bị ùn tắc. Nhanh thì 10, 15 phút, lâu có khi đến cả giờ đồng hồ. Tình trạng tắc đường triền miên ngoài lý do về sự gia tăng của các phương tiện, đường hẹp... quan trọng vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông.
|
Cảnh ùn tắc giao thông trên phố Tô Hiệu vào giờ cao điểm Ảnh: Hoàng Phước |
Vượt đèn đỏ, phớt lờ cảnh sát giao thông
18 giờ ngày 20-10, phố Cầu Đất, đường huyết mạch nối giao thông khu vực trung tâm thành phố với các quận, huyện phía đông, xe máy, xe đạp, ô tô ken dày như mắc cửi. Đúng lúc tàu hỏa rời ga nên đường bị chắn, dòng người dồn lại. Một số người đi từ phố Lương Khánh Thiện sang phố Hai Bà Trưng, nhưng cũng không qua được do vướng một xe ô tô và một xe máy cố tình vượt đèn đỏ (dù dòng người dừng lại chờ tàu hỏa đi qua đã đến ngã tư Cầu Đất-Hai Bà Trưng). Thế là vì một chiếc xe ô tô, một chiếc xe máy mà hàng trăm người phải dừng tại phố Lương Khánh Thiện.
17 giờ 50 phút ngày 23-10, tại ngã tư An Dương, trong khi tất cả phương tiện lưu thông trên đường Tô Hiệu-Tôn Đức Thắng phải dừng lại chờ đèn xanh thì chiếc ô tô tập lái biển số 16K-482...của Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 2 dò dẫm đi từ phía đường Tô Hiệu sang đường Trần Nguyên Hãn. Hậu quả là dòng xe được phép đi khi đèn xanh bị chững lại, và khi đèn đỏ phía đường Trần Nguyên Hãn bật lên, chiếc ô tô kia vẫn chưa vượt khỏi ngã tư. Trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh, các khu vực ngã tư trước cổng nhà hàng Phú Gia, doanh nghiệp Phúc Tăng, đường rẽ về cầu Niệm, ô tô tải, xe công ten nơ vượt đèn đỏ là chuyện thường ngày. Tại những nút giao thông này, nhiều người không thể sang đường do dòng xe ngược xuôi cứ đấu đầu vào nhau hoặc phóng nhanh đến chóng mặt.
Cảnh vượt đèn đỏ có thể thấy ở bất cứ ngã tư nào không có cảnh sát giao thông thường trực, nhất là vào lúc nhập nhoạng tối. Thế nhưng, có những trường hợp tại điểm thường xuyên ùn tắc hoặc đèn tín hiệu giao thông không hoạt động có cảnh sát giao thông hướng dẫn song nhiều người vẫn cố tình vượt qua, gây cảnh hỗn loạn.
Lỗi vi phạm người bị phạt, người không
Thực tế là, cảnh sát giao thông chốt trực tại các ngã tư thường xử lý các trường hợp vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, rẽ không đúng nơi quy định, không đội mũ bảo hiểm... đối với những người đi xe máy, ô tô, nhưng lại dễ dàng bỏ qua các trường hợp xe thồ, xe đẩy, người gánh hàng rong, xích lô vi phạm. Vì vậy rất nhiều trường hợp, các loại xe trên vẫn "tự nhiên" vượt đèn đỏ, cản trở dòng người tham gia giao thông. Cảnh sát giao thông "thương" người đạp xích lô, đi xe thồ, xe đẩy hàng rong hay vì lý do gì mà không xử lý? Nhưng dù vì lý do gì, những người tham gia giao thông cũng khó chấp nhận khi chứng kiến cảnh đó. Bởi, luật pháp luôn công bằng với mọi người và mọi người đều phải chấp hành pháp luật. Việc vi phạm giao thông như trên có phần lỗi của người tham gia giao thông, nhưng việc xử lý không kiên quyết của cảnh sát giao thông cũng làm giảm lòng tin của nhiều người.
Để không ùn tắc, ý thức phải thông
Quan sát tại các tuyến đường, các điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông mới thấy ý thức của người tham gia giao thông hết sức quan trọng. Ví như tại điểm dừng chắn tàu hỏa trên đường Trần Nguyên Hãn, dù đoạn đường sát điểm chắn tàu phía ngã tư An Dương có dải phân cách cứng, nhưng các phương tiện dừng chờ vẫn tràn sang điểm phân làn đường. Khi tàu đi qua, nhân viên trực thu ba-ri-e, lập tức hai dòng người đấu đầu vào nhau, vì vậy mà không có lối thoát. Hay như tại chân cầu Niệm phía đường Trần Nguyên Hãn, giờ cao điểm, dòng người từ trên cầu đổ xuống đường quá đông, không nhường đường cho dòng người rẽ từ đường vòng lên cầu. Rất nhiều hôm cảnh sát giao thông phải ken dày hàng chục người tại đó mới điều khiển được giao thông, giải tỏa ùn tắc. Vượt đèn đỏ, không theo hướng dẫn của cảnh sát giao thông, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm....tập trung vào một bộ phận người dân, trong đó phần lớn là những người trẻ tuổi, thiếu ý thức, coi thường pháp luật, số ít người do kém hiểu biết.
Để giải quyết vấn nạn tắc đường điều quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông. Nếu mỗi người biết nhường nhịn một chút, không cố nhích lên, không vượt, đi sai làn đường thì đường dù đông cũng không bị ắch tắc. Và chừng nào, ý thức của người tham gia giao thông chưa được khơi thông thì bài toán tắc đường vẫn chưa có lời giải .
Huyền Chi