Chia thừa kế xong xuôi thì vợ lẽ, con riêng xuất hiện đòi tranh chấp?

(PLVN) - Sau khi cha mất, anh chị em tôi đã tiến hành chia thừa kế xong xuôi theo đúng di chúc của cha thì bỗng dưng có một phụ nữ dắt con trai nhỏ về tự giới thiệu là vợ lẽ, con riêng của cha tôi để nhận họ hàng và xin hưởng thừa kế... Liệu anh em chúng tôi có phải tiến hành chia lại? 
Chia thừa kế xong xuôi thì vợ lẽ, con riêng xuất hiện đòi tranh chấp?

Hỏi: Sau khi cha tôi mất được 1 năm, anh em tôi đã tiến hành xong việc phân chia tài sản thừa kế theo di chúc của cha để lại. Bất ngờ vào ngày giỗ cha vừa qua, có một thiếu phụ dắt theo cậu con trai 10 tuổi tự xưng là vợ lẽ, con riêng của cha về xin chịu tang và xin hưởng thừa kế của cha tôi. Cô ấy đưa ra bằng chứng là tờ giấy khai sinh do cha tôi đứng khai sinh với tư cách người cha của bé.

Bằng linh cảm, chúng tôi tin cậu bé chính là con rơi của cha trong một bữa "lỡ đường" vì ngoại hình cậu bé có nhiều nét giống cha và cũng giống anh em chúng tôi. Sự đã rồi, chúng tôi rất cảm thương vì hoàn cảnh của mẹ con họ cũng nghèo.

Có điều, hoàn cảnh của anh em tôi cũng không khá giả hơn, trong khi di sản của cha tôi thì lại phân chia hết rồi, mà thực ra trong di chúc của cha tôi cũng không hề đả động gì đến và không dành phần cho mẹ con cậu bé kia.

Xin hỏi trường hợp này nếu có tranh chấp về thừa kế, pháp luật sẽ giải quyết như thế nào?  (chị Hoàng Thị Sửu, 25 tuổi ở Lào Cai). 

Luật sư tư vấn: Trong tình huống của bạn, cần nhận thức rõ rằng: bản thân người phụ nữ kia không có tư cách pháp lý để tranh chấp di sản thừa kế do cha bạn để lại; nhưng với vai trò là người giám hộ cho con trai chưa thành niên, cô ta có quyền yêu cầu chia thừa kế đối với khối di sản của cha bạn để lại cho con trai mình - là cậu bé con ngoài giá thú của cha bạn. 

Tình huống này thuộc trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới - đó là người con chưa thành niên, được sinh ra ngoài giá thú của cha bạn. Theo như bạn trình bày, dù mới chỉ xem tờ Giấy khai sinh của cậu bé, dù chưa cần giám định ADN nhưng gia đình bạn mặc nhiên thừa nhận đó là con rơi của cha vì rất giống cha mình. Theo pháp luật, cậu bé con riêng của cha bạn cũng thuộc hàng thừa kế thứ nhất như anh chị em bạn. 

Mặc dù trong di chúc của cha bạn không chia phần cho người con này nhưng vì cậu bé này mới 10 tuổi (là con chưa thành niên) nên được xác định là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Theo Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: Con chưa thành niên…”

Như vậy, nếu có tranh chấp về thừa kế trong trường hợp này thì cậu bé con riêng của cha bạn sẽ được hưởng 2/3 suất của một người thừa kế chia theo pháp luật. Có điều, khối di sản của cha bạn để lại hiện đã được phân chia hết thì sẽ phải giải quyết quyền lợi cho cậu bé kia như thế nào?

Tại Điều 662 Bộ luật Dân sự 2015 về “Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế” quy định như sau:

“1. Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Như vậy, anh em bạn sẽ không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng mỗi người phải có trách nhiệm thanh toán cho người em cùng cha khác mẹ một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.  

Đọc thêm