Tòa án Phú Quốc, Kiên Giang tuyên ngược điều luật?

Một vụ tranh chấp dân sự được TAND huyện Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang xét xử. Tuy nhiên, với dấu hiệu không khách quan cùng chuyện tòa án tuyên ngược điều luật khiến đương sự và dư luận bức xúc…

Một vụ tranh chấp dân sự được TAND huyện Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang xét xử. Tuy nhiên, với dấu hiệu không khách quan cùng chuyện tòa án tuyên ngược điều luật khiến đương sự và dư luận bức xúc…

Bà Tư trước căn nhà trên phần đất tranh chấp

Theo đơn khởi kiện của bà Đinh Thị Tư (Phú Quốc, Kiên Giang), căn cứ Trích lục địa bộ ngày 27/9/1960, cố nội bà là cụ Giảng Văn Sành đứng tên chủ quyền 1.878m2 đất, thửa 160 (sổ địa bộ mới là 163, đường Bạch Đằng, tổ 3, khu phố 2, Thị trấn Dương Đông, Phú Quốc); Được ông Sành để lại, bà Giảng Thị Nghĩa (mẹ bà Tư) đã cho bà Tư và bà Tư cho bà Nguyễn Thị Hiền cất nhà ở nhờ trên 29,4m2/1.878m2 đất. Nay bà Tư đòi đất, bà Hiền đồng ý trả nhưng yêu cầu bà Tư mua lại căn nhà.

Toà án thụ lý, bà Nguyễn Thị Thu Vân (con bà Hồ Thị Hảo) được Toà mời tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vì bà Vân có đơn cho rằng 29,4m2 đất bà Hiền cất nhà ở là của cha mẹ bà nhận chuyển nhượng của ông Sành từ năm 1935.

Án Sơ thẩm số 33/2009 ngày 21/7/2009, TAND huyện Phú Quốc công nhận 29,4m2 đất thuộc sở hữu của bà Vân; bà Vân trả cho bà Tư 5.388.000 đồng giá trị căn nhà (số tiền này bà Tư đã trả cho bà Hiền). Bà Tư kháng án, Án Dân sự phúc thẩm số 320/2009 (17/12/2009), TAND tỉnh Kiên Giang đã y án sơ thẩm.

Liên quan đến hai bản án, đã xuất hiện dấu hiệu chưa ổn. Tại toà, bà Tư cung cấp chứng cứ khởi kiện là ông Sành đứng tên chủ quyền 1.878m2 đất vào năm 1960; bà Vân cung cấp chứng cứ “Trích lục địa bộ” phần đất 810 m2 thuộc thửa 646 (sổ địa bộ mới) do ông Hồ Văn Của đứng tên chủ quyền ngày 30/8/1935, nguồn gốc mua của ông Sành; Và các đương sự xác định phần đất tranh chấp Toà đang giải quyết là 29,4m2 thuộc 1.878 m2 đất do ông Sành đứng tên.

Điều này chứng tỏ 810 m2 đất không thuộc 1.878m2 do ông Sành đứng tên năm 1960. Do đó, bà Vân không có cơ sở để tranh chấp phần đất liên quan đến 1.878m2. Nhưng không hiểu sao, Toà án vẫn mời bà Vân tham dự với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.  

Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, quy định: “1.1. Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản”.

Quy định trên áp dụng những trường hợp coi quyền sử dụng đất là di sản, khi có phát sinh thừa kế từ thời điểm Luật Đất đai năm 1987 có hiệu lực; Vì Luật đất đai quy định quyền sử dụng đất là tài sản. Ông Sành chết năm 1935, lúc đó chưa có Luật Đất đai, không có quy định của pháp luật về quyền sử dụng đất. Nhưng Toà nêu lý do ông Sành chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để không coi phần đất của ông Sành để lại là di sản là không có cơ sở.

Tại án sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên xử: “Công nhận diện tích đất tranh chấp giữa bà Tư với bà  Vân thuộc quyền sở hữu của bà Vân là 29,4m2”; trong khi Điều 1, Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”. Không lẽ Tòa lại quên luật?

Từ những bất cập trên đây, thiết nghĩ TANDTC và VKSNDTC cần sớm xem xét lại để đảm bảo công bằng cho người dân, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

P.V.

Đọc thêm