Người đàn bà tàn tật giả danh cán bộ Sở Nội vụ lừa đảo “chạy việc” lĩnh 20 năm tù

(PLVN) - Với mong muốn tìm được công việc như ý, nhiều lao động ở Nghệ An đã liên hệ hoặc thông qua người quen nhờ Quyên chạy việc. Dù tàn tật, hàng tháng hưởng trợ cấp của nhà nước nhưng Quyên “nổ” mình là cán bộ Sở Nội vụ quen biết nhiều lãnh đạo có thể chạy việc vào giáo dục, bệnh viện, công trình thủy điện…cho ai cần. Với mánh khóe trên, Quyên đã chiếm đoạt hơn 3,4 tỷ đồng.
Bị cáo Mạc Thị Lệ Quyên tại tòa.
Bị cáo Mạc Thị Lệ Quyên tại tòa.

Đi nhận việc mới ngã ngửa biết mình bị lừa

Đi dạy nhiều năm nhưng vẫn là giáo viên hợp đồng nên chị Đặng Thị Hoàng L. (trú huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) luôn mong muốn được biên chế. Do đó, khi biết Mạc Thị Lệ Quyên (36 tuổi, quê xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, tạm trú xã Nghi Kim, TP Vinh) có khả năng chạy biên chế vào ngành giáo dục, người thân của chị L. đã liên hệ. Quyên nhận lời và hứa chắc chắn xin chuyển biên chế được cho chị L. Quyên cam kết trong vòng 2 tháng, chị L. sẽ có Quyết định biên chế, chi phí là 160 triệu đồng. Sau khi được người quen thuật lại, chị L. đồng ý. 

Tháng 6/2016, chị L. đưa trước cho Quyên 40 triệu đồng tiền chạy biên chế. Sau đó, Quyên tiếp tục thúc giục nạp tiền nên chị L. đưa tiếp 120 triệu đồng. Hết thời gian cam kết, lấy lý do năm 2016 huyện Quỳ Châu không thi công chức nên Quyên hứa hẹn chị L. đợi năm sau.

Giữa năm 2017, sợ gia đình chị L. phát hiện hành vi lừa đảo của mình nên Quyên truy cập vào mạng Internet tìm kiếm mẫu văn bản có chữ ký và con dấu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An. Sau đó, Quyên đánh danh sách bổ sung các trường hợp về giảng dạy tại một trường cấp 2 trên địa bàn huyện Quỳ Châu và ghép danh sách này lên con dấu có chữ ký của Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An. Quyên in ra một bản giấy rồi đưa cho L.

Cầm tờ giấy Quyết định biên chế trên tay chị L. vô cùng phấn khởi, vui mừng. Đến ngày hẹn được ghi trên giấy, cô giáo này đến trường để tiếp nhận công việc thì mới biết trường không nhận được bất kỳ thông báo tiếp nhận giáo viên về giảng dạy. Đến lúc này, chị L. mới ngã ngửa khi biết mình bị lừa. Tìm đến nhà Quyên đòi lại tiền nhưng không thành. 

Những người bị hại tại phiên tòa.
Những người bị hại tại phiên tòa.  

Chị L. là 1 trong số 20 người rơi vào thủ đoạn của Mạc Thị Lệ Quyên. Dù bị tàn tật, hàng tháng hưởng trợ cấp của nhà nước, nhưng từ năm 2015 đến 2019 Quyên “nổ” mình đang làm việc tại Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, quen biết nhiều lãnh đạo các sở: Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An nên có thể xin việc làm biên chế tại các bệnh viện, trường học, một số cơ quan đơn vị khác để chiếm đoạt tiền của các bị hại. Giá xin việc do Quyên nghĩ ra, tùy vào từng đối tượng. 

Cũng giống một số bị hại được Quyên hứa hẹn chạy việc vào trường học, anh Trần Đ. N. cũng bị đối tượng lừa mất 200 triệu đồng. Anh N. là giáo viên hợp đồng dạy tại trường cấp 3 có tiếng ở huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An). Do có nguyện vọng xin biên chế dạy ở trường này nên năm 2018 khi được bạn giới thiệu, anh N. đến gặp Quyên nhờ xin vào biên chế tại trường. Với mục đích lừa gạt, chiếm đoạt tiền Quyên nhận lời và cam kết trong thời gian từ 3 đến 6 tháng anh N. sẽ có quyết định biên chế, chi phí 200 triệu đồng. 

Tin tưởng, ngày 2/5/2018 anh N. đưa cho Quyên 60 triệu đồng và 1 bộ hồ sơ chuyển biên chế mang tên mình. Ít ngày sau, lấy lý do để công việc nhanh, Quyên yêu cầu anh N. đưa tiếp 40 triệu đồng. Cao thủ hơn là sau đó Quyên thuê một người không quen biết hành nghề xe lai gọi điện cho N., nói là người của Sở Giáo dục và Đào tạo, rồi hướng dẫn người này nói “hồ sơ của anh Sở đã tiếp nhận nên cứ yên tâm đưa tiền cho Quyên đầy đủ”. Sau đó, Quyên điện thoại cho anh N. tiếp tục yêu cầu đưa thêm 100 triệu đồng và được chấp thuận.

Cũng bằng thủ đoạn gian dối, Quyên truy cập mạng Internet tìm mẫu văn bản có chữ ký và con dấu của Sở Giáo dục và Đào tạo, quyết định tuyển dụng tiếp nhận nhân sự về công tác tại trường có tên Trần Đ. N. Quyên ghép quyết định này vào chữ ký, con dấu của Sở rồi gửi qua điện thoại cho anh N. Đến ngày đi làm theo quyết định anh N. đến trường nhận công tác thì mới biết là tờ giấy giả nên gọi điện cho Quyên. Người đàn bà này thừa nhận không xin được việc nhưng không trả lại tiền.

Mánh khóe lừa đảo 

TAND tỉnh Nghệ An vừa đưa Mạc Thị Lệ Quyên ra xét xử sơ thẩm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do tàn tật, chân teo nhỏ không đi lại được nên Quyên được người thân đưa vào tòa. Nhìn ngoại hình của Quyên không ai nghĩ người đàn bà này có thể lừa đảo được nhiều người có học thức, sinh sống ở phố như vậy. Nhưng cũng có một số bị hại cho hay, quá trình chuyển tiền, họ chưa gặp Quyên mà làm việc thông qua một số người trung gian. Đến khi không xin được việc làm, họ mới tìm đến đòi lại tiền thì mới biết Quyên. 

Mánh khóe chung mà Quyên vẽ ra là nổ mình làm việc tại Sở Nội vụ, có khả năng xin việc. Tin lời Quyên, hàng chục người đã gửi hồ sơ và tiền cho người phụ nữ này nhờ “chạy việc”. Số tiền “chạy việc” tùy theo vị trí việc làm.

Để bị hại tin tưởng, Quyên hứa hẹn thời gian hoàn tất công việc, thời điểm nhận quyết định tuyển dụng, thông báo tiếp nhận để đi làm. Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết, không thấy các quyết định tuyển dụng như Quyên hứa hẹn, các bị hại hỏi thì người phụ nữ này bịa đủ lí do để trì hoãn. Sau đó, Quyên đưa cho những người có nhu cầu xin việc quyết định tuyển dụng hoặc thông báo tiếp nhận vào các cơ quan, đơn vị, trường học.

Một bị hại phát biểu tại tòa bức xúc vì việc bỏ ra hàng trăm triệu đồng để “chạy” cho con trai công việc vận hành máy tại nhà máy thủy điện nhưng con lại đi phụ hồ. Người này trình bày, con trai tốt nghiệp ngành điện nhưng chưa tìm được công việc phù hợp nên khi nghe Quyên khẳng định làm ở Sở Nội vụ có khả năng xin việc vào Tổ vận hành Thủy điện bản Ang, huyện Con Cuông, gia đình này đã tin tưởng. Sau đó, gia đình đã đưa cho Quyên 130 triệu đồng và được hẹn hẹn khoảng 3 tháng sau có quyết định nhận việc.

Đến hẹn nhưng con trai vẫn chưa được đi làm khiến gia đình này nghi ngờ. Lúc này, Quyên lại lái gia đình sẽ nộp hồ sơ vào một thủy điện khác và tiếp tục đợi. Sau đó, công việc mà thanh niên tốt nghiệp đại học nhận được chỉ là công nhân phụ hồ. 

Tại tòa, bị cáo thừa nhận mọi hành vi phạm tội. Khi được chủ tọa hỏi về số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại, Quyên khai “bị cáo đã tiêu hết”. Câu trả lời của bị cáo khiến chủ tọa thảng thốt, hỏi “bị cáo tàn tật, có chơi bời, lô đề, cờ bạc gì không mà trung bình mỗi năm tiêu gần 1 tỷ đồng”.

Lúc này bị cáo im lặng. Mạc Thị Lệ Quyên cũng thừa nhận không làm việc tại Sở Nộ vụ, tất cả là do bị cáo tự bịa ra để lừa đảo. Việc tìm kiếm các quyết định rồi cắt ghép làm thành quyết định như thật do Quyên từng mở ki-ốt photocopy nên dễ dàng thực hiện những thao tác đó.

Các bị hại tham dự tòa cho biết vì tin người, mong muốn có việc làm nên đã răm rắp nghe theo lời Quyên. Có bị hại dù mới chỉ nghe tên, chưa gặp mặt nhưng vì tin tưởng người trung gian nên đã đưa hàng trăm triệu đồng cho đến khi sự việc bị vỡ lỡ. Trước sự có mặt của đông đảo người dân, tòa cũng khuyến cáo mọi người nên cảnh giác trước chiêu trò lừa chạy việc của các đối tượng.

Các bị hại tham dự tòa yêu cầu bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ tiền và đề nghị xử lý nghiêm. HĐXX nhận định, việc bị cáo thực hiện nhiều lần là tình tiết tăng nặng trong vụ án nên tuyên phạt Mạc Thị Lệ Quyên 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra xác định, để thực hiện hành vi lừa đảo Mạc Thị Lệ Quyên đã lập danh sách trúng tuyển và quyết định tiếp nhận công tác của một số người có chữ ký, con dấu của cơ quan tổ chức. Tuy nhiên, các con dấu, tài liệu Quyên sử dụng của cơ quan tổ chức là do Quyên tự truy cập vào các trang mạng xã hội tìm kiếm in ra, sau đó cắt ghép lên các danh sách, quyết định trúng tuyển và phô tô đưa cho các bị hại. Hành vi đó của Quyên là thủ đoạn làm cho bị hại tin tưởng, giao tiền rồi chiếm đoạt nên không có căn cứ xử lý Quyên về tội sử dụng con dấu của cơ quan tổ chức. 

Đọc thêm