Khán phòng đẫm nước mắt sau lời xin giảm án của bà mẹ người bị hại

(PLVN) - Khi người mẹ có con bị đánh đến tật nguyền, phải nằm một chỗ suốt đời cất lời xin giảm án cho các bị cáo trong vụ hỗn chiến tranh giành đất, khiến 8 người thương vong ở tỉnh Đắk Lắk, các bị cáo đã bật khóc. Và dù được mẹ bị hại xin giảm án cho các bị cáo, nhưng tòa cấp phúc thẩm vẫn tuyên y án sơ thẩm.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Hỗn chiến giành đất, 8 người thương vong

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã xét xử phúc thẩm đối với 8 bị cáo trong vụ hỗn chiến vì tranh chấp đất ở huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk về các tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”. Các bị cáo gồm: Phạm Thị Phượng (SN 1973), Nguyễn Văn Hoàng (SN 1989, con trai của Phượng), Nguyễn Văn Hiệp (SN 1992, con trai của Phượng), Nguyễn Trọng Tố (SN 1987), Nguyễn Văn Thủy (SN 1992), Hà Văn Pha (SN 1977, cùng ngụ xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), Dương Văn Hiến (SN 1989), Dương Văn Huấn (SN 1984, cùng ngụ xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp).

Trước đó, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vào cuối tháng 10/2019, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt bị cáo Phượng 21 năm tù, Hoàng và Hiệp mỗi bị cáo 20 năm tù, Hiến và Huấn mỗi bị cáo 19 năm tù, Tố 18 năm tù, Pha 15 năm tù, Thủy 14 năm tù. Tất cả các bị cáo cùng bị tuyên phạt về các tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”. Sau đó, tất cả các bị cáo đã kháng cáo, đề nghị tòa cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại tội danh.

Đây là vụ án từng gây rúng động dư luận vào cuối năm 2017. Chỉ vì tranh chấp đất lâm nghiệp mà 2 nhóm người đã lao vào hỗn chiến, khiến 1 người chết, 7 người bị thương. Theo cáo trạng, năm 2010, anh Nguyễn Duy Điển (ngụ xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) mua 9,5ha đất lâm nghiệp thuộc tiểu khu 263 (xã Ea Bung) của anh Trương Quang Tuấn (ngụ xã Ea Lê, huyện Ea Súp) với giá 314 triệu đồng. Hai bên tự thỏa thuận viết giấy tay mua bán với nhau. Từ khi anh Điển mua đất của anh Tuấn cho đến năm 2015, không xảy ra tranh chấp.

Công tác khám nghiệm hiện trường vụ hỗn chiến được thực hiện ngay trong đêm sau khi xảy ra sự việc
Công tác khám nghiệm hiện trường vụ hỗn chiến được thực hiện ngay trong đêm sau khi xảy ra sự việc  

Thế nhưng, đến năm 2016 thì xảy ra tranh chấp đất giữa anh Điển với ông Đặng Văn Hà (SN 1971, còn gọi là Hà “đen”, ngụ thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) và một số người khác. Lúc này, anh Điển đã viết giấy tay giao đất cho bà Phượng mượn để trồng cây và nhờ giữ đất. Từ đó, bà Phượng đã trồng và thu hoạch được một vụ lúa trên một phần diện tích đất mà anh Điển cho mượn.

Đến ngày 5/12/2017, khi con trai của bà Phượng là Hoàng dùng máy cày san ủi phần đất còn lại thì bị con trai của ông Hà là Đặng Văn Sơn (SN 1997) dùng dao chém, gây thương tích 5%. Sau đó, khoảng 9h30’ ngày 16/12/2017, Sơn cùng Đặng Công Báo (SN 1981), Vũ Hồng Phong (SN 1968, cùng ngụ thị trấn Ea Súp) điều khiển xe cày vào cày xới đất trên diện tích 9,5ha mà Phượng đang canh tác. Đến 11h30’ cùng ngày, gia đình bà Phượng phát hiện nên 2 con trai của bà là Hoàng và Hiệp cùng anh kết nghĩa là Huấn ra ngăn cản.

Lúc này, Hoàng nhận ra Sơn chính là người đã cầm dao chém mình hơn 10 ngày trước. Do đó, Hoàng lấy chiếc rựa trên xe mô tô của Sơn đang dựng gần đó, rồi cầm chém trúng tay trái của Sơn. Sau khi biết việc con mình bị chém, ông Hà rủ thêm 4 người khác mang theo dao, mã tấu, gậy, súng tự chế đi vào nơi xảy ra tranh chấp. Khi đi ngang qua lán trại của bà Phượng, nhóm ông Hà giơ tay thông báo cho nhóm bà Phượng biết. Khi đến khu đất đang tranh chấp, ông Hà bảo ông Phong nổ máy cày để tiếp tục cày đất.

Thấy nhóm ông Hà có ý khiêu khích và tiếp tục cày đất, bà Phượng gọi điện thoại cho lãnh đạo Công an xã Ea Bung, lãnh đạo UBND xã Ea Bung, trực ban Công an huyện Ea Súp để trình báo sự việc bị nhóm ông Hà đi xe cày đến cày đất của mình và đề nghị giải quyết. Đồng thời, bà nhờ người dân gần đó đến giúp. Đến khoảng 13h cùng ngày, có khoảng gần 40 người dân cả nam và nữ, mang theo hung khí như: cuốc, xẻng, gậy… đến giúp bà Phượng tìm cách đối phó với nhóm của ông Hà.

Dù được mẹ của người bị hại xin giảm án và các bị cáo tỏ ra ăn năn, hối hận nhưng đã muộn, Tòa phúc thẩm tuyên y án
Dù được mẹ của người bị hại xin giảm án và các bị cáo tỏ ra ăn năn, hối hận nhưng đã muộn, Tòa phúc thẩm tuyên y án 

Lúc này, bà Phượng nói với những người đang tập trung để giúp mình rằng: “Tất cả mọi người phải bình tĩnh, trước tiên phải giải quyết bằng lời, nếu họ đánh mình thì mình đánh trả”. Sau đó, nhóm người của bà Phượng đi đến mảnh đất mà nhóm ông Hà đang cày. Thấy nhóm của bà Phượng đến gần, nhóm ông Hà nhảy lên thùng xe ô tô tải và xe máy cày cầm dao, mã tấu, gậy đứng chờ.

Khi nhóm bà Phượng đến cách khoảng 2 - 3m, Đặng Công Hải cầm súng tự chế bắn một phát chỉ thiên. Ngay lập tức, nhóm bà Phượng lao vào tấn công nhóm ông Hà, rồi 2 bên hỗn chiến. Hậu quả của vụ hỗn chiến khiến 8 người trong nhóm ông Hà thương vong. Cụ thể, anh Phạm Thế Văn tử vong, Trịnh Sơn Thành thương tích 77%, Đặng Công Hải thương tích 37%, Đặng Văn Hà thương tích 33%, Đặng Công Báo thương tích 28%, Nguyễn Cao Nguyên thương tích 25%, Đặng Văn Sơn thương tích 19% và Vũ Hồng Phong thương tích 4%. 

Bật khóc khi được mẹ của người bị hại xin giảm án

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Thị Phượng cho rằng khi thấy nhóm Hà “đen” đến giành đất, bị cáo gọi điện báo cho cơ quan chức năng và báo cho 3 người tới giúp. Bản thân bị cáo chưa đánh ai trong nhóm của ông Hà nên bị cáo bị xét xử tội “Giết người” là chưa đúng. Do đó, bị cáo xin HĐXX xem xét lại tội danh, giảm nhẹ hình phạt. Tất cả các bị cáo còn lại đều ăn năn, hối hận, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo đều lần lượt khai rằng họ đã phạm tội trong lúc bị kích động mạnh (sau khi Đặng Công Hải nổ súng) nên mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên.

Cũng tại phiên toà, bà Phùng Thị Độ (mẹ của anh Trịnh Sơn Thành, người bị đánh thương tích 77% trong vụ hỗn chiến) cho biết, từ khi xảy ra vụ việc đến nay, phía các bị cáo mới chỉ bồi thường tổng cộng 23 triệu đồng cho gia đình bà. Sau vụ việc, con trai bà bị tật nguyền, phải nằm một chỗ. Dù rất giận các bị cáo vì đã khiến con bà phải nằm tại chỗ, bà vẫn xin HĐXX giảm án cho các bị cáo. Bà mong rằng các bị cáo sớm có cơ hội hòa nhập lại với xã hội để làm lại cuộc đời.

“Quê tôi nghèo, các bị cáo đều là nông dân, hoàn cảnh rất cơ cực. Vì ai cũng muốn có nương rẫy canh tác nên xảy ra cơ sự như vậy. Con tôi tật nguyền suốt đời rồi, tôi đành chịu. Giờ được đứng trước tòa, tôi coi đây là cơ hội để giúp các cháu, xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các cháu. Tuy nhiên, tôi cũng yêu cầu các cháu phải coi đây là bài học, phải ăn năn hối cải để sau này không lặp lại sai lầm”, bà Độ khẩn thiết nói trước tòa.

Những lời nói bao dung, chân thành của mẹ người bị hại khiến khán phòng lặng đi. Khi bà Độ vừa dứt lời, nhiều bị cáo đã bật khóc vì ân hận, rồi quay sang nhìn mẹ của bị hại. Họ như hiểu rằng những lời nói của bà Độ chứa đầy sự bao dung, dù con bà bị họ làm cho tật nguyền, phải nằm một chỗ suốt đời. Phía sau nỗi đau thường là sự hận thù, căm tức nhưng trong phiên xét xử này, những ai có mặt tại tòa đều lặng đi và hiểu thêm rằng phía sau nỗi đau, mất mát còn là cả sự bao dung, tha thứ đầy tình người.

Có điều, dù được mẹ của bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên giữ y án cấp sơ thẩm đối với 8 bị cáo.

Đọc thêm