Pháp luật xử lý hành vi giả chết rồi tổ chức đám tang như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày qua, người dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng bàn tán xôn xao về vụ gia đình ông Nguyễn Văn Liệt (59 tuổi, trú ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung) tổ chức đám tang giả cho bà Trần Thị Tuyến (56 tuổi, vợ ông Liệt). Dưới góc độ pháp lý, nếu bà Tuyến giả chết nhằm mục đích trốn nợ thì có thể bị cơ quan điều tra xử lý về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 
Bà Tuyến tại cơ quan Công an (Ảnh: Công an Sóc Trăng).
Bà Tuyến tại cơ quan Công an (Ảnh: Công an Sóc Trăng).

“Lộ tẩy” từ những dấu hiệu khả nghi

Theo cáo phó của gia đình, bà Tuyến từ trần ngày 27/3 tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Gia đình sau đó khâm liệm, thuê xe đưa thi hài bà Tuyến về nhà để tổ chức đám tang vào chiều 29/3. Thời gian hạ huyệt được dự kiến là 9 giờ 30 phút ngày 31/3.

Lãnh đạo Ban Nhân ấp Phước Hòa A cho biết khi quan tài được đưa về nhà, chỉ có 4 người khiêng. Thấy quan tài quá nhẹ nên nhiều người nghi vấn. Tuy vậy, người dân ấp Phước Hòa A vẫn viếng đám tang và phúng điếu tiền.

Trong những ngày gia đình ông Liệt tổ chức đám đang đúng theo phong tục địa phương, chính quyền sở tại quan sát thấy chồng, con của bà Tuyến không người nào buồn, khóc. Đặc biệt, các con của bà Tuyến kể với mọi người về nguyên nhân mẹ tử vong có nội dung khác nhau.

Cụ thể, có người nói bà Tuyến bị tai nạn giao thông chết ở Đồng Tháp, người thì nói té sông chết. Đến ngày sắp đưa đi an táng, con bà Tuyến lại nói mẹ mình bị bệnh chết gần khu vực biên giới Campuchia.

Theo Công an huyện Cù Lao Dung, qua tin báo của người dân về việc gia đình tổ chức đám tang cho bà Tuyến có sự bất thường, đặc biệt là để làm rõ nguyên nhân bà Tuyến tử vong trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Công an huyện Cù Lao Dung kết hợp với Tổ Phòng chống dịch Covid-19 của huyện tiến hành phun thuốc khử trùng nơi đám tang. Cơ quan điều tra cũng thuyết phục gia đình cho mở nắp quan tài để khám nghiệm tử thi.

Trong quan tài không có thi thể mà chỉ có 3 bao cát và hoa huệ.
Trong quan tài không có thi thể mà chỉ có 3 bao cát và hoa huệ.  

Sáng 31/3, nắp quan tài được mở, mọi người không thấy thi thể của bà Tuyến mà chỉ có nhiều nhánh hoa huệ và 3 bao cát. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cù Lao Dung cùng Viện Kiểm sát nhân dân huyện tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu giữ đồ vật, tài liệu liên quan.

Trong quá trình lực lượng làm việc, qua vận động, thuyết phục, bà Tuyến đã xuất hiện tại gia đình. Bước đầu, bà Tuyến khai giả chết là do tự bà sắp đặt, kêu các con mua quan tài tại tỉnh Đồng Tháp rồi thuê xe chở quan tài về gia đình để tổ chức đám tang.

Theo chính quyền địa phương, bà Tuyến nợ tiền nhiều người, có khả năng bị đòi nên người phụ nữ này giả chết để trốn nợ.

Sau khi được đưa về Công an huyện Cù Lao Dung, bà Tuyến khai do giận chồng nên muốn làm đám tang giả để thử lòng chồng. Tuy nhiên, bà này sau đó đổi lời khai là muốn “thử lòng” những chủ nợ đến dự đám tang. Từ sự bất nhất về lời khai của bà Tuyến, Công an Cù Lao Dung tiếp tục đấu tranh làm rõ để xử lý theo pháp luật.

Chiều 31/3, Công an huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã thông tin bước đầu kết quả điều tra vụ người phụ nữ giả chết, làm đám tang với những nội dung như trên. Ngày 2/4, Công an huyện Cù Lao Dung tạm giữ bà Trần Thị Tuyến để điều tra dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Công an huyện Cù Lao Dung thông báo ai là nạn nhân của bà Tuyến hãy đến cơ quan điều tra để cung cấp thông tin, chứng cứ để làm rõ vụ việc. Đối với tiền phúng điếu, cơ quan điều tra chưa đưa ra hướng xử lý. “Việc xử lý tiền phúng điếu còn phụ thuộc vào ý của người dự đám tang”, Đại tá Phan Văn Ứng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm.

Pháp luật xử lý như thế nào?

Về sự kiện hy hữu này, nếu việc “giả chết trốn nợ” là đúng thì bà Tuyến và gia đình có phải chịu trách nhiệm gì hay không? Nhiều người cũng băn khoăn, liên tưởng luôn tới việc tổ chức đám cưới giả để nhận tiền mừng có bị xử lý hình sự không?

Theo một Luật sư, bà Tuyến tổ chức đám tang giả nhằm mục đích trốn nợ thì có thể bị cơ quan điều tra xử lý về hành vi lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của các chủ nợ. Tuy nhiên, muốn xác định bà Tuyến có phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" hay không, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được hành vi làm giả chết của bà Tuyến nhằm mục đích trốn nợ. 

Trong trường hợp bà Tuyến khai mục đích giả chết không nhằm để trốn nợ, và cơ quan tố tụng không chứng minh được động cơ, mục đích của bà Tuyến “giả chết trốn nợ”. Đồng thời, khi chủ nợ đến đòi nợ, bà Tuyến vẫn trả nợ thì trong trường hợp này, bà Tuyến và gia đình chỉ bị nhắc nhở.

Nếu cả gia đình người phụ nữ giả chết thống nhất, bàn bạc việc làm đám tang giả để lừa lấy tiền phúng điếu (tương tự việc tổ chức cưới giả để lừa lấy tiền mừng) thì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Song, hành vi này có cấu thành tội lừa đảo hay không thì chưa thể khẳng định được bởi còn phải căn cứ mục đích, ý thức của người tổ chức đám ma/đám cưới giả. 

Theo phong tục ở Việt Nam nói chung và từng vùng miền nói riêng, tiền mừng hay phúng điếu là một khoản nợ “đồng lần”, kiểu “anh mừng tôi khi có việc thì đến lúc anh có việc tôi lại mừng anh”. Việc này là tự nguyện và tùy tâm, không ai ép ai nên rất khó chứng minh người tổ chức đám ma giả nhằm mục đích thu lợi, bởi không ai biết được người khác có đến mừng hay phúng điếu hay không.

Một luật sư khác cho hay, mừng cưới hay phúng điếu đám tang là phong tục tập quán trong dân gian. Việc mừng cưới hay phúng điếu bao nhiêu tiền là tự nguyện, tùy tâm mỗi người, không ai ép buộc người đến đám cưới hay đi đám ma phải phúng điếu. Việc giả chết hay cưới giả là có dấu hiệu gian dối. Tuy nhiên, tổ chức đám tang giả, đám cưới giả nhằm mục đích gì thì cơ quan chức năng cần làm rõ để có hướng xử lý phù hợp. 

Trường hợp có người tổ chức đám tang giả, đám cưới giả để thu tiền hoặc tài sản từ việc này thì có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đặc điểm hành vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà người bị hại không biết. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội.

Trao đổi với báo chí, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ (Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM) cũng cho rằng, nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được mục đích, động cơ giả chết của bà Tuyến nhằm trốn nợ thì có thể xử lý bà Tuyến về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. 

Theo bà Nhuệ, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tội phạm cấu thành vật chất, tức phải có mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả chiếm đoạt xảy ra. Trong trường hợp này, có thể nhận thấy hậu quả chiếm đoạt chưa xảy ra, nhưng không phải do người liên quan tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi mà do phạm tội chưa đạt.

“Hành vi chiếm đoạt chưa thực hiện được là do bị người khác kịp thời ngăn chặn. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”, bà Nhuệ phân tích.

Đọc thêm