|
13 năm Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, ngành Tổ chức Nhà nước thành phố đã không ngừng lớn mạnh. Ngành đã tham mưu cho thành phố triển khai nhiều chủ trương đột phá, góp phần xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính và hoàn thành nhiều mặt công tác khác đáp ứng được yêu cầu phát triển thành phố. Nhân ngày truyền thống của ngành, ông Đặng Công Ngữ (ảnh), Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ có cuộc trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng về nội dung trên. Ông Ngữ cho biết:
- Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ và yêu cầu xây dựng một nền hành chính hoạt động có hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn xây dựng và phát triển thành phố, ngành Nội vụ luôn cố gắng, nỗ lực trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ, cải cách hành chính mang lại hiệu quả trong thực tế; trong đó có các chủ trương mang tính đột phá, sáng tạo trong ngành.
Đầu tiên phải kể đến chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được triển khai từ năm 2000, qua từng giai đoạn có sự điều chỉnh phù hợp. Tính đến nay, thành phố đã tiếp nhận và bố trí việc làm cho 727 người, trong đó có 1 Phó Giáo sư - tiến sĩ, 7 tiến sĩ, 111 thạc sĩ. Phần lớn số cán bộ được tiếp nhận theo chính sách thu hút đã phát huy tác dụng tốt, tham gia công tác có hiệu quả trên các lĩnh vực; kể cả số sinh viên được tiếp nhận đưa về công tác tại phường, xã cũng đã đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.
Thứ hai là việc thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. Đây là chủ trương thể hiện những quan điểm đổi mới của thành phố Đà Nẵng trong công tác cán bộ. Toàn thành phố đã tổ chức thi tuyển 53 chức danh lãnh đạo tại các đơn vị hành chính và sự nghiệp. Kết quả cho thấy bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý qua thi tuyển đã tạo điều kiện để những người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt, nhất là công chức, viên chức trẻ, có trình độ, năng lực có cơ hội tham gia vào công tác quản lý, điều hành tại các ngành, các địa phương và cũng là một giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực.
Về công tác đào tạo cán bộ, thành phố cũng đã có cách làm riêng, Sở Nội vụ cũng đã góp phần tham mưu và tổ chức thực hiện các chủ trương như Đề án 47 (chọn lọc, đào tạo từ học sinh THPT), Đề án 393 (đào tạo sau đại học)… Chính từ các nguồn đào tạo này đã góp phần nâng cao đáng kể chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ của thành phố. Ngoài ra, Sở cũng đã tham mưu đề xuất nhiều chủ trương, chính sách đối với các đối tượng công tác tại các phường, xã.
|
||
Tổ “một cửa” phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Ảnh: Mỹ Hạnh |
Về cải cách hành chính, đã tập trung làm tốt cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; thực hiện các giải pháp về giám sát, điều hành, xây dựng kỷ cương lề lối làm việc, chấn chỉnh và xây dựng tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước. Thành phố đã ban hành và thực hiện tương đối đồng bộ, hiệu quả Quy định về đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính hằng năm đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố; quy định về việc trưng cầu ý kiến hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ hành chính công. Đây là những cách làm mới, có tác động rất tích cực, nhất là trong việc thi đua, phấn đấu, phát huy động lực của các đơn vị trong việc cải thiện năng lực quản lý điều hành và nâng cao chất lượng phục vụ công dân, tổ chức.
* P.V:
Theo ông, yêu cầu mới đang đặt ra cho bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và công tác cải cách hành chính của thành phố là gì?
- Ông Đặng Công Ngữ: Để đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới, yêu cầu đặt ra cho ngành là tham mưu xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiện đại và dân chủ, từng bước hình thành bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng chính quyền đô thị, tập trung và chuyên môn hóa một số lĩnh vực về hoạt động quản lý đô thị. Tăng cường phân cấp quản lý hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; chuyển dần xã hội hóa một số hoạt động sự nghiệp để các thành phần kinh tế khác tham gia. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về công tác cán bộ để xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức, phẩm chất chính trị, đồng thời có kỹ năng chuyên nghiệp, phong cách làm việc hiện đại.
Về công tác cải cách hành chính, tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ hành chính công. Nghiên cứu ứng dụng các mô hình quản lý tiên tiến vào công tác quản lý hành chính Nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, từng bước xây dựng mô hình văn phòng điện tử, chính quyền điện tử hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại.
* P.V: Từ những yêu cầu này, vấn đề đặt ra cho việc phát huy vai trò tham mưu của ngành Tổ chức Nhà nước thành phố như thế nào?
- Ông Đặng Công Ngữ: Trước hết phải nói rằng để thực hiện được các mục tiêu, yêu cầu trong tình hình mới rất cần sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành từ lãnh đạo thành phố đến đơn vị cơ sở, sự tuân thủ và phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp đối với các chủ trương, chính sách được ban hành. Riêng ngành Nội vụ phải đóng vai trò tích cực hơn trong công tác tham mưu lãnh đạo thành phố cũng như triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành như chính sách, công tác cán bộ, công tác tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền cơ sở, cải cách hành chính…
Không dừng lại ở kết quả hiện nay, ngành Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tiễn thành phố, thực hiện đúng quy định của pháp luật đồng thời phù hợp với yêu cầu phát triển thành phố trong công tác tham mưu về chủ trương, chính sách. Tranh thủ sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố, ngành bám sát yêu cầu, mục tiêu, vừa vận dụng kinh nghiệm, vừa nghiên cứu, sáng tạo tìm phương thức mới, cách làm mới nhằm đạt hiệu quả cao nhất trên mỗi lĩnh vực.
- Tham mưu thể chế hóa các chủ trương, chính sách quan trọng, mang tính đột phá lâu nay đã thực hiện thí điểm, đồng thời không ngừng nghiên cứu, đề xuất thêm một số chính sách mới, nhằm phát huy tối đa nội lực của thành phố.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực thuộc ngành, trong đó chú ý đến việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; làm tốt công tác hậu kiểm, không để phát sinh thêm các thủ tục hành chính sai quy định.
Công tác ngành Nội vụ nói chung và công tác tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức và công tác cải cách hành chính nói riêng, là vừa đáp ứng được trong thời điểm hiện tại, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong tương lai, hòa vào định hướng phát triển của đất nước.
Về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, như Bác Hồ đã từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”. Phải xác định đây là nhiệm vụ then chốt trong việc nghiên cứu cơ chế, mô hình phù hợp để chuyển đổi hệ thống công vụ từ chức nghiệp sang hệ thống công vụ theo chức danh, vị trí việc làm; chuyển đổi từ quản lý theo quy trình, thời gian sang quản lý theo kết quả, hiệu quả đầu ra. Đồng thời, thiết kế lại tiêu chuẩn chức danh theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, làm cơ sở cho tuyển dụng, bố trí, trả lương theo thực tài và kết quả công việc; đổi mới cơ chế quản lý, nội dung chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Tiền lương của CBCCVC phải được cải cách đáng kể, tạo động lực làm việc và bảo đảm cuộc sống. Bên cạnh các cơ chế đãi ngộ, thu hút nhân lực chất lượng cao, kỷ luật, kỷ cương hành chính phải được nâng cao.
Tích cực tạo nguồn cán bộ kế thừa và chuyển tiếp, tạo sự chuyển biến đột phá trong bố trí và sử dụng cán bộ trẻ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh nhân tài; mở rộng cơ chế thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện cơ chế cho thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trước thời hạn. Đặc biệt các lĩnh vực liên quan thường xuyên và thiết yếu đến đời sống của người dân và doanh nghiệp, theo hướng: đơn giản và thuận tiện về phía người dân, đồng thời nâng cao trách nhiệm chủ động quản lý của chính quyền; cải thiện văn hóa phục vụ, giao tiếp của công chức trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính. Những dịch vụ hành chính mà Nhà nước không cần thiết hoặc có thể có các biện pháp quản lý gián tiếp thì nên chuyển giao cho các thành phần ngoài khu vực công đảm nhận.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Sơn Trung (Thực hiện)