Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất các phương án tăng giá than năm 2011 cho 4 hộ tiêu thụ lớn trong nước là điện, ximăng, phân bón và giấy theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Tài chính.
Theo đó, bắt đầu từ năm sau, cơ chế giá than bán cho các hộ này sẽ tiệm cận giá thị trường, tương đương với các mức giá than xuất khẩu.
Giá than được đề xuất tăng từ 1.1.2011 sẽ giúp TKV có vốn tái đầu tư. Ảnh: T.N.Duy |
Chấm dứt bán than dưới giá thành
Theo TKV, trong các năm từ 2008 - 2010, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về kiềm chế tác động tăng giá đến các ngành sản xuất thiết yếu bao gồm điện, phân bón, sản xuất ximăng, giấy, TKV đã xây dựng giá bán than vào các hộ này ở mức dưới giá thành sản xuất. Tuy nhiên, từ 1.1.2010, do giá xuất khẩu tăng và tỉ giá ngoại tệ tăng, nên than bán cho các hộ tiêu thụ trong nước (trừ điện) tính đúng ra hiện chỉ bằng khoảng 60% giá XK than có cùng chất lượng. Ông Vũ Mạnh Hùng - Phó TGĐ TKV - cho biết, nếu so với thời điểm cuối năm 2009, giá than XK cùng chủng loại trong nước đã tăng cao tới gần 2 triệu đồng/tấn, nhưng hiện các loại than tốt dùng để tiêu thụ cho ximăng, giấy và phân bón vẫn ở mức từ 1,1 - 1,5 triệu đồng/tấn. Vì vậy, việc điều chỉnh giá than bán vào các hộ này là cần thiết để ngành than có vốn tái đầu tư.
Đối với than bán cho hộ điện, theo ông Hùng, sau khi điều chỉnh giá từ 1.3.2010 đến nay, giá than cho điện chỉ bằng từ 54 - 59% giá bán cho các hộ khác trong nước và mới bằng 35 - 40% giá XK than cùng chủng loại. Nếu căn cứ vào giá thành sản xuất than năm 2010, thì nếu tiếp tục duy trì giá bán than cho điện như hiện nay, ngành than tiếp tục bị âm vốn tới 27 - 33% giá thành sản xuất. Do khai thác than ngày càng xuống sâu, hệ số bóc đất đá lộ thiên và cung độ vận chuyển đất đá cao hơn khiến năm 2010, TKV có các chi phí đầu vào tăng cao hơn so với năm 2009. Ngoài ra, các loại vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất than cũng tăng cao như thép chống lò, săm lốp ôtô, nhiên liệu, lãi vay, tiền lương cho thợ lò... khiến giá thành than tăng tới 111,2% so với năm 2009 (khoảng 803.000đ/tấn).
Dự báo đến năm 2015 TKV phải nhập khẩu 10 triệu tấn than. Ảnh T. N. Duy |
Năm 2015, nhập khẩu 10 triệu tấn than
Trước yêu cầu ngày càng tăng cao của giá thành hòn than, TKV cũng dự báo đến năm 2015, tổng nhu cầu than sạch cần khoảng 60 - 65 triệu tấn, trong đó, khả năng cân đối sản xuất của TKV chỉ khoảng 55 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn. Trong khi đó, suất đầu tư ngày càng tăng. Hiện nay, để tăng sản lượng 1 triệu tấn than thì cần phải đầu tư khoảng 120 - 150 triệu USD. Đến năm 2015, phải tăng thêm khoảng 20 triệu tấn than hầm lò, thì phải cần tới 3 tỉ USD. Với sản lượng tổng cộng 55 triệu tấn than sạch, thì riêng khấu hao và lãi vay sẽ tăng thêm khoảng 11.400 tỉ đồng/năm (tỉ giá 19.000đ/USD), như vậy, bình quân đã tăng khoảng 200.000đ/tấn than. Tổng cộng các yếu tố đầu vào khác sẽ dẫn đến giá thành than bị đội lên khoảng từ 1,35 - 1,4 triệu đồng/tấn (giá thành năm 2015). Mức giá này so với than nhập khẩu cùng chủng loại khoảng 115 USD/tấn, tương đương 2,24 triệu đồng/tấn, thì vẫn có lợi hơn vì mới bằng 62 - 65% giá nhập khẩu.
Chính vì những điều kiện này nên việc sớm thị trường hoá than cho điện để có nguồn đầu tư phát triển các dự án than trong nước phục vụ cho sản xuất điện sẽ là giải pháp tối ưu nhất hiện nay. Bộ Công Thương cũng cho biết, điều này sẽ có ý nghĩa chiến lược quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bởi nếu không thực hiện việc điều chỉnh giá than từ bây giờ, bài toán thiếu than, phải nhập khẩu sẽ dẫn đến giá thành sản xuất của nhiều ngành sử dụng than bị đội lên, ảnh hưởng không nhỏ đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế.
Lộ trình điều chỉnh giá than do TKV đề xuất - Đối với than cho sản xuất điện: - Bước 1: Từ đầu năm 2011 điều chỉnh giá bán than cho điện ít nhất đảm bảo bù đắp được chi phí sản xuất than theo nguyên tắc bằng giá thành năm 2010. - Bước 2: Điều chỉnh giá bán than cho điện theo cơ chế giá thị trường bằng giá bán vào các hộ ở thị trường trong nước từ quý IV/2011. |
Nguồn Lao Động Online