Hải Phòng: Cơ quan điều tra thiếu quyết liệt dẫn đến bỏ lọt tội phạm?

(PLVN) - Về vụ việc này, Báo PLVN đã có bài viết phản ánh hành vi có dấu hiệu phạm tội nhưng bị cơ quan điều tra Công an quận Dương Kinh (Hải Phòng) xử lý chậm trễ, thiếu quyết liệt dẫn đến vi phạm không được giải quyết kịp thời, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Việc làm này của cơ quan điều tra là nguyên nhân khiến công dân bức xúc, khiếu nại ròng rã suốt 10 năm qua... 
Một thửa đất nông nghiệp đã có chủ sở hữu khác nhưng lại được giao bán cho bà Nguyệt.
Một thửa đất nông nghiệp đã có chủ sở hữu khác nhưng lại được giao bán cho bà Nguyệt.

Thời gian qua, bà Trần Thị Thị Nguyệt (SN 1963, ngụ tại phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) liên tiếp gửi đơn tới Công an TP Hải Phòng tố giác việc bà Nguyễn Thị Thủy (phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý gây thương tích”. Vụ việc kéo dài gần 10 năm và đến giờ vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng...

Tiền thật mua đất ảo?

Như đã phản ánh, vào khoảng tháng 4/2011, bà Thuỷ có giới thiệu cho bà Nguyệt 3 lô đất thổ cư, hoặc đất có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở quận Dương Kinh để kinh doanh. Sau đó, bà Nguyệt đã đưa hơn 5 tỷ đồng để cho bà Thủy mua đất và thực hiện các thủ tục cấp GCNQSDĐ.

Nhưng hơn nửa năm sau, bà Thủy vẫn không bàn giao 3 lô đất trên cho bà Nguyệt. Đến tháng 11/2011, nhằm kéo dài thời gian, bà Thủy có đưa cho bà Nguyệt GCNQSDĐ số BĐ 147487 (cấp ngày 5/10/2011, diện tích 1.098 m2, ở quận Dương Kinh) do bà Thủy đứng tên để làm tin dưới hình thức “Giấy cam kết kiêm hợp đồng thuê lại mặt bằng”. Hai bên thỏa thuận trong thời hạn 1 năm bà Thủy không bàn giao được 3 GCNQSDĐ thì bà Nguyệt có quyền sang tên, để quyết toán số tiền 3 lô đất như trên.

Đến tháng 5/2012, bà Nguyệt có yêu cầu bà Thủy đưa lại hồ sơ của 3 thửa đất nêu trên để tự đi làm thủ tục. Tuy nhiên, bà Thủy chỉ cung cấp duy nhất một bộ hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ một thửa đất 340m2 (mặt đường tỉnh 353, gần nhà bà Thủy, ở phường Hải Thành, quận Dương Kinh).

Bà Nguyệt mô tả vị trí bị rượt chém gây thương tích năm 2014.
Bà Nguyệt mô tả vị trí bị rượt chém gây thương tích năm 2014.  

Thực chất, mảnh đất là 2 thửa (140m2+200 m2) của 2 chủ sở hữu khác nhau ghép lại. Mỗi thửa đất đều có 1 bộ hồ sơ bao gồm: Sơ đồ vị trí sắp xếp đất ở; Biên bản sắp xếp mặt bằng đất thổ cư; Phiếu thu nộp tiền sử dụng đất và giấy tờ mua bán viết tay của chủ sở hữu cho bà Nguyệt, có chứng nhận của UBND xã Hải Thành (nay là phường Hải Thành).

Nhưng bất thường ở việc thời gian chuyển nhượng trong hợp đồng đều ghi từ các năm 2007 và 2009, trong khi bà Nguyệt bắt đầu giao tiền mua đất năm 2011. Theo tìm hiểu của PV, thửa đất này là đất nông nghiệp, đang giao cho một cá nhân khác quản lý và sử dụng. Tiếp tục xác minh thêm 2 thửa đất còn lại bà Thủy giao dịch với bà Nguyệt thì được biết đây là đất nông nghiệp và đang có chủ sở hữu khác.

Một trong những giấy chuyển nhượng đất của bà Thủy cho bà Nguyệt tuy được UBND phường xác nhận nhưng không có giá trị pháp lý.
Một trong những giấy chuyển nhượng đất của bà Thủy cho bà Nguyệt tuy được UBND phường xác nhận nhưng không có giá trị pháp lý. 

Thậm chí, Phòng Đăng ký đất đai quận Dương Kinh tra cứu sổ mục kê thì không cấp GCNQSDĐ nào có số hiệu BĐ 147487 vào ngày 5/10/2011 và mang tên Nguyễn Thị Thủy (được giao cho bà Nguyệt để làm tin).

Phát hiện những dấu hiệu bất minh, hành vi gian dối của bà Thủy nên bà Nguyệt đã liên tục tố cáo tới cơ quan công an nhưng đến nay sự vụ dường như vẫn chỉ “dậm chân tại chỗ”.

Những dấu hiệu bất thường

Tương tự, trường hợp của bà Nguyễn Thị Sạnh năm 2010 cũng tin lời bà Thủy, bà Nguyệt có giao khoảng 700 triệu đồng để mua một mảnh đất thổ cư trên đường tỉnh 353 (quận Dương Kinh). Sau khi phát hiện bà Thủy có hành vi gian dối nên bà Sạnh yêu cầu trả lại tiền. Tuy nhiên, bà Thủy đã không trả lại, sau đó còn phát sinh vay thêm nhiều khoản tiền khác. Sau nhiều lần đòi tiền bất thành, bà Sạnh đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của bà Thủy tới cơ quan công an từ năm 2013.

Đặc biệt, trong vụ việc này xuất hiện một tình tiết là Giấy biên nhận tiền (ngày 10/9/2012) có chữ ký của bà Sạnh, nội dung quyết toán số tiền 750 triệu đồng bà Thủy trả nợ. Tuy nhiên, bà Sạnh khẳng định chưa hề nhận tiền và giấy biên nhận trên là giả mạo.

Trong vụ việc của bà Sạnh, cùng một chữ ký nhưng có hai kết quả giám định khác nhau và cuối cùng vụ việc cũng "chìm xuồng".
Trong vụ việc của bà Sạnh, cùng một chữ ký nhưng có hai kết quả giám định khác nhau và cuối cùng vụ việc cũng "chìm xuồng". 

Công an quận Dương Kinh đã trưng cầu giám định và Phòng Kỹ thuật Hình sự - Công an TP Hải Phòng khẳng định chữ ký của bà Sạnh là thật. Ngược lại, Trung tâm Tư vấn, Giám định dân sự - Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) khẳng định chữ viết và chữ ký của bà Sạnh tại Giấy biên nhận trên là giả.

Khoảng cuối 12/2014, bà Nguyệt cùng vài người khác có tới gặp bà Thủy nhằm gây áp lực để giải quyết vụ việc. Tại đây, bà Nguyệt bị ông Nguyễn Đình Hưng và Nguyễn Đình Hiệu (chồng và con trai bà Thủy) dùng dao đuổi chém. Bà Thuỷ bị chém vào lưng (thương tổn 1%) và ngã xuống đất rồi tiếp tục bị hành hung tới chấn thương sọ não. Một người khác đi cùng bà Nguyệt là ông Nguyễn Duy Đô bị xô ngã gãy tay.

Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, bà Nguyệt liên tục gửi đơn tố cáo tới Công an quận Dương Kinh đề nghị truy tố ông Hưng và Hiệu về hành vi cố ý gây thương tích.

Tới tháng 7/2015, Công an quận Dương Kinh có quyết định khởi tố vụ án nhưng sau đó tạm đình chỉ vì hết thời hiệu (11/2015), lý do đưa ra là “không xác định được bị can”. Cho rằng lý do tạm đình chỉ vụ án như trên không đúng căn cứ pháp lý,bà Nguyệt tiếp tục khiếu nại yêu cầu hủy quyết định tạm đình chỉ, phục hồi điều tra. 

Đến năm 2019, vụ án được khôi phục điều tra nhưng lại bị đình chỉ, lần này, lý do được cơ quan công an đưa ra là “không đủ căn cứ để khởi tố bị can về hành vi cố ý gây thương tích”. Không đồng tình với lý do đình chỉ vụ án không thuyết phục, bà Nguyệt vẫn tiếp tục khiếu nại nhưng vụ án trở thành bế tắc và đi vào quên lãng.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) khẳng định vụ việc này có nhiều dấu hiệu vi phạm hình sự. Trước hết, hành vi của ông Hưng và ông Hiệu là dùng hung khí nguy hiểm để hành hung bà Nguyệt đã có dấu hiệu cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” mà không cần thỏa mãn điều kiện về tỷ lệ tổn thương cơ thể. 

Luật sư Hùng nhận định, lý do “không xác định được bị can” để tạm đình chỉ và đình chỉ vụ án của cơ quan điều tra là đúng theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Tuy nhiên, ở đây có nhân chứng và Công an quận Dương Kinh có trách nhiệm phải xác định bị can của vụ án có phải là ông Hiệu và ông Hưng không? 

“Đối với vụ án này, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn còn, các bị hại cần phải yêu cầu cơ quan điều tra phục hồi việc điều tra theo quy định của pháp luật.

“Tôi nhận thấy trong vụ án này, cơ quan điều tra có dấu hiệu để lọt tội phạm. Việc xác định bị can trong vụ án là trách nhiệm của cơ quan điều tra nhưng không thực hiện hiệu quả. Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ điều tra vụ án mặc dù có người làm chứng chứng kiến người thực hiện tội phạm. Bị hại xác định được bị can là ông Hưng và ông Hiệu nhưng cơ quan điều tra vẫn đưa ra lý do “không xác định được bị can” là không thuyết phục”, Luật sư Hùng nhấn mạnh.

Trường hợp vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì trách nhiệm thuộc về cơ quan đã ra quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ điều tra, trách nhiệm ở đây thuộc về Công an quận Dương Kinh và Viện kiểm sát cùng cấp.

Đối với vụ việc bà Thủy có dấu hiệu sử dụng giấy tờ giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức mua đất và làm thủ tục cấp GCNQSDĐ, các bị hại đã liên tiếp gửi đơn tố cáo từ năm 2013, nhưng vụ việc có dấu hiệu đi vào quên lãng. 

Với trường hợp này, theo luật sư Hùng, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. 

Trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp phải điều tra, xác minh thì thời hạn không kéo dài quá 2 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn 1 lần nhưng không quá 2 tháng.

Theo luật sư Hùng, hành vi của bà Thủy có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng Cơ quan điều tra lại không quyết liệt khi xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật này. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bà Nguyệt bức xúc, khiếu nại kéo dài. 

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm