Làm giả lệnh bắt của Tướng công an để lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ

(PLVN) - Gọi điện thoại, dùng giấy tờ giả lệnh bắt giữ người do Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến ký đểđe dọa những người nhẹ dạ cả tin buộc họ phải chuyển tiền, đó là những chiêu trò màNguyễn Văn Phi cùng đồng bọn đã sử dụng để chiếm đoạt hơn 3,4 tỷ đồng của nhiều người.
Kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo lĩnh 16 năm tù.
Kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo lĩnh 16 năm tù.

Giả lệnh bắt của Thiếu tướng

Hơn 3 năm trôi qua, nhưng chị Hoàng Thị P.L. (SN 1975), trú TP. Vinh(tỉnh Nghệ An) vẫn chưa thôi sợ hãi khi nhớ lại việc mình bị lừa đảo qua điện thoại. Với chị, đó là cú điện thoại “giá trăm triệu”, cũng là bài học lớn cho mình.

Hôm đó là ngày 22/8/2017, khi chị chuẩn bị kết thúc buổi làm việc thì nhận được cuộc điện thoại lạ gọi đến, đầu dây bên kia là giọng người phụ nữ thông báo số máy chị đang nợ cước hơn 8,9 triệu đồng.Khi chị L. khẳng định không biết khoản tiền đó thì được “nhân viên viễn thông” hướng dẫn bấm phím 9. Chị L. làm theo thì có 1 người đàn ông tự xưng là nhân viên công ty viễn thông thông báo chị L. có đăng ký 1 số điện thoại khác ở TP.Hồ Chí Minh, thường xuyên gọi ra nước ngoài như Úc, Canada,…

Chị L. thanh minh thì đối tượng yêu cầu giải trình với... công an. Sau vài giây có người tự xưng là Đại úy Phạm Tuấn Anh, cán bộ Công an TP Hồ Chí Minh cho biết chị có trong danh sách của công an liên quan đến việc buôn bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu nạn nhân không được nói với ai. “Công an” yêu cầu chị L. kê khai toàn bộ tài khoản để chứng minh số tiền đó có phải lao động chính đáng hay không và chuyển toàn bộ số tiền đó vào tài khoản khác.

Chị L. nghi ngờ và đòi “công an” chứng minh thì đối tượng tắt máy và gọi điện vào số điện thoại di động đuôi 113. Sau đó, chị được vị “cán bộ công an” gửi qua Zalo một bản chụp “lệnh bắt khẩn cấp” có chữ ký của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến. “Công an” dọa nếu không chuyển tiền vào tài khoản theo chỉ định thì trong vòng 15 phút nữa sẽ có người của công an địa phương áp giải đến làm việc với cơ quan điều tra.

Nhìn thấy lệnh bắt có ghi rõ tên tuổi, địa chỉ của mình, lại có chữ ký của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, chị L. hoảng sợ đã chuyển gần 170 triệu đồng cho vị công an qua điện thoại. Chỉ sau khi thao tác chuyển tiền thành công, người phụ nữ này mới ngờ ngợ, nghi bị lừa nên trình báo công an.

Các đồng phạm được trích xuất đến tòa để làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Phi.
 Các đồng phạm được trích xuất đến tòa để làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Phi.

Khi công an đang vào cuộc điều tra thì tiếp tục nhận được đơn trình báo của anh Nguyễn Thiết D. (trú TP Vinh). Cũng với thủ đoạn tương tự, chỉ trong thời gian ngắn anh D. đã chuyển cho “công an” 220 triệu đồng. Trước những lá đơn trình báo của nhiều nạn nhân, phòng Cảnh sát Hình sự công an tỉnh Nghệ An đã xác lập chuyên án, sử dụng đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm manh mối các đối tượng.

Ngày 3/9/2017, Phòng Cảnh sát Hình sự lần lượt bắt giữ Phạm Đình Luận (SN 1993), Nguyễn Hữu Thu (SN 1991) và Phạm Đình Phi (SN 1999), đều trú tại xã Hương Mỹ, huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh). Kết quả đấu tranh, lời khai của các đối tượng cho thấy kẻ cầm đầu đường dây này là Nguyễn Văn Phi (SN 1990, trú xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, anh họ của vợ Luận), thời điểm đó Phi đang ở nước ngoài. 

Quá trình điều tra, công an đã vạch trần thủ đoạn phạm tội của các đối tượng như sau. Trong thời gian ở Đài Loan, Nguyễn Văn Phi liên hệ với Luận tìm người mở tài khoản ở các ngân hàng. Phi mua lại các thẻ ngân hàng trên với giá 3 triệu đồng mỗi thẻ. Luận cùng Nguyễn Hữu Thu, Phạm Đình Phi mở được 15 tài khoản ATM gửi cho Nguyễn Văn Phi. Văn Phi thống nhất với Luận, Thu, Đình Phi khi có tiền chuyển vào các tài khoản trên thì rút tiền mặt, Phi sẽ trả từ 15-20% số tiền đó. Cơ quan điều tra chứng minh, từ ngày 21/8/2017 đến 29/8/2017, Nguyễn Văn Phi đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều bị hại số tiền hơn 3,4 tỉ đồng

Kẻ cầm đầu lĩnh án

Sau đó, 3 bị cáo Phạm Đình Luận, Nguyễn Hữu Thu, Phạm Đình Phi bị đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chịu các mức án khác nhau. Trong đó, Luận và Thu lĩnh án 12 năm tù, Thu 8 năm tù. Trong khi các đồng phạm lần lượt bị bắt giữ, lĩnh án thì Nguyễn Văn Phi vẫn trốn ở Đài Loan. Tháng 3/2020, Nguyễn Văn Phi bị bắt sau khi trở về nước. 

TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Phi vào tháng 9/2020 nhưng sau đó phải tạm dừng để trích xuất Phạm Đình Luận đến để đối chất, làm rõ hành vi phạm tội của Phi. Trong phiên xử ngày 8/10, Phi vẫn tiếp tục không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Với tư cách là người làm chứng, Luận cũng cho rằng nhận sự chỉ đạo từ một đối tượng xưng tên Huy (không rõ danh tính, địa chỉ) chứ không phải từ Nguyễn Văn Phi.

HĐXX nhận định, căn cứ vào các bản tự khai của Phạm Đình Luận cũng như các bản tường trình và biên bản ghi lời khai, biên bản đối chất Luận có đủ cơ sở khẳng định Nguyễn Văn Phi là người thuê Luận mở thẻ ATM. Luận được Phi trả tiền công khi rút số tiền Phi chiếm đoạt từ các nạn nhân ra khỏi thẻ ATM do Luận mở trước đó.

Tại phiên tòa, Luận đã khai báo gian dối nhằm có lợi cho Nguyễn Văn Phi. Lời khai của Luận trong quá trình điều tra phù hợp với lời khai của Thu và Phạm Đình Phi. Lời khai của Thu, Đình Phi và người làm chứng phù hợp với nội dung vụ án. Do đó có đủ căn cứ kết luận trong vụ án này Nguyễn Văn Phi là người chủ mưu thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 3,3 tỉ đồng của các bị hại. Với vai trò cầm đầu, Nguyễn Văn Phi bị tuyên phạt 16 năm tù.

Cẩn trọng trước cuộc gọi lạ

Theo nhận định của cơ quan công an, thời gian gần đây loại tội phạm này đang gia tăng ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Các đối tượng lừa đảo theo hình thức này hoạt động có tổ chức, quy mô lớn, có tính chất quốc tế, thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động. Chúng thường chia làm ba nhóm hoạt động. Cụ thể nhóm 1 sẽ thiết lập hệ thống tổng đài để điện thoại lừa đảo; nhóm 2: Thu mua thẻ ATM; Nhóm 3: Rút tiền. Trong nhiều vụ án các đối tượng hoạt động lừa đảo ở Nghệ An nhưng đặt hệ thống tổng đài ở nước ngoài khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn.

Thủ đoạn chung của các đối tượng là giả danh nhân viên bưu điện thông báo nợ cước điện thoại, nếu khách hàng thắc mắc thì chuyển máy đến “cơ quan công an”, rồi giả danh công an đe dọa người bị hại liên quan đến một vụ án nghiêm trọng. Sau đó, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra”.

Loại tội phạm này sử dụng công nghệ cao giả lập số điện thoại của một sốđơn vị công an các tỉnh, thành phố để người bị hại dễ dàng tin. Những cuộc gọitrên đều có liên quan đến các tổng đài từ nước ngoài về Việt Nam qua kết nối VoIP (một công nghệ cho phép truyền âm thanh thời gian thực qua băng thông Internet và các kết nối IP).

Sử dụng phương thức, thủ đoạn này, nhóm tội phạmkhông chỉ dễ dàng chiếm đoạt tiền, tài sản của người bị hại mà còn tạo dư luận xấu, gây nghi ngờ trong nhân dân, ảnh hưởng uy tín của cơ quan công an. Cũng cần nói thêm, nguyên nhân của những vụ án này một phần đến từ người dân khi đã chủ quan, thiếu cảnh giác, thiếu hiểu biết pháp luật. 

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để phòng ngừa hiệu quả thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng...

Trường hợp có người tự xưng là công an thì người dân cần đề nghị cho biết tên,nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó. Không nên cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Không mua, bán, chuyển giaotài khoản cá nhân hoặc cho mượn giấy chứng minh nhân dân.

Người dân cũng cần cẩn trọng khi chia sẻ những thông tin cá nhân trên mạng xã hội tránh bị khaithác thông tin cá nhân để lừa đảo. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không có lý do chính đáng thì cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.

Đọc thêm