Tòa án "lấn sân" sang quyền quản lý nhà nước về báo chí?

Theo quy định của Luật Báo chí và các văn bản luật liên quan, khi báo chí đưa tin sai sự thật, trách nhiệm và thẩm quyền xử lý thuộc về thanh tra chuyên ngành Văn hóa - Thông tin hoặc một số cơ quan chuyên môn khác của Bộ Thông tin và Truyền thông.

[links()]Theo quy định của Luật Báo chí và các văn bản luật liên quan, khi báo chí đưa tin sai sự thật, trách nhiệm và thẩm quyền xử lý thuộc về thanh tra chuyên ngành Văn hóa - Thông tin hoặc một số cơ quan chuyên môn khác của Bộ Thông tin và Truyền thông.

b
Các nhà báo đang tác nghiệp

“Lấn sân” sang thẩm quyền quản lý nhà nước

Về thẩm quyền xử lý việc báo chí đưa tin sai sự thật, Điều 11 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP nêu rõ: Thanh tra chuyên ngành Văn hóa - Thông tin thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về báo chí. Theo đó, cơ quan này có quyền: “quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền...”. Ngoài ra, Điều 9 của Nghị định này cũng quy định: Bộ Văn hóa - Thông tin có nhiệm vụ và quyền hạn: “...Thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra thực hiện Luật Báo chí và xử lý vi phạm các quy định về báo chí”.

Theo các quy định này thì Tòa án không hề có thẩm quyền xử phạt hành chính các sai phạm trong hoạt động báo chí. Chức năng quan trọng nhất của tòa án là xét xử, vì vậy, trong việc xử lý báo chí đưa tin sai sự thật, tòa án chỉ có thể xét xử những vụ án mà các cá nhân hoặc tổ chức khởi kiện cơ quan báo chí.

Trường hợp báo chí đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của Tòa án thì tòa án phải có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền ra quyết định xử lý hành vi vi phạm của cơ quan báo chí.

Quy định là vậy, nhưng không hiểu sao TANDTC lại đang đề xuất cho phép các cấp tòa án được xử phạt hành vi đưa tin sai sự thật.

Cụ thể: “1.Cảnh cáo đối với hành vi đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của Toà án. 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này nếu có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này hoặc đã bị cảnh cáo về hành vi đó mà còn vi phạm” (Điều 25 Dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND).

Nhìn nhận về quy định trên, ông Nguyễn Bá Kiên - Quyền Tổng Biên tập Báo Giao thông - bày tỏ: “Quy định này đã "lấn sân" sang thẩm quyền quản lý nhà nước về báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bởi hiện nay, theo quy định của Luật Báo chí và văn bản dưới luật thì việc báo chí đăng thông tin sai sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước về báo chí xử phạt và phải đăng cải chính. Còn các cơ quan khác chỉ có quyền khiếu kiện hoặc khởi kiện cơ quan báo chí, chứ không được xử phạt”.

Hình thức phạt cũng chưa ổn

Không chỉ “lấn sân” về thẩm quyền xử phạt, việc TANDTC đề ra mức phạt cũng có vẻ không ổn. Theo Khoản 1 Điều 25 của Dự thảo thì hành vi “đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của Tòa án” sẽ bị phạt cảnh cáo. Nhưng theo quy định của Luật báo chí thì mức phạt này không phù hợp.

Bởi lẽ, nếu thông tin sai sự thật, điều đầu tiên mà cơ quan báo chí phải làm đó là cải chính và xin lỗi công khai; trường hợp vì đưa thông tin không chính xác mà gây thiệt hại cho tổ chức hoặc cá nhân nào đó thì báo chí phải có trách nhiệm bồi thường.

Về vấn đề này, Điều 9 Luật Báo chí đã quy định rất rõ: “Báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân thì phải cải chính và xin lỗi hoặc đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân...”. Khoản 1 Điều 28 của Luật này cũng khẳng định: “...Cơ quan báo chí, công dân thông tin gây thiệt hại cho tổ chức, công dân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự”.

Thông thường, những quy định tại các văn bản dưới luật phải phù hợp với các quy định tại Luật nội dung, nhưng trong trường hợp này, quy định tại Dự thảo Pháp lệnh do TANDTC đang soạn thảo hoàn toàn không theo nguyên tắc này. Nhận xét về vấn đề này, ông Hà Minh Huệ - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - phân tích:

“Đưa tin sai mà chỉ bị cảnh cáo như Khoản 1 thì e rằng không phù hợp với quy định của Luật Báo chí. Không chỉ vậy, Khoản 2 điều luật này quy định “phạt tiền từ 500.000 đến 5.000.000 đồng (...) nếu có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 11 của Pháp lênh này hoặc đã bị cảnh cáo về hành vi đó mà còn vi phạm”. Nhưng Điều 11 không quy định tình tiết tăng nặng đối với hành vi đưa tin sai sự thật, vì vậy việc quy định mức phạt với người đưa tin sai sự thật sẽ không có hiệu lực”.

Vân Anh

Đọc thêm