Khởi tố 37 đối tượng phá rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong vòng hơn nửa tháng, hàng chục lâm tặc đã vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cắt hạ khoảng 43m3 gỗ đem bán lấy tiền. Sau gần nửa năm điều tra, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố các đối tượng phá rừng.
Các đối tượng phá rừng tại cơ quan điều tra.
Các đối tượng phá rừng tại cơ quan điều tra.

Phá rừng ở khu bảo tồn, 37 lâm tặc bị khởi tố

Ngày 2/5, tin từ VKSND huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị này vừa phê chuẩn quyết định khởi tố 37 bị can (cùng ngụ huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự. Trong đó, lệnh bắt tạm giam 18 bị can, 19 bị can lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. 

Theo kết quả điều tra ban đầu, ngày 14/11/2020, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar) nhận được tin báo tại khu vực dọc sông Ea Pích, gần Trạm Kiểm lâm số 5 (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) có xảy ra vụ khai thác gỗ trái pháp luật. 

Ngay sau đó, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô phối hợp cùng ngành chức năng đến hiện trường để điều tra, làm rõ. Thời điểm này, cơ quan chức năng không xác định được số đối tượng khai thác gỗ trái phép, không thu giữ được tang vật, phương tiện. Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng thu thập được thông tin, vào khoảng cuối tháng 10/2020, đối tượng Ma Khanh ngồi với một số người tại một quán nước ở buôn Zô (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh). Trong lúc nói chuyện, những người ngồi cùng than khổ, không có việc gì làm để kiếm tiền chi tiêu nên Ma Khanh nói vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô khai thác gỗ bán kiếm tiền tiêu xài.

Sau đó, cả nhóm thống nhất rủ thêm 20 người khác cùng đi khai thác gỗ. Sau khi bàn bạc, cả nhóm góp tiền mua 5 cưa tay và các vật dụng khác phục vụ cho việc khai thác gỗ.

Chuẩn bị đồ đạc xong, cả nhóm tập trung cùng nhau vượt sông Krông Năng vào Tiểu khu 618 và Tiểu khu 622 (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) để khai thác gỗ. 

Tại đây, các đối tượng đã khai thác 19 cây gỗ căm xe. Trong đó, số gỗ còn để lại hiện trường có khối lượng là 6,290m3 gỗ tròn; số gỗ mà các đối tượng đã khai thác khoảng 20 lóng gỗ, kích thước dài từ 2,5 - 3,7m, đường kính 30cm.

Khai thác xong, các đối tượng cùng nhau đưa gỗ vượt sông về buôn Zô. Tới nơi, Ma Khanh gọi điện thoại thuê người đưa xe máy cày độ đến bờ sông trục vớt gỗ đưa về nơi tập kết. 

Sau khi sơ chế xong, Ma Khanh gọi người đến mua số gỗ này, với số tiền 80 triệu đồng. Sau đó, cả nhóm chia nhau mỗi người hơn 3 triệu đồng để tiêu xài.

Hiện trường vụ phá rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Hiện trường vụ phá rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. 

Đầu tháng 11/2020, trong lúc ngồi uống nước tại buôn Zô, Nguyễn Xuân Ban nghe nhóm Ma Khanh nói chuyện với nhau về việc khai thác gỗ bán kiếm tiền tiêu xài nên nảy sinh ý định vào cùng nhóm Ma Khanh để khai thác gỗ. Ngày 8/11/2020, nhóm Ma Khanh tiếp tục rủ nhau vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để khai thác gỗ. Lúc này, có đến 30 đối tượng tham gia. 

Sau khi vào Tiểu khu 618 và Tiểu khu 622, nhóm của Ma Khanh sử dụng 5 cưa cá mập khai thác 37 cây gỗ căm xe trong 3 ngày. Số gỗ còn để lại hiện trường có khối lượng là 13,699m3 gỗ tròn; số gỗ mà các đối tượng đã khai thác khoảng 30 lóng gỗ, kích thước dài từ 2,5 - 3,7m, đường kính 30cm.

Sau khi đưa gỗ vượt sông về buôn Zô, Ma Khanh tiếp tục thuê người trục vớt, rồi gọi người đến mua số gỗ trên với số tiền 100 triệu đồng. Sau đó, nhóm Ma Khanh tiếp tục bán 8 trụ đề ba, với số tiền 26 triệu đồng và chia mỗi người 3,8 triệu đồng tiêu xài cá nhân. Lần này, nhóm của Ma Khanh chia mỗi người 3,8 triệu đồng tiêu xài cá nhân.

Cũng trong đợt này, ngoài nhóm của Ma Khanh thì còn nhóm do đối tượng Ban cầm đầu và nhóm Trần Văn Tú, Hoàng Anh Sáng cũng vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để khai thác gỗ.

Cụ thể, từ ngày 8 - 14/11/2020, nhóm do Ban cầm đầu có 4 đối tượng đã khai thác 5 cây gỗ căm xe, khối lượng 3,3m3 gỗ tròn, tại Tiểu khu 622. Trong đó, 4 lóng đã được nhóm này đưa về và bị thu giữ tại xã Ea Ly.

Ngày 10/11/2020, nhóm Trần Văn Tú, Hoàng Anh Sáng đã đến Tiểu khu 618 khai thác được 6 lóng gỗ căm xe, đường kính khoảng 30cm, dài 1,2m, rồi thuê một người tên Đạo trục vớt, đưa về buôn Zô bán được 7 triệu đồng.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, từ cuối tháng 10/2020 - 14/11/2020, 37 đối tượng ở huyện Sông Hinh đã vào Tiểu khu 618 và Tiểu khu 622 cắt hạ khoảng 43m3 gỗ, chủ yếu là căm xe.

Vụ việc hiện vẫn đang được Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Áp lực phá rừng ở khu vực giáp ranh

Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có diện tích 26.848ha nằm trải dài trên địa bàn huyện Ea Kar (tiếp giáp với các tỉnh Gia Lai, Phú Yên), được thành lập năm 1999, nhằm mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn sinh cảnh tự nhiên độc đáo của hệ sinh thái rừng nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ. Đây là nơi có nhiều loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm như: giáng hương quả to, cà te, cẩm lai, trắc, bò tót, bò rừng, nai…

Áp lực nhất đối với lực lượng kiểm lâm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô hiện nay là lâm tặc ngày càng tinh vi và liều lĩnh, trong khi lực lượng kiểm lâm quá mỏng, công cụ hỗ trợ hạn chế. Cùng với đó là địa hình phức tạp, hiểm trở, cán bộ quản lý rừng phải đi tuần đường bộ mất cả ngày mới tới địa bàn.

Khu vực giáp ranh 3 tỉnh lại nằm bên bờ sông nên lâm tặc dễ dàng chạy trốn và tẩu tán tang vật khi bị phát hiện. Thủ đoạn của đầu nậu gỗ ở đây rất tinh vi, chúng lợi dụng những người nghèo sống cạnh bìa rừng, thậm chí cả những đối tượng nghiện ngập từ nơi khác đến khai thác gỗ về bán cho chúng. Lâm tặc thâm nhập vào rừng theo từng nhóm, chúng đốn cây, rồi cưa cắt nhỏ ra từng phách, gùi vác hoặc chở xe máy độ chế luồn ra khỏi rừng. Nếu bị phát hiện chúng thường trốn vào rừng. Gặp trường hợp lực lượng bảo vệ rừng mỏng, bọn chúng tụ tập lại khống chế, tẩu tán tang vật.

Tại khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Phú Yên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cũng đã thành lập một chốt chặn tại Tiểu khu 623 với 2 kiểm lâm và 4 người dân nhận khoán rừng cắm chốt. Tuy nhiên, do các đối tượng phá rừng thường tập trung đông người để vào rừng, có khi số lượng lên đến 30 người nên việc đảm bảo an ninh rừng hết sức vất vả. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của chủ rừng, rất cần sự chung tay vào cuộc của các ngành chức năng địa phương vùng giáp ranh.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, chủ rừng tăng cường lực lượng tuần tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm lâm luật, kết hợp với tuyên truyền vận động người dân tuân thủ những quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, tăng cường phối hợp với các địa phương vùng giáp ranh của các tỉnh trong công tác quản lý bảo vệ rừng. 

Cùng với đó, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Gia Lai và Phú Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại khu vực rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh này với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk để mở các đợt kiểm tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng.

Đọc thêm