Tình yêu đồng tính và nước mắt trong bóng đêm

Những đám cưới rình rang của các đôi uyên ương đồng tính như cặp nam ở Hà Nội vào tháng 6/2011, đôi uyên ương nữ ở Cà Mau đầu năm nay khiến cho dư luận xôn xao, nhiều câu hỏi được đặt ra với hôn nhân đồng tính. Sâu trong những góc khuất của cuộc sống, không có đám cưới, không công khai nhưng có không ít cặp đôi cùng giới đã nên vợ nên chồng từ nhiều năm nay...

Những đám cưới rình rang của các đôi uyên ương đồng tính như cặp nam ở Hà Nội vào tháng 6/2011, đôi uyên ương nữ ở Cà Mau đầu năm nay khiến cho dư luận xôn xao, nhiều câu hỏi được đặt ra với hôn nhân đồng tính. Sâu trong những góc khuất của cuộc sống, không có đám cưới, không công khai nhưng có không ít cặp đôi cùng giới đã nên vợ nên chồng từ nhiều năm nay...

Lấy nhau vì tình?

Năm 2010, đám cưới đồng tính công khai đầu tiên của Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, với clip được tung lên mạng. QM và TN vốn là bạn cùng lớp thời học sinh, thời điểm cưới nhau, cả hai đang có một tương lai khá sáng sủa: “Nàng” đang theo học trường quốc tế Raffles còn “chàng” làm giám đốc dự án cho một công ty truyền thông. Họ chia sẻ là “đã suy nghĩ cân nhắc rõ và thấy không thể thiếu nhau”.

Cũng với lý do đó mà sau hai cặp đôi nam ở Hà Nội, hai cặp đôi nữ ở Cà Mau cũng tổ chức đám cưới rình rang, dù người thân phản ứng mạnh. Hai “vợ chồng” NVN và NTN ở Cà Mau vừa mới qua tuổi 20, đã gây áp lực dọa sống chết để hai bậc phụ huynh phải tặc lưỡi đồng ý đám cưới, vì “thà cho con nó sống vậy còn hơn là mất con”. Trước đó, giữa năm 2011, đám cưới đồng tính nam đầu tiên tại Việt Nam cũng đã diễn ra ở Hà Nội.

Có một đặc điểm chung của những cặp đôi tổ chức đám cưới đồng tính trên, đó là họ còn rất trẻ, và đều sống chết đòi đến với nhau, bất chấp dư luận vì cho rằng “không thể sống thiếu nhau”. Nhưng rất nhiều người cho rằng, liệu có thể tin những cô, cậu vừa qua tuổi học sinh ít lâu có thể đủ suy xét, cân nhắc cho một cuộc hôn nhân nghiêm túc?. Mẹ của NVN ở Cà Mau tâm sự, rằng trước đó con gái mình vẫn... là con gái, không có dấu hiệu bất thường, bỗng dưng vài tháng nay về đòi cưới cho bằng được cô bạn gái, nếu không thì chết.

HTH, quê Bình Thuận, hiện là hướng dẫn viên một công ty du lịch tại TPHCM. Cách đây hai năm, bạn bè cùng quê “ té ngửa” khi H thông báo sẽ kết hôn với một cô gái. “Chồng” H là Việt kiều Úc, quen nhau trong một chuyến du lịch xuyên Việt. Cả hai đã đi chụp hình cưới, cũng không ngại ngần post lên blog cá nhân. H khẳng định “đây mới là tình yêu đích thực, đến giờ mới nhận ra giới tính thật của mình”.

Bẵng đi hai năm, bạn bè lại thấy cô thông báo chuẩn bị kết hôn, mà chú rể là nam hẳn hoi. Giải thích cho chuyện cũ, H chỉ một câu ngắn gọn: “Cảm xúc thoáng qua, chỉ là chút nhầm lẫn, hồi đó mình trẻ quá, may mà kịp dừng lại”. Bạn bè không rõ H bị “rối giới tính”, hay bởi những vật chất mà “chồng hụt” đem đến cho cô.

Cũng không biết có bao nhiêu bạn trẻ như H, vì không bước qua được cái chông chênh nhất thời ấy mà bước vào những cuộc hôn nhân "cùng dấu"?.

Bóng tối của hôn nhân đồng tính?

Ở khu vực phường 25 Ung Văn Khiêm, Bình Thạnh TP. HCM có cửa hàng tạp hóa của chị TY và CT. Hai chị, không giống chị em, cũng không ra bạn bè, một chị trông khá “yểu điệu thục nữ”, chị còn lại nam tính với trang phục thường xuyên là quần jean, áo sơ mi nam thùng thình. Công việc cũng phân công rõ ràng, chị Y đứng bán hàng, tính tiền bạc, chị T thì chuyên lấy hàng, bốc dỡ hàng.

Ở lâu, nghe xưng hô quen người xung quanh mới biết, họ là một cặp “vợ chồng đồng giới”. Hàng xóm cũng không phàn nàn gì, vì họ tính tình dễ thương và sống chan hòa. Chỉ có điều, đôi lúc người xung quanh cũng hơi “dị” khi thấy họ anh anh em em với nhau rất ngọt, và chăm sóc nhau không khác bất cứ cặp vợ chồng nào.

Người dân bán vé số khu vực cầu Thị Nghè, nhiều người biết đến cặp vợ chồng hai “anh” VTH và TTNP. Hai anh đều dân Sóc Trăng, và cùng là “bóng kín”. Ai cũng tưởng họ là nam nhi “thứ thiệt”, thậm chí P còn được khá nhiều em gái thương thầm, cho đến khi P và T “nhận ra nhau”. Hai “vợ chồng” dắt díu nhau về trọ trong một căn phòng nhỏ xíu, xập xệ chừng 9m2. Thế mà, bạn bè kể, họ sống rất đầm ấm.

Tại TP. HCM, không ít cặp “vợ chồng” như thế, không làm thủ tục kết hôn, không đám cưới, không được xã hội công nhận, nhưng nhiều cặp vẫn gắn bó với nhau cả chục năm nay.

Nhưng, cái gì không thuận lẽ tự nhiên, chắc hẳn cũng không thể tồn tại một cách bình thường. Những cuộc hôn nhân đồng giới vì thế giấu bên trong nó rất nhiều nước mắt.

Chị T.Y., chủ cửa hàng tạp hoá nói trên đã tâm sự với người hàng xóm, đôi khi chị cảm thấy rất cô đơn. Qua tuổi 40, chị thèm có một đứa con để ẵm bồng, nương tựa lúc tuổi già. Hai vợ chồng chị có lên cả kế hoạch xin con nuôi, nhưng rồi nghĩ đến rắc rối về pháp lý, rồi chuyện sau này không biết giải thích làm sao cho con hiểu, sao cha mẹ lại cùng là phụ nữ, nên thôi.

Nỗi buồn cũng đến với chị, khi nhận thấy nhiều gia đình trong xóm không cho con cái tiếp xúc với “gia đình” chị. “Chồng” chị, CT thì nhiều năm nay không có mối liên hệ nào với người thân, cũng đang sống chung một thành phố. Từ khi quyết định công khai sống chung như vợ chồng với chị TY, gia đình đã tuyên bố từ chị.

Còn anh P quê Sóc Trăng, là một “bóng kín”, gia đình hoàn toàn không biết gì về giới tính thật của anh. Thế nên, mỗi khi về quê anh trở lại thành người đàn ông đàng hoàng. Khi có ai ở quê lên ghé qua, P phải vội vội vàng vàng xóa các “bằng chứng” về cuộc sống vợ chồng “trai”.

P tâm sự với bạn mình: “Ông già tui có mình tui là con trai, nếu biết sự thật chắc ổng chết. Nên tui cứ phải giấu vầy, chừng nào ổng nằm xuống thì mới dám sống đúng là mình. Ổng càm ràm hoài, gần 40 tuổi đầu rồi mà chưa có thằng con nối dõi. Thấy mình có lỗi lắm nhưng trời sinh ra ngược đời nên đành chịu”.

Trường hợp nói trên đều là những cặp “vợ chồng”, hiền lành, chung thủy với quyết định của mình. Không ít cặp khác đường ai nấy đi sau vài năm chung sống, rồi lại tìm được người mới, về góp gạo thổi cơm, rồi ghen, rồi đánh đập... đủ các cung bậc như đời sống vợ chồng thông thường. Nhưng, ngay cả những “người trong giới” cũng luôn cho rằng, tình cùng giới rất dữ dội nhưng cũng mau phai...

Và, ai dám chắc, hậu đám cưới đồng tính rình rang của những người trẻ “sống chết vì tình” kia không phải là những giọt nước mắt buồn, nuối tiếc hay tủi phận. Họ còn quá trẻ, không dễ dàng để có thể đối chọi với dư luận, sống trong sự xa lánh của bạn bè, người thân. Rồi còn nhiều điều tế nhị khác. Sẽ rất đau, nếu đó không phải tình yêu hay “phát hiện giới tính thật của mình”, mà chỉ là một phút lạc lòng, cộng với cái ngông tuổi trẻ...

Ngọc Mai

Đọc thêm