"Tình yêu trẻ là động lực lớn nhất đời tôi"

 Không có tâm hồn yêu trẻ, không tận tâm với nghề, có lẽ chị sẽ không gắn bó cuộc đời mình với các bệnh nhân nhí. Cảm nhận được qua nụ cười của chị, qua cách chị ân cần với các bé nơi đây, tôi thấy một sự gần gũi và giản dị lạ thường.
Không có tâm hồn yêu trẻ, không tận tâm với nghề, có lẽ chị sẽ không gắn bó cuộc đời mình với các bệnh nhân nhí. Cảm nhận được qua nụ cười của chị, qua cách chị ân cần với các bé nơi đây, tôi thấy một sự gần gũi và giản dị lạ thường.
Bác sĩ Nguyễn Băng Tâm đang chăm sóc một bệnh nhân bị bỏng

Chị đã bật khóc trong ca mổ

Chúng tôi gặp nữ bác sĩ Nguyễn Băng Tâm (Khoa chữa bỏng trẻ em, Viện bỏng Quốc gia) khi chị đang chuẩn bị khám cho một cháu nhỏ có hoàn cảnh rất khó khăn đang phải điều trị vì bỏng điện.

Ân cần và nhẹ nhàng, chị kiểm tra vết mổ cánh tay phải của cậu bé Lý Văn Tâm (quê Bắc Hà, Lào Cai) tại phòng điều trị số 415. Vì bỏng điện cao thế nên cậu bé mới hơn 10 tuổi này phải cưa mất một cánh tay phải, ngoài ra, hai chân cậu cũng bị thương và phải băng bó kín. Hỏi chuyện Tâm, chúng tôi được biết cậu giẫm phải một thanh sắt dính điện tại một công trường và hậu quả thương tâm là Tâm thoát khỏi tay tử thần nhưng cậu bị bỏng nặng. Bác sĩ Tâm khẽ nhấc tay phải cậu để kê thêm một chiếc gối nhỏ để cậu đỡ cảm giác bị co giật ở tay, đoạn chị hỏi chuyện cậu cảm thấy như thế nào, hôm nay đã ăn uống ra sao. Cậu bé từ tốn trả lời đã ổn hơn nhưng khuôn mặt cậu vẫn còn nhợt nhạt và bàn tay phải mới có cảm giác khẽ đưa lên như muốn chứng minh điều mình nói nhưng bất lực khiến mẹ cậu bé đứng gần đó như chực trào nước mắt vì thương con.

Khám xong một lượt các cháu trong phòng, bác sĩ Tâm mới có thời gian tiếp chuyện chúng tôi. Chị kể lại, cách đây không lâu, chị cũng gặp một trường hợp tương tự như cháu bé này là một cháu trai khác ở Hải Dương. Do đi thả diều, cậu bé ở Hải Dương đã bị điện cao thế giật nên phải cưa mất một tay. Rất nỗ lực cùng nhiều đồng nghiệp khác cố gắng níu giữ cánh tay còn lại nhưng ca mổ đêm hôm đó khiến chị cùng kíp mổ bật khóc vì không thể làm được mong muốn ấy. Cháu bé này tiếp tục phải cưa cánh tay còn lại để duy trì sự sống, đáng buồn hơn là bộ phận sinh dục tiếp tục bị tổn thương và bị hủy hoại.

Chị Tâm bùi ngùi: “Cháu bé có hoàn cảnh rất đáng thương, tuy giữ lại cháu từ tay tử thần nhưng tâm lý của cháu và nhất là cuộc sống sau này là điều mà tôi cùng nhiều bác sĩ khác rất băn khoăn, lo lắng. Vì hoàn cảnh gia đình cậu bé nhiều khó khăn, đông anh em lại kinh tế eo hẹp, tôi đã kêu gọi sự hỗ trợ từ đồng nghiệp giúp đỡ thêm cho cháu. Về đến nhà, tôi vẫn như bị ám ảnh bởi câu chuyện thương tâm của cháu nên nghĩ mình cần phải làm nhiều hơn như thế. Tôi đã viết thư cho một số tổ chức nước ngoài với mong muốn giúp cháu chữa trị bộ phận sinh dục đã bị hủy hoại để cháu có thể tiếp tục sống bình thường. Và điều bất ngờ đã đến. Mới đây, cháu bé được một bệnh viện ở Ý nhận mổ và nối lại bộ phận sinh dục. Nghe tin này, tôi mừng rơi nước mắt”.

Duyên với nghề bác sĩ nhi

Bác sĩ Nguyễn Băng Tâm sinh ra trong một gia đình trí thức truyền thống. Chị có cha là nhà văn Nguyễn Bản với tác phẩm “Bức tranh màu huyết thạch” gần đây rất nổi tiếng được bạn đọc cả nước đón nhận. Còn mẹ chị, một nữ bác sĩ công tác tại Khoa nhi của Bệnh viện Bắc Ninh, người có ảnh hưởng lớn đến con đường sự nghiệp của chị sau này.

Công tác tại Khoa Nhi gần 30 năm, mẹ chị thấu hiểu nỗi vất vả của mình nên khuyên chị có vào ngành bác sĩ hãy suy nghĩ kỹ, công việc ở Khoa nhi vất vả và phải tận tâm mới làm được. Chị bảo với chúng tôi, nghiệp bác sĩ đã chọn nhưng trở thành bác sĩ Khoa nhi là cái duyên của cuộc đời này. Bởi vậy, khi ngồi trên ghế trường Đại học Y khoa, chị được phân vào khoa Nhi, rồi ra làm việc lại công tác tại Khoa chữa bỏng trẻ em tại Viện bỏng Quốc gia. Thấm thoát mà đã gần 20 năm chị gắn bó với những thiên thần nhưng trên hết, lúc nào chị cũng mong các cháu vào đây sớm bình phục, không chỉ những vết bỏng mà còn bình phục cả tâm lý nữa.

Chăm sóc những bệnh nhân nhí, ngoài đòi hỏi về chuyên môn nghiệp vụ còn phải tận tình và khéo léo. Chị Tâm kể, các cháu bé rất sợ bị tiêm, lại nhạy cảm nên mỗi khi thấy có bóng người áo trắng đi vào là nhiều cháu khóc thét lên. Đặc biệt là lúc thay băng, nhiều cháu bị bỏng nặng phải làm phương thức gây mê để các cháu có thể “vô cảm” mới có thể tiến hành được.

Chứng kiến nhiều trường hợp bỏng toàn cơ thể trong khi cháu mới được vài tháng tuổi, bác sĩ Tâm trải lòng: “Các cháu còn hiếu động nhưng bố mẹ lại ít có thời gian trông nom con. Nhiều trường hợp vào đây là trẻ em nông thôn nhưng khi bị bỏng, các bậc phụ huynh thường sơ cứu rất sơ sài, thậm chí dùng nước mắm, tương hay trứng gà để chữa bỏng cho các cháu. Khi vào bệnh viện rồi tôi trao đổi lại với họ, cần đặt sự an toàn cho các cháu lên hàng đầu bằng cách đưa ngay các cháu đến cơ sở y tế gần nhất”.

Không chỉ dành thời gian chuyên môn tại Khoa chữa bỏng trẻ em, bác sĩ Tâm thi thoảng lại dành thời gian về tăng cường cho các bệnh viện tuyến dưới theo chủ trương 1816 của Bộ Y tế. Lần gần đây là chị về Thanh Hóa hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Nhi Thanh Hóa chăm sóc và điều trị cho hàng trăm cháu nhỏ. Bác sĩ Tâm kể, yêu trẻ đã ngấm vào máu của chị. Và nếu không yêu trẻ, chị bảo khó có thể làm được bác sĩ khoa nhi.

Có những ca trực mà tiếng trẻ khóc khiến chị thức giấc. Vội vàng khoác chiếc áo ngoài, chị lao ngay đi vì chăm sóc trẻ lúc nào cũng phải thường trực, hơn nữa các cháu lại đang bị đau nên sự bất thường lại càng lớn hơn thế. “Tôi cũng là mẹ, nhìn cảnh các cháu đau đớn vì vết bỏng, nhìn khuôn mặt lo lắng của mẹ các bé, tôi lại càng nghĩ mình phải làm tốt hơn những lần khác. Và được nhìn thấy một nụ cười của các cháu thôi, tôi cũng cảm nhận được thêm trong bản thân mình một niềm vui nho nhỏ và thấy yêu nghề hơn”.

Nói về chị, Chủ nhiệm Khoa chữa bỏng trẻ em, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ: “Bác sĩ Tâm xuất thân từ người con gái quan họ. Sự dịu dàng có lẽ được kế thừa từ đấy mà chị gắn bó hơn với công việc đang làm. Không chỉ là một bác sĩ có trách nhiệm, lãnh đạo đơn vị rất tin tưởng mỗi khi giao việc cho chị. Điều mà tôi hài lòng nhất ở cấp dưới của mình là sự tận tâm với nghề. Đây là yếu tố rất quan trọng để tiếp xúc và chăm sóc cho các cháu nơi đây”.

Kỳ Anh

Đọc thêm