Chuyện bi hài xử kẻ mắc tội “làm ra người”

(PLVN) - Rất nhiều tình huống trớ trêu, éo le, bi hài trong các vụ án xâm hại tình dục hết sức nhạy cảm, gay cấn đến nghẹt thở đã được các Hội đồng xét xử “giải mã” một cách thấu đáo, có lý có tình, khiến bị cáo và dư luận phải tâm phục khẩu phục. 
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

“Những kẻ giết người, đánh người thì mới có tội chứ như bị cáo “làm ra người”, lẽ ra phải có công mới đúng, cớ sao lại bị bắt tù?”. “Oan uổng cho bị cáo quá, rõ ràng có “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ” ở đây, vì đã có kết luận xác định bị rách vị trí 9 giờ, mà mãi đến 12 giờ bị cáo mới có hành vi phạm tội…”  Đó là những "lý sự cùn" được một số bị cáo trình bày tại các phiên tòa xử các vụ xâm hại tình dục...

“Làm ra người” cũng có thể phạm tội!

Trong phiên tòa hôm ấy, bị cáo là một thanh niên trưởng thành, người dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Trong một phiên chợ tình, bị cáo đã “bắt vợ” là một cô bé 14 tuổi, người ở bản bên cạnh. Yêu nhau không lâu thì cô người yêu mang bầu, ép bị cáo phải cưới nhưng thanh niên này lảng tránh vì chưa muốn vướng bận gia đình.

Cực chẳng đã, gia đình cô gái phải kiện ra tòa, khiến chàng trai bị truy tố, xét xử về tội “Giao cấu với trẻ em” thuộc trường hợp làm nạn nhân mang thai, buộc nạn nhân phải sinh con ngoài ý muốn. Mặc dù chứng cứ buộc tội bị cáo rất rõ ràng, kết luận giám định ADN cũng xác định đứa trẻ do nạn nhân sinh ra là con đẻ của bị cáo.

Ấy vậy mà ra tòa, thanh niên này vẫn bai bải kêu oan. Bị cáo “lý sự cùn” rằng, kẻ giết người thì mới có tội chứ như bị cáo đây “làm ra người” thì lẽ ra phải có công mới đúng, chứ sao lại bị xử tội? 

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa kể lại rằng, trước tình huống bi hài trên, Hội đồng xét xử đã bình tĩnh phân tích cho bị cáo và bà con dân tộc hiểu rằng: Nhân phẩm, danh dự và sức khỏe sinh sản của người phụ nữ là một khách thể đặc biệt được Bộ luật hình sự bảo vệ, không ai có quyền tự ý xâm hại khi chưa có sự đồng ý của “khổ chủ”.

 

Tuy vậy, pháp luật cũng khoanh một số “vùng cấm” nên không phải cứ nạn nhân thuận tình “cho không, biếu không” thì hành vi của bị cáo sẽ không phạm tội. Mà trong một số trường hợp nhất định, hành vi giao cấu dù nạn nhân thuận tình nhưng hành vi của bị cáo vẫn cứ phạm tội, thậm chí phạm vào tội đặc biệt nghiêm trọng.

Chẳng hạn nếu nạn nhân bị giao cấu là trẻ em chưa đủ 13 tuổi thì dù nạn nhân thuận tình nhưng hành vi của bị cáo vẫn phạm vào tội “Hiếp dâm trẻ em”, một tội đặc biệt nghiêm trọng có mức án quy định từ 12- 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Trường hợp nạn nhân từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì dù nạn nhân thuận tình thì bị cáo cũng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giao cấu với trẻ em”. Điều đó giải thích vì sao bị cáo và nạn nhân thuận tình yêu nhau, dù bị cáo “làm ra người” thì cũng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Không làm gì, vẫn phạm tội!

Trong một vụ án “Hiếp dâm trẻ em” tập thể khác cũng do TAND tỉnh Hà Giang xét xử, bị cáo Sùng Seo M chỉ là kẻ đồng phạm có vai trò thứ yếu trong vụ án. M là gã trai mới “trổ giò”, chưa đủ 16 tuổi, do thiếu hiểu biết và tò mò giới tính nên mới “a dua” theo đồng bọn tham gia vào vụ án. Thực tế, M chỉ đứng nhìn ở vòng ngoài chứ không trực tiếp thực hiện hành vi xâm hại nạn nhân, cũng không tham gia giữ chân tay nạn nhân như một số người mà chỉ đứng hô hào, cổ vũ cho đồng bọn xâm hại. 

Lẽ ra Sùng Seo M sẽ được hưởng mức án giảm nhẹ đặc biệt, nếu như bị cáo có thái độ thành khẩn, ăn năn. Thế nhưng do thiếu hiểu biết và nhận thức hạn chế nên khi ra tòa, bị cáo này lại khăng khăng chối tội, cho rằng bị cáo “không làm gì” nên việc tòa truy tố, xét xử bị cáo là oan, sai.

Hội đồng xét xử đã phân tích cặn kẽ cho M hiểu: dù bị cáo không trực tiếp thực hiện hành vi xâm hại nạn nhân nhưng về ý chí, bị cáo đã thông đồng với hành vi của đồng bọn nên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm; bằng chứng là việc bị cáo đã hô hào, cổ vũ cho đồng bọn.

Tương tự, trong một số vụ án cụ thể, thậm chí nữ giới vẫn có thể phạm tội “Hiếp dâm” với vai trò đồng phạm cũng vì lý do trên. Hiểu ra, sau đó Sùng Seo M đã thành khẩn nhận tội, tỏ rõ sự ăn năn hối cải nên được hưởng mức án khoan hồng. 

Một phiên xử tội phạm “râu xanh” khác được một vị thẩm phán TAND Tối cao kể lại cũng đầy gay cấn và hài hước, khiến các vị quan tòa cũng phải “toát mồ hôi”. Bị cáo là một thanh niên nông thôn ít học, lợi dụng trưa hè vắng vẻ đã táo tợn xông vào “trộm tình” cô bé hàng xóm. Hành vi phạm tội bị bắt quả tang, ban đầu bị cáo thành khẩn nhận tội, nhưng khi ra tòa bỗng nhiên lại đổi giọng kêu oan. 

Chủ tọa phiên tòa mới hỏi bị cáo kêu oan là oan thế nào, hành vi phạm tội quả tang thì còn gì để biện minh nữa mà lại kêu oan? Bị cáo gãi đầu gãi tai, ngắc ngứ tỏ bày: “Quả thật là oan cho bị cáo quá, vì Kết luận giám định pháp y xác định đã rách từ lúc 9 giờ, trong khi bị cáo hành động lúc 12 giờ. Đúng là ở đây có “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”, oan quá!” 

Có lẽ đây là một trong những tình huống hết sức trớ trêu, khôi hài, và cũng hết sức nhạy cảm và tế nhị, khiến ngay cả các cán bộ tố tụng có thâm niên trong việc giải quyết các vụ án dạng này cũng phải bối rối!

Chủ tọa phiên tòa là một nữ Thẩm phán giàu kinh nghiệm, sau khi đã phân tích cặn kẽ cho bị cáo hiểu: đối với tội “Hiếp dâm”, Bộ luật Hình sự không quy định  bắt buộc phải đã xảy ra hậu quả thì tội phạm mới hoàn thành. Mà chỉ cần bị cáo đã dùng vũ lực, để thực hiện hành vi nhằm mục đích giao cấu trái ý muốn với nạn nhân thì hành vi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, dù có thể hậu quả chưa đạt về mặt sinh học. Đối chiếu vào vụ án này, hành vi của bị cáo đã thỏa mãn đủ yếu tố về hành vi và hậu quả nên việc truy tố, xét xử là hoàn toàn đúng người đúng tội. Nếu bị cáo kêu oan thì chỉ “làm khó” cho chính bị cáo mà thôi.

Hội đồng xét xử cũng phân tích, Kết luận giám định pháp y xác định điểm rách ở vị trí 9 giờ chứ không phải vào thời điểm lúc 9 giờ. Ở đây có sự nhầm lẫn khi bị cáo đánh đồng khái niệm vị trí và thời gian. Thế nhưng, bị cáo vẫn thắc mắc vì không thể hiểu nổi vì sao “cái vị trí 9 giờ lại khác thời điểm 9 giờ”?

Rất may, nữ Thẩm phán là người dí dỏm, giàu kinh nghiệm nên thậm chí phải khéo léo vận dụng đến cả thành ngữ dân gian mang tính tượng hình “mất tiền mua mâm, phải đâm cho thủng” thì bị cáo mới hiểu ra vấn đề, cúi đầu nhận tội. Nhìn bị cáo cười ngất hết sức hồn nhiên trong khi nhiều người đỏ mặt, Hội đồng xét xử mới thở phào nhẹ nhõm. Đúng là cán bộ Tòa án ta vất vả thật!

Hiểu luật để hành xử đúng pháp luật

Những phiên tòa xét xử về hành vi xâm phạm tình dục bao giờ cũng “nóng” bởi tính chất nhạy cảm của nó. Nhiều Thẩm phán do có kinh nghiệm xét xử đối với loại án này nên được đồng nghiệp yêu mến, tín nhiệm đặt cho “biệt danh” được lưu hành nội bộ mà bất cứ ai nghe thấy cũng phải “thót tim” như: ông K “dâm ô”, chị T “hiếp dâm” do chuyên xử những loại án này.

Thế nhưng, chính những Thẩm phán “chết tên” này tâm sự, dù đã quá quen với những phiên tòa nhạy cảm này mà đôi khi họ vẫn thấy “toát mồ hôi” bởi những tình huống bất ngờ phát sinh, vừa bi lẫn hài, đòi hỏi bên cạnh vững về luật pháp thì phải am tường về tâm lý, kiến thức đời sống mới phân tích, giảng giải cho các bị cáo và mọi người thông hiểu các quy định pháp luật để họ tâm phục khẩu phục. 

Đọc thêm