Giống như bài thơ đem chuyển thành văn xuôi hay khi ta phải đọc nốt cuốn tiểu thuyết mà nhân vật ta yêu thích đã chết. Lẽ nào hai con người từng say đắm nhau, ngày đêm mơ ước được bên nhau khi chung sống dưới một mái nhà, tình yêu lại chết?
Phải chăng, trong thời hiện đại, khi ý thức cá nhân ngày một mạnh mẽ, niềm tin vào hạnh phúc vợ chồng sẽ suy giảm? Các thống kê cho thấy, chưa bao giờ tỷ lệ ly hôn cao như hiện nay.
Chẳng phải không có lý do khiến họ hoang mang. Có người vì thời thơ ấu đã phải chứng kiến cảnh bà mẹ khắc nghiệt ức hiếp cha. Họ không muốn đến mình phải hứng chịu những gì cha từng chịu. Cũng có người đã phải chứng kiến cảnh đổ vỡ hôn nhân của cha mẹ với bao nhiêu cãi vã, xung đột, thậm chí chửi bới, đánh đập nhau. Lại có người đã từng thấy cảnh “ông ăn chả, bà ăn nem” của cha mẹ và không muốn chính mình cũng trở thành kẻ “ăn ở hai lòng” như thế.
|
Các nhà khoa học cho rằng, có hai nguyên nhân khiến tình yêu say đắm không thể tồn tại mãi trong đời sống vợ chồng:
Một là, trạng thái yêu đương say đắm là một trạng thái tâm sinh lý khác thường, vì vậy nó không thể tồn tại lâu. Nếu sau khi kết hôn, người chồng vẫn đêm nhớ ngày mong, săn sóc chiều chuộng vợ như thuở mới yêu và đôi môi vợ cũng luôn run rẩy như nụ hôn đầu, thì đó là điều... không tưởng.
Hai là, trong trạng thái yêu đương, người con trai và người con gái đều đổi khác. Kẻ keo kiệt có thể trở nên hào phóng. Kẻ khát khao danh vọng, tiền tài có thể vứt bỏ tất cả, nếu người yêu muốn thế. Nhiều cô gái hiến thân cho những tên vô lại với niềm tin sẽ cải tạo được hắn. Thật là hoang đường! Tình yêu có sức mạnh biến đổi lớn lao, nhưng chỉ trong mức độ nào đó.
Bản chất vốn có trong con người có thể yếu đi trong trạng thái yêu đương, nhường chỗ cho lòng vị tha, sẵn sàng làm vừa lòng người yêu. Nhưng khi thành vợ chồng, mối quan hệ giữa hai người đã trở lại trạng thái bình ổn thì bản ngã con người lại sống dậy và bộc lộ mạnh mẽ. Các thói hư tật xấu vốn có sẽ xuất hiện, làm cho tình yêu suy giảm.
Thế là một bên tưởng vợ hay chồng mình thay tính đổi nết và cảm giác mình bị lừa dối, phản bội. Những cặp vợ chồng ly hôn ngay trong những năm đầu phần lớn rơi vào trường hợp này.
Trong năm đầu tiên chung sống, không mấy đôi vợ chồng trẻ hợp nhau, điều đó không có gì lạ. Phải có thời gian và lòng khoan dung, độ lượng, họ mới giúp nhau hoàn thiện mình để dần dần đi tới hợp nhau. Họ sẽ có những hứng thú, quan điểm, thói quen gần như nhau, sẽ có những nguyên tắc ứng xử giống nhau và mối quan hệ tốt đẹp dần lên. Trên mảnh đất đó, tình yêu vợ chồng nảy nở.
Như vậy, tình yêu say đắm có thể đến do một sự tình cờ, nhưng tình yêu trong hôn nhân không phải ngẫu nhiên mà có. Ngôi nhà hạnh phúc phải bỏ nhiều công sức mới xây dựng nên. Thật chí lý khi ai đó nói: Kết hôn chẳng khó, cái khó là làm sao có được hạnh phúc trong hôn nhân. Không ít cuộc hôn nhân tuy không đổ vỡ, vẫn sinh con đẻ cái, vẫn sống bên nhau đến lúc bạc đầu, nhưng những cặp vợ chồng thực sự yêu nhau, cảm thấy bạn đời là người không thể thay thế, không nhiều lắm.
Chúng ta đều muốn nuôi dưỡng tình yêu trong đời sống vợ chồng. Nhưng ta thường không nhận thức một điều quan trọng: Tình yêu trước hôn nhân đầy vô tư, nhiều khi chẳng có trách nhiệm và tình yêu vợ chồng nặng gánh trách nhiệm với nhau - hai thứ tình yêu ấy không phải là một. Chúng là hai chị em, nhưng cũng như hai chị em, chúng vừa giống nhau lại vừa khác nhau.
Chính vì vậy, sau khi kết hôn, không phải tất cả những người trẻ tuổi đều trải qua giai đoạn chuyển đổi tình cảm sục sôi cháy bỏng thành tình yêu vợ chồng một cách êm đềm, thanh thản. Bởi vì đó là thứ tình yêu sâu sắc hơn, mạnh mẽ và đa diện hơn nhiều so với tình yêu mê đắm thuở ban đầu. Nó không phải là thứ tình yêu “loại 2”. Nó cũng đáng được các nhà thơ, nhà văn ca ngợi từ đời này sang đời khác.
Theo Phụ Nữ