Tòa án quận Tây Hồ, Hà Nội xử án như... đùa!

 Một mực bảo vệ nguyên đơn, TAND quận Tây Hồ “ép” doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại một cách trái pháp luật...
Một mực bảo vệ nguyên đơn, TAND quận Tây Hồ “ép” doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại một cách trái pháp luật.

Bị đơn bất đắc dĩ

Ngày 23/9/2011, vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” được TAND quận Tây Hồ đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2, sau khi bản án sơ thẩm lần 1 bị TAND TP. Hà Nội tuyên hủy trả hồ sơ xử lại do mắc quá nhiều lỗi tố tụng.

Vụ án liên quan đến lô đất số 32 và số 33 khu D-B1 Vườn Đào, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ với diện tích 431m¬2 mà Cty Hồng Lan trúng thầu theo Quyết định 676 ngày 9/2/2004 của UBND TP Hà Nội. Trong khi chờ được cấp sổ đỏ, Cty này đã chuyển nhượng quyền sử dụng 2 lô đất nói trên với giá 12,1 tỷ đồng cho ông Trần Văn Thơm, trú tại phường Thanh Nhàn, Hà Nội.

Khu đất tranh chấp bị bỏ hoang

Vì kẹt tiền thanh toán cho Cty Hồng Lan theo cam kết, ông Thơm “bí mật” ký một hợp đồng khác chuyển nhượng 2 lô đất trên cho bà Lưu Thị Hoàng Anh với giá 13 tỷ đồng để “xoay” tiền trả cho Cty Hồng Lan và hưởng “hoa hồng”. Nhưng sau đó, ông Thơm không thực hiện đúng thời hạn, Cty Hồng Lan đã hủy hợp đồng chuyển nhượng.

Do không lấy được đất, ngày 12/11/2008, bà Hoàng Anh khởi kiện yêu được thực hiện tiếp hợp đồng và TAND quận Tây Hồ đưa vụ án ra xét xử. Mặc dù không có quan hệ hợp đồng với bà Hoàng Anh nhưng Cty Hồng Lan lại phải theo vụ kiện bất đắc dĩ này với tư cách bị đơn.

Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ?

Lần xử sơ thẩm thứ 2 tưởng chừng những vi phạm trước đó sẽ được khắc phục và sẽ được xét xử khách quan, nhưng ngược lại HĐXX đã đưa ra quyết định rất vô lý là tuyên hủy 2 hợp đồng chuyển nhượng đất giữa Cty Hồng Lan với ông Thơm và Hợp đồng giữa ông Thơm với bà Hoàng Anh; đồng thời bắt Cty Hồng Lan bồi thường 121,6 tỷ đồng cho bà Hoàng Anh khiến Cty này “choáng váng”.

Tại bản án sơ thẩm lần 2, Tòa án đưa ra những lập luận rất mơ hồ như: Trong vụ án này hợp đồng chuyển nhượng giữa Cty Hồng Lan và ông Thơm và hợp đồng giữa ông Thơm và bà Hoàng Anh thực chất là một, với lý do bà Hoàng Anh có giao dịch tài chính với Cty Hồng Lan. Từ đó, Tòa suy luận Cty Hồng Lan biết việc chuyển nhượng giữa bà và ông Thơm. Từ những cơ sở này, tòa sơ thẩm nhận định lỗi thuộc về Cty Hồng Lan.

Luật sư Bùi Sinh Quyền, Văn Phòng Luật sư Phúc Thọ, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trong vụ này, Cty Hồng Lan không ký hợp đồng và không có bất cứ cam kết gì với bà Anh thì bà Hoàng Anh cũng như TAND quận Tây Hồ không thể lập luận là “2 hợp đồng là 1”, rồi  căn cứ vào đó để buộc Cty Hồng Lan chịu trách nhiệm chính tiếp tục thực hiện những cam kết và bồi thường hợp đồng mà bà đã ký với người khác.

Qua hồ sơ vụ án cho thấy, hợp đồng ông Thơm ký với bà Hoàng Anh là ký chui, không có sự đồng ý của Cty Hồng Lan. Tất cả những hợp đồng, phiếu thu, thông báo… của cty liên quan đến 2 lô đất thực tế đều được công ty giao dịch duy nhất với ông Thơm. Đúng ra trong vụ án này, Cty Hồng Lan chỉ là người có quyền lơi, nghĩa vụ liên quan và không có có trách nhiệm phải bồi thường cho bà Hoàng Anh nhưng Tòa đã đặt Cty vào chỗ của ông Thơm để Cty phải gánh trách nhiệm cho việc mà họ không làm. Phi Hùng

Phán quyết của TAND quận Tây Hồ không chỉ khiến Cty Hồng Lan mà nhiều luật sư cũng thấy choáng vì cách xác định vai trò tố tụng cũng như trách nhiệm của các đương sự mà tòa đã được hiện. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tú để bạn đọc rõ hơn về các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Thưa Luật sư, việc Tòa xác định Cty Hồng Lan là bị đơn trong vụ án này có đúng pháp luật không, thưa ông?

- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, bị đơn là tổ chức, cá nhân bị nguyên đơn kiện. Nếu đơn kiện của nguyên đơn xác định Cty Hồng Lan là bị đơn thì việc Tòa xác định tư cách tố tụng như vậy là phù hợp.Tuy nhiên, đúng ra là phải xác định ông Thơm là bị đơn vì hai cá nhân này có quan hệ hợp đồng với nhau.

Việc xác định tư cách tố tụng như trên có ảnh hưởng gì đến phán quyết của Tòa không, thưa ông?

- Sẽ không có ảnh hưởng nếu như Tòa đưa cả ông Thơm vào tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.  Vì vậy, việc đưa ông Thơm vào tham gia tố tụng là đủ. Khi phán quyết, Tòa xác định lỗi để quy kết trách nhiệm cho đương sự.

Thực tế nhiều vụ án thì người có quyền và nghĩa vụ liên quan mới là người phải thực hiện nghĩa vụ chứ không phải là bị đơn. Vì thế, việc xác định sai tư cách tố tụng trong vụ án này cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng lắm, chỉ có phán quyết của Tòa mới là vấn đề cần phải xem xét lại.

Theo ông, bản án sơ thẩm tuyên như vậy có đúng không?

- Hợp đồng giữa ông Thơm ký với bà Hoàng Anh là vô hiệu cả về nội dung và hình thức. Hai bên tham gia hợp đồng phải chịu trách nhiệm đối với việc hợp đồng bị vô hiệu. Theo nguyên tắc chung, bên có lỗi phải bồi thường và nếu cả hai cùng có lỗi thì chia đôi thiệt hại.

Cty Hồng Lan là đơn vị có tài sản bán cho ông Thơm nhưng chưa hoàn tất hợp đồng. Hợp đồng này không có tranh chấp nên việc hủy hợp đồng này là không hợp lý. Buộc Cty phải bồi thường cho bà Hoàng Anh thì càng bất hợp lý vì Tòa đã buộc phán nhân này phải bồi thường do việc làm sai của cá nhân khác.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh (thực hiện)

Đọc thêm