Cặp vợ chồng U50 nhập trại sau chuyến xuất ngoại "chui"

(PLVN) - Ngày ra đi, vợ chồng bà Dung phải vay mượn tiền để làm lộ phí, đến khi trở về thành quả của họ chỉ là hai bàn tay trắng. Bởi, không những bị công an bắt giữ, bị trục xuất về nước mà toàn bộ tiền 4 tháng làm thuê của vợ chồng bà đều không lấy được.
Bị cáo Xên Thị Nhung.
Bị cáo Xên Thị Nhung.

U50 xuất ngoại “chui”

Một ngày cuối tháng 3, bà Vy Thị Dung (SN 1969, trú xã Tam Đình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) tạm gác lại công việc nương rẫy, bắt xe khách từ sáng để đến tham dự phiên tòa xét xử Xên Thị Nhung (SN 1964, trú xã Tam Đình). Nhung bị truy tố xét xử về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Cụ thể, Nhung đã đưa 4 người sang Trung Quốc làm “chui”, trong đó có vợ chồng bà Dung.

Chia sẻ về quyết định đi nước ngoài, bà Dung cho hay vì sinh sống ở huyện miền núi nên cuộc sống khó khăn. Đó cũng là lý do khiến bà suy nghĩ sẽ một lần rời bản làng để xuất ngoại kiếm tiền trang trải cuộc sống và thuốc men khi về già. Ngặt nỗi, vợ chồng bà cũng đã có tuổi, lại không có trình độ, chuyên môn gì nên muốn đi lắm cũng đành chịu. Khoảng năm 2015, bà Dung tình cờ gặp Xên Thị Nhung, người từng có thời gian đi Trung Quốc làm việc mới trở về. Thế rồi, cuộc gặp định mệnh này đã giúp vợ chồng bà thực hiện được ước mơ bấy lâu nay - xuất ngoại.

Cần nói thêm, khoảng năm 2015, “phong trào” đi Trung Quốc làm thuê rộ lên ở nhiều nơi, trong đó có huyện Tương Dương. Thời điểm đó, người đi làm việc ở Trung Quốc có thể kiếm được 7-9 triệu đồng/tháng. Đối với nhiều hộ dân miền núi như bà Dung, đó là số tiền đáng mơ ước.

Do đó, khi được Nhung phân tích rằng: vợ chồng bà vì quá tuổi nên việc đi xuất khẩu lao động theo đường chính thống là điều không thể, chỉ còn cách đi “chui”. Nếu đồng ý đi không cần giấy tờ gì cả, chỉ cần đóng tiền phí 6 triệu đồng, nộp trước 3 tháng, số còn lại trừ vào lương hàng tháng. Sang bên đó làm công nhân xưởng sản xuất đồ nhựa, lương 7-9 triệu đồng.

Bà Dung kể về những ngày tháng làm chui ở Trung Quốc nhưng khi về chỉ là “tay trắng”.
Bà Dung kể về những ngày tháng làm chui ở Trung Quốc nhưng khi về chỉ là “tay trắng”.  

Bị hấp dẫn trước khoản tiền lớn, bà Dung rủ chồng cùng làm một chuyến sang Trung Quốc. Người chồng cũng chán cảnh làm rẫy thu nhập bấp bênh nên gật đầu đồng ý. Hai vợ chồng bà sau đó vay mượn anh em được 6 triệu đồng đóng tạm ứng cho 2 suất cho Nhung.

Sau thời gian khấp khởi chờ đợi đến tháng 5/2015, vợ chồng bà Dung khăn gói theo Xên Thị Nhung đi Trung Quốc. Cùng chuyến đi có vợ chồng bà Lương Thị Tuyết (SN 1964), ở cùng xã. Sau khi ngồi xe khách ra đến Hà Nội, nhóm lao động này được một người đàn ông dẫn sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Tại xứ người, cả 4 lao động được bố trí làm việc tại xưởng sản xuất dép nhựa của một ông chủ người Trung Quốc. Do đã có tuổi, năng suất không được như nhóm công nhân trẻ tuổi nên 4 người trên chỉ được trả lương 7 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Khi mới vào làm, bà Dung và những người khác được ứng trước 1.000 nhân dân tệ (quy đổi được gần 3 triệu đồng) gửi về nhà trả nợ. Người phụ nữ cả đời chỉ biết quanh quẫn trong bản làng cứ tưởng từ nay thoát cảnh chân lấm tay bùn mà hàng tháng lại có một khoản lương cứng, nhưng niềm vui đó lại chẳng kéo dài được bao lâu....

Tay trắng trở về từ “miền đất hứa”

Theo lời kể của người phụ nữ từng có những ngày tháng làm chui ở Trung Quốc, tiền lương hàng tháng người môi giới nói để ông chủ giữ cho, khi nào được nhiều thì lấy luôn một thể. Nghĩ ở đây được chủ nuôi ăn, nuôi ở không cần chi tiêu gì nhiều, nhỡ trộm cắp thì mất hết nên bà Dung đồng ý. “Sau 4 tháng làm thuê, tôi nhẩm tính tiền lương của hai vợ chồng cũng được kha khá, tính lấy về để gửi cho con. Nhưng khi chúng tôi hỏi thì ông chủ bảo đã trả hết rồi. Hoảng hốt, tôi hỏi lại người môi giới thì bảo ông chủ giữ hộ. Họ nói vòng quanh nên chúng tôi không biết hỏi ai, chỉ biết khóc”, bà Dung vuốt nước mắt nhớ lại chuyện buồn.

Vậy là, sau 4 tháng làm thuê, vợ chồng bà chỉ nhận được 3 triệu đồng tạm ứng trước đó. Thấy bất công, bà quyết định gặp môi giới để “ba mặt một lời”. Nhưng khi bà chưa kịp làm điều đó thì cảnh sát ập vào xưởng sản xuất. Vợ chồng bà Dung với vợ chồng bà Tuyết bị bắt giam vì là lao động bất hợp pháp. Sau 2 tháng 15 ngày bị giam giữ, 4 lao động Việt Nam được thả, bị trục xuất về nước qua đường hàng không. 

Về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) cả 4 lao động trên không còn một xu dính túi. Bà nghẹn ngào kể: Vay nợ để đi, làm việc 4 tháng, bị giam 2 tháng rưỡi, cuối cùng khi về đến quê nhà không còn một cắc bạc nào. Con phải gửi ra 1 triệu đồng để bố mẹ bắt xe về quê. Tưởng xuất ngoại thoát nghèo, nào ngờ phải ôm thêm khoản nợ. Cứ mỗi lần nghĩ đến quãng thời gian này, nước mắt cứ trào ra, ức lắm. Nhưng mình dại, mình đi chui thì phải chịu, biết kêu ai bây giờ.

Dù mất tiền, lâm vào cảnh bị giam cầm nhưng đứng trước tòa, bà Dung vẫn xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Xên Thị Nhung. Bà nói đỡ cho bị cáo: “Chúng tôi đều người cùng quê, quen biết nhau cả. Không phải vì bị cáo Nhung muốn lừa chúng tôi đâu mà cũng vì cả tin người ta quá, nhận đưa đi để lấy tiền công 300 nghìn đồng/người. Tôi đã đến tận nhà của bị cáo rồi, cũng không có của nả gì đâu, bản thân bà Nhung lại mang bệnh, nên xin tòa xử bị cáo bản án thật nhẹ”. Với tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài bị cáo Xên Thị Nhung bị tuyên phạt 18 tháng tù giam.

Sau chuyến xuất ngoại để đời, phải mất thời gian dài bà Dung mới ổn định tâm lý. Được sự động viên của người thân, bà phần nào lấy lại tinh thần để lên rẫy làm việc, tiếp tục cuộc sống. Còn người chồng, vì cuộc sống mưu sinh nên quyết định vào miền nam làm thuê tại các công trình xây dựng.

Với bà, dù cuộc sống hiện tại còn nhiều khó khăn nhưng việc không phải trốn chạy, không phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ là điều hạnh phúc. “Trải qua những ngày tháng làm chui ở đất nước xa lạ, tôi mới thấy quý cuộc sống bình yên ở làng quê. Thôi thì giờ cứ quanh quẩn nơi bản làng trồng trọt, chăn nuôi thêm con gà, con dê, kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Vợ chồng tôi giờ tuổi xế chiều rồi nên cũng chẳng mộng làm giàu nữa”, bà Dung nói.

Đọc thêm