"Bộ sậu" lãnh đạo quỹ tín dụng hầu tòa vì làm hồ sơ giả để “giải cứu” nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hoạt động kinh doanh thua lỗ, để tái cơ cấu tổ chức và tránh sự kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, ba lãnh đạo Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Thành (Nghệ An) đã chỉ đạo 6 nhân viên cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn để lấy tiền “giải cứu” nợ xấu, gây thiệt hại cho quỹ gần 6 tỉ đồng.
Nhóm nguyên lãnh đạo Qũy tín dụng nhân dân thị trấn Yên Thành và cấp dưới lĩnh án.
Nhóm nguyên lãnh đạo Qũy tín dụng nhân dân thị trấn Yên Thành và cấp dưới lĩnh án.

Chiêu “giải cứu” nợ xấu của ban lãnh đạo

TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 9 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) thị trấn Yên Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).

Trong đó, các bị cáo Phan Tiến Hiếu (SN 1971, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ), Phan Việt Anh (SN 1971, Giám đốc), Hoàng Đình Hải (SN 1977, Phó Giám đốc), Nguyễn Thị Hiền (SN 1982, cán bộ tín dụng), Lăng Thị Minh Châu (SN 1982, kế toán trưởng), Nguyễn Thị Hoa (SN 1988, kế toán viên), Phan Thị Hà (SN 1975, cán bộ thủ quỹ) và Đào Thị Bình (SN 1984, cán bộ kiểm soát) bị truy tố về “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Riêng bị cáo Nguyễn Thị Oanh (SN 1989, cán bộ thủ quỹ) bị truy tố về “Tội vi phạm về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Quỹ TDND thị trấn Yên Thành đi vào hoạt động từ tháng 10/1996, được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tín dụng bao gồm: nhận tiền gửi của các tổ chức, cá nhân; nhận tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; cho vay thành viên, các hộ nghèo không phải là thành viên trong địa bàn hoạt động.

Năm 2017, hoạt động kinh doanh của quỹ tín dụng có dấu hiệu thua lỗ, dư nợ xấu tăng. Để tái cơ cấu tổ chức và hoạt động, tránh sự kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, ban lãnh đạo quỹ thống nhất chủ trương chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn để giải ngân nợ xấu.

Bị cáo Lăng Thị Minh Châu: Biết là sai nhưng không thể không làm, nếu không sẽ bị điều chuyển hoặc thôi việc.
Bị cáo Lăng Thị Minh Châu: Biết là sai nhưng không thể không làm, nếu không sẽ bị điều chuyển hoặc thôi việc. 

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phan Tiến Hiếu, các đối tượng đã lập khống 1 bộ hồ sơ vay vốn mang tên vợ Hiếu để giải ngân 2 tỉ đồng. Gần 1,7 tỉ đồng từ khoản vay này dùng để trả nợ cho 5 khách hàng xếp vào nợ xấu. Hơn 300 triệu còn lại được Hiếu sử dụng để tiếp khách, trả nợ cá nhân.... Tiếp đó, một bộ hồ sơ khống mang tên vợ Phó Giám đốc Hoàng Đình Hải cũng được lập để giải ngân 1,4 tỉ đồng. Số tiền này sau đó dùng để trả nợ khoản vay của 5 khách hàng xếp vào nợ xấu khác.

Đến năm 2018, hoạt động kinh doanh của QTD vẫn không khả quan hơn nên Phan Việt Anh tiếp tục chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống mang tên mẹ mình với khoản vay 2,5 tỉ đồng. Sau khi trả khoản nợ xấu của một số khách hàng, hơn 1,1 tỉ đồng được vị giám đốc này dùng để trả nợ và trả lãi cho hồ sơ khống vay 850 triệu mang tên mẹ mình lập trước đó; hoàn ứng lương từ năm 2007-2011 số tiền hơn 122 triệu đồng và đút túi tiêu xài cá nhân hơn 123 triệu đồng.

Ngày 26/6/2018, Đoàn thanh tra Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An phát hiện sai phạm đối với khoản vay mang tên mẹ của giám đốc quỹ. Phan Việt Anh liền chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn mang tên vợ mình để vay 2,5 tỉ đồng tất toán hồ sơ vay mang tên mẹ ruột. 

Tuy nhiên, hành vi của lãnh đạo, nhân viên QTD thị trấn Yên Thành sau đó bị bại lộ. Cơ quan điều tra xác định, cả 4 hồ sơ vay vốn nói trên đều được làm giả chữ ký người vay, không thẩm định tài sản thế chấp, khả năng trả nợ của người vay vốn... Hành vi này của các đối tượng đã gây thiệt hại cho quỹ hơn 5,7 tỉ đồng.

Bị cáo Hoàng Đình Hải - nguyên Phó Giám đốc Quỹ bật khóc, xin giảm nhẹ hình phạt vì mẹ đang bị ung thư.

Bị cáo Hoàng Đình Hải - nguyên Phó Giám đốc Quỹ bật khóc, xin giảm nhẹ hình phạt vì mẹ đang bị ung thư.

“Không làm theo chỉ đạo có thể bị đuổi việc”

Phiên tòa sơ thẩm xét xử 9 bị cáo kéo dài nhiều ngày. Quá trình xét xử, các bị cáo Phan Tiến Hiếu, Phan Việt Anh và Hoàng Đình Hải thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng truy tố. Ba bị cáo này cho biết mục đích của việc chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống vay tiền là nhằm giải cứu nợ xấu, vực lại hoạt động kinh doanh của đơn vị, không có động cơ vụ lợi cá nhân trong đó mà là vì việc chung.

Các nhân viên của QTD cũng thừa nhận hành vi phạm tội, nhận thức được hành vi của mình là sai nhưng không làm không được vì bị đặt vào thế đã rồi. Với thân phận nhân viên, do áp lực chỉ tiêu, sợ bị các sếp phạt nên họ răm rắp làm theo các chỉ đạo của Giám đốc. Bị cáo Lăng Thị Minh Châu, kế toán trưởng khai: “Bị cáo chỉ là nhân viên, làm theo chỉ đạo của các sếp, vì công việc chung nên bị cáo không dám lên tiếng, nếu bị cáo không làm theo chỉ đạo, nhẹ thì bị chuyển công tác, nặng thì bị đuổi việc”.

Lý giải về việc không thẩm định hồ sơ vay vốn, không thẩm định tài sản thế chấp, bị cáo Nguyễn Thị Hiền cho hay: “Bị cáo nhận thức việc không thực hiện các bước đó là sai với quy định, nhưng hồ sơ là của vợ, nhà thì của Giám đốc, bị cáo không dám thẩm định. Sau khi sự việc bị phát giác, dù không hưởng lợi gì trong vụ án nhưng các bị cáo đều khắc phục một phần hoặc khắc phục xong phần trách nhiệm bồi thường số tiền thiệt hại cho quỹ. Các bị cáo trình bày hoàn cảnh khó khăn để xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Nói lời sau cùng, Phó Giám đốc Hoàng Đình Hải đã bật khóc, trình bày: “Vì áp lực nợ xấu của các khách hàng nên đã có những quyết định trái với quy định. Bị cáo nhận thức rõ hành vi của mình là sai trái, vi phạm pháp luật. Bị cáo có mẹ già bị ung thư... xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt”, bị cáo trình bày.

HĐXX nhận định, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo đều là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, các bị cáo phạm tội có tính đồng phạm liên đới. Trong đó, bị cáo Phan Tiến Hiếu phải chịu trách nhiệm cao nhất, các bị cáo khác cũng có mức án tương xứng để có tính răn đe và phòng ngừa chung.

Với vai trò chủ mưu trong vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Tiến Hiếu 5 năm tù, bị cáo Phan Việt Anh 3 năm tù giam, bị cáo Hoàng Đình Hải bị tuyên phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo còn lại phạm tội với vai trò giúp sức nên bị tòa tuyên phạt từ 12 đến 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Về trách nhiệm dân sự, Phan Tiến Hiếu, Phan Việt Anh, Hoàng Đình Hải phải có trách nhiệm bồi thường 3/4 số tiền còn thiếu cho quỹ, mỗi người hơn 488 triệu đồng. 6 nhân viên còn lại phải chịu trách nhiệm đối với 1/4 số tiền cần phải khắc phục, chia đều mỗi người hơn 81 triệu đồng.

Đọc thêm